Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 10 năm 2018 | 10:25

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Trung Quốc, Na Uy bên lề ASEM

Chiều 18/10, nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 12 (ASEM 12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg.

 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những tiến triển mới trong quan hệ hai nước và thiện chí tích cực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước thời gian qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị trong thời gian tới, hai bên tiếp tục duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; tăng cường chỉ  đạo, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương hai nước tích cực trao đổi, triển khai các biện pháp thúc đẩy thương mại song phương phát triển cân bằng, bền vững song song với việc giảm nhập siêu của Việt Nam; tạo điều kiện nhập khẩu thuận lợi và mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản; phối hợp triển khai các dự án hợp tác theo đúng thỏa thuận, bảo đảm chất lượng và tiến độ.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc triển khai các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường... Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc triển khai các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc tại Việt Nam; đẩy nhanh việc triển khai hợp tác trên các lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp, môi trường, khoa học công nghệ, tài chính, tiền tệ; triển khai hiệu quả các khoản viện trợ Trung Quốc dành cho Việt Nam; tích cực nghiên cứu các biện pháp giảm giá thành để thúc đẩy việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt từ Việt Nam qua Trung Quốc sang các nước Á - Âu; tạo điều kiện cho hoạt động khai thác cũng như mở các tuyến bay mới của các hãng hàng không Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ nêu rõ Việt Nam sẵn sàng triển khai hợp tác năng lực sản xuất với Trung Quốc trên cơ sở phù hợp với điều kiện và nhu cầu của hai bên.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hai bên cần kiểm soát bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; nghiêm túc thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, “Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; kiên trì giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; xử lý tốt vấn đề nghề cá và hoạt động của ngư dân trên biển; tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau.

Thủ tướng Lý Khắc Cường bày tỏ vui mừng gặp lại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng và sẵn sàng cùng Việt Nam thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Trung - Việt; mong muốn hai bên nắm bắt cơ hội tăng cường hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực; kiểm soát tốt tình hình và xử lý thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc phát triển ổn định, bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời Thủ tướng Lý Khắc Cường sang thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã vui vẻ nhận lời. 

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg nhất trí cần tăng cường hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh… Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, hai bên hài lòng về quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước hiện nay. Thủ tướng Na Uy nhắc lại ấn tượng về đất nước và người dân Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam năm 2015 trong khuôn khổ hỗ trợ thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc; đánh giá cao thành tựu kinh tế - xã hội, nỗ lực về giáo dục và phát triển bền vững của Việt Nam, đặc biệt là việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Na Uy là đối tác quan trọng của Việt Nam, mong muốn doanh nghiệp Na Uy đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực Na Uy có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường…

Hai Thủ tướng nhất trí cần tăng cường hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh…; tiếp tục phối hợp và ủng hộ nhau tại các diễn đàn đa phương, trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc. 
 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu
 
Na Uy ủng hộ Việt Nam ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; hoan nghênh và  đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam tham gia Lực lượng gìn giữ hoà bình tại Nam Sudan và mới đây đã triển khai bệnh viện dã chiến cấp II tại đây; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. 
 
Thủ tướng Na Uy khẳng định sẽ phối hợp với Việt Nam thúc đẩy EU sớm ký và thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cho rằng đây là cầu nối mỗi bên thúc đẩy hợp tác Đông Nam Á với châu Âu. Hai thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của biển, nhất trí không chỉ bảo tồn mà cần phải phát triển bền vững và để đạt được mục tiêu này cần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác tại mỗi khu vực cũng như trên toàn cầu trên cơ sở luật pháp quốc tế, các nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp Quốc.
 
 
 
 
 
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top