Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 19 tháng 11 năm 2016 | 11:56

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình

Ngày 19/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hòa Bình; dự Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2016.

Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình

Chúc mừng tỉnh nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày thành lập và 25 năm tái lập tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá diện mạo của tỉnh đã có nhiều đổi thay nhanh, tích cực, nhất là thu nhập của người dân đã khá hơn, yếu tố quan trọng thể hiện chất lượng tăng trưởng.

Là tỉnh miền núi với bà con dân tộc Mường chiếm 63% dân số, tỉnh đã có nhiều tiến bộ về xây dựng nông thôn mới, bước đầu hình thành một số vùng nông nghiệp chuyên canh và hình thành chuỗi sản phẩm hàng hóa. Số xã nông thôn mới ở Hòa Bình là tiêu biểu cho vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, tỉ lệ nghèo còn ở mức cao.

Cho rằng Hòa Bình chưa định hướng rõ nét việc hội nhập quốc tế, chưa đặt vấn đề rõ nét về khởi nghiệp, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải có tư duy phát triển mới, “không thể bình bình”, trên cơ sở đón bắt cơ hội là tỉnh cửa ngõ Thủ đô và trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh cần tập trung phát triển các lĩnh vực thế mạnh là du dịch, dịch vụ. Theo đó, phải có chiến lược bài bản để lĩnh vực này trở thành mũi nhọn thúc đẩy kinh tế-xã hội, từ việc tính toán xem “du khách Hà Nội lên đây thì ăn gì, ngủ ở đâu, mua sắm hàng lưu niệm gì, có tour chuyến gì chứ không chỉ lên ngắm sông Đà, ăn trưa sơ sơ rồi chiều tối đi về”.

Nhấn mạnh chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hòa Bình tụt hạng, Thủ tướng nhìn nhận đây là điều đáng lo ngại. Tỉnh phải xem xét nguyên nhân do đâu để có biện pháp khắc phục, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2016, Thủ tướng lưu ý tỉnh phải tổ chức việc tổng kết, sơ kết một cách tiết kiệm, hiệu quả, bàn những việc cụ thể, tránh hình thức, họp lấy lệ. Tổ chức lễ khởi công các dự án, công trình cũng phải đơn giản, không phô trương, gây tốn kém cho doanh nghiệp, người dân. Tinh thần đó phải được quán triệt tới các cấp, các ngành.

“Chuyển động hệ thống rất quan trọng. Cấp trên chuyển, Bí thư, Chủ tịch chuyển động, Ban Thường vụ chuyển nhưng các địa phương, các ngành có chuyển không, hay chỉ một bộ phận chuyển động?”, Thủ tướng đặt vấn đề và nhấn mạnh, phải chuyển biến trong thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp, thu hút đầu tư phát triển, chuyển trong tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thủ tướng mong muốn tỉnh Hòa Bình cần phải đi đầu trong vấn đề này, phải chuyển biến thực sự.

Một tinh thần nữa mà Thủ tướng lưu ý là phải xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực, “cái gì người dân có thể tự bỏ tiền ra làm thì chúng ta hoan nghênh”.

Bày tỏ quan tâm đến việc đấu tranh, phòng chống ma túy, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình báo cáo về công tác này, nhất là tình hình các “điểm nóng” về ma túy như Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu. Sau khi nghe báo cáo, ghi nhận nỗ lực của tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng lưu ý tỉnh phải đẩy mạnh công tác phòng chống buôn bán, sử dụng ma túy.

Trước một số kiến nghị cụ thể, Thủ tướng đã cho ý kiến trên tinh thần tạo mọi điều kiện, nhất là về cơ chế, chính sách cho tỉnh trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và mong tỉnh sẽ sớm tự trang trải được ngân sách, không dựa vào trợ cấp từ ngân sách Trung ương.

Thủ tu tướng chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và các nhà đầu tư.

Thủ tướng dự Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Hòa Bình

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Hòa Bình có lợi thế mà các tỉnh khác khó có thể có, trước hết là cửa ngõ của Thủ đô. Nếu làm được đường cao tốc thì đi từ Hà Nội tới Hòa Bình chỉ mất 45 phút.

Tuy nhiên, quan trọng nhất là điều kiện tự nhiên-xã hội của tỉnh hết sức thuận lợi. Đất rộng người thưa, tài nguyên khoáng sản phong phú, tài nguyên nhân văn đa dạng là các tiền đề quan trọng để phát triển mạnh một số lĩnh vực kinh tế có lợi thế như công nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, du lịch.

Môi trường đầu tư của Hòa Bình có tiến bộ. Những kiến nghị của nhà đầu tư được lãnh đạo tỉnh quan tâm, xử lý, giải quyết kịp thời, cụ thể. Trong thời gian ngắn đã có nhiều nhà đầu tư đầu tư vào Hòa Bình rất thành công, từ nông nghiệp công nghệ cao đến công nghiệp công nghệ cao.

“Đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, có nhiều dự án đã thành công ở mảnh đất này. Tuy vậy, quy mô của các nhà đầu tư còn nhỏ lẻ, chưa xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh to lớn của tỉnh”, Thủ tướng nói và cho rằng, Hội nghị xúc tiến lần này mở ra một chương mới cho hoạt động đầu tư vào địa phương.

Nhấn mạnh năm 2017, Việt Nam phấn đấu vào nhóm đầu ASEAN về môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào Việt Nam cũng như vào tỉnh Hòa Bình.

Cũng tại Hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng, lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 18 dự án với tổng số vốn hơn 22.900 tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD)./.

P.V

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top