Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 24 tháng 10 năm 2020 | 17:23

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sẽ tiếp tục bổ sung nguồn lực cho các tỉnh miền Trung

Thủ tướng nhấn mạnh điều này tại cuộc làm việc với các tỉnh miền Trung, kết thúc vào khoảng 1h chiều nay, 24/10, tại Quảng Bình.

“Biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi các mô thức sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế và sinh kế của hàng triệu người dân ở miền Trung cũng như Việt Nam cũng như tương lai con cháu chúng ta, song xét cho cùng nó không nghiêm trọng bằng sự dao động của ý chí, bản lĩnh và niềm tin của chúng ta trước các thử thách của tự nhiên và tạo hóa”.
 
ttg.jpg
Thủ tướng làm việc với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, tìm kiếm cứu nạn. Ảnh VGP/Quang Hiếu
 

 

Phát biểu tại cuộc làm việc, các địa phương khẳng định quyết tâm tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai; đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người dân; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, không để “dịch chồng dịch”.

Về bài học kinh nghiệm rút ra từ việc phòng chống đợt bão lũ này, các ý kiến đều nhấn mạnh phương châm “4 tại chỗ”. Lấy phòng là chính, do đó, cần nâng cao năng lực dự báo.

Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là tập trung tìm kiếm 13 công nhân mất tích tại Rào Trăng 3. Sáng nay, đã khơi thông đường đến Rào Trăng 3. Đối với tỉnh, đã qua giai đoạn hỗ trợ khẩn cấp và hiện chuyển sang giai đoạn hỗ trợ phục hồi, tái thiết như cây giống, con giống, khôi phục cơ sở hạ tầng như trường học, giao thông…

Với các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm chuyển đến nhiều, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, các cấp cơ sở phải nắm chắc “nơi nào cần hỗ trợ, hộ nào cần hỗ trợ, hỗ trợ cái gì” để điều phối hợp lý.

Qua đợt mưa lũ này, tỉnh Quảng Trị cho rằng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, do đó, cần quan tâm việc dự báo thời tiết cho từng vùng, từng khu vực cụ thể. Địa hình khu vực miền Trung là dốc nên mưa to, lũ lên rất nhanh. Sau lũ thì tài sản của người dân cơ bản mất hết. Do đó, việc hỗ trợ sinh kế để bảo đảm cuộc sống sau lũ rất quan trọng.

Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, việc di dời người dân phải cương quyết, bởi nhiều người dân xót của, trốn ở lại nhà, có hộ phải đến kêu gọi di dời 4 lần. Tỉnh đã huy động các cơ sở sấy lúa, hỗ trợ kinh phí để giúp bà con. Huy động các lực lượng để lũ rút đến đâu thì vệ sinh môi trường đến đấy, sớm đưa học sinh trở lại trường học, không để dịch bệnh bùng phát sau lũ.

Theo đại diện Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các địa phương cần rà soát kỹ mức thiệt hại, xác định rõ nhu cầu của từng địa bàn, từng khu dân cư và công bố công khai trên mạng để quản lý, điều phối tốt hơn các nguồn hỗ trợ, nhất là đối với các nhóm, cá nhân tự phát, tránh tình trạng nơi thì thiếu, nơi thì nhận quá nhiều.

Đánh giá cao tỉnh Hà Tĩnh miễn phí ở khách sạn cho các đoàn cứu trợ, Hội Chữ thập đỏ cho rằng, ngành giao thông vận tải xem xét việc miễn phí cầu đường cho các đoàn cứu trợ đến các tỉnh miền Trung.

Một số ý kiến cho rằng, cần sớm khắc phục giao thông thì hàng hóa cứu trợ mới đến được nhiều hộ dân hơn.

Đại diện Bộ Giao thông vận tải cam kết bảo đảm thông suốt mọi tuyến quốc lộ, đề nghị các địa phương khẩn trương khắc phục các tuyến tỉnh lộ.

 

ttg1.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh VGP/Quang Hiếu

  

Biến đổi khí hậu không nghiêm trọng bằng dao động ý chí, niềm tin

Hoan nghênh các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đợt lũ lần này ở Miền Trung là lũ lịch sử, tuy nhiên chúng ta đã chủ động chỉ đạo kiên quyết, kịp thời nên giảm thiểu thiệt hại (lũ năm 1999 làm 818 người chết, mất tích). “Như anh Võ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình có nói, nếu Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo mà không kịp di dời thì sẽ mất thêm 20 cán bộ, chiến sĩ nữa”, Thủ tướng chia sẻ. Mặc dù vậy, tổn thất do mưa lũ vẫn rất lớn.

Biểu dương tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, Thủ tướng bày tỏ, qua lũ lụt, thiên tai, nhiều tổ chức, cá nhân với tấm lòng nhân ái đã hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, đây là truyền thống quý báu của dân tộc ta, rất đáng trân trọng, tự hào.

Cần rút một số kinh nghiệm sau đợt mưa lũ này, Thủ tướng nêu rõ, trước hết cần tăng cường nhận thức và sự hiểu biết của chính quyền, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức xã hội là chìa khóa then chốt trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, trong đó nhận thức của cộng đồng và người dân về trách nhiệm và tác động của biến đổi khí hậu là quan trọng nhất, “có ý thức từ khi đặt móng nhà cho đến chọn vị trí là rất quan trọng”.

Thứ hai, là phải cải thiện năng lực dự báo thiên tai và chủ động ứng phó, nhất là công nghệ dự báo trượt đất, hiện là một khâu yếu của chúng ta.

Kinh nghiệm nữa là Việt Nam đã lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển, thực hiện nghiêm túc cam kết cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030 bằng nguồn lực trong nước để có thể giảm tới 25% nếu nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của quốc tế. Đặc biệt, các thành phố lớn ở Việt Nam cần đi đầu, tiên phong cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, góp phần quyết định vào việc hoàn thành mục tiêu của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Từ đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế đánh thuế phát thải để khuyến khích cắt giảm thải khí nhà kính, đồng thời qua đó giúp huy động nguồn lực hỗ trợ địa phương bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

“Chúng ta phải nhanh chóng để đảm bảo cuộc sống bình thường của nhân dân các tỉnh miền Trung trong vùng lũ lụt”, Thủ tướng nói. Đi liền với đó, đảm bảo sinh kế cho người dân, “nhất là thời vụ cận kề, cấp sớm các loại giống, không chỉ lo trước mắt mà phải lo cả lâu dài, lo vụ sắp tới đây phải làm gì để người dân có thể sống được”.

Đồng thời cần tiếp tục vận động hệ thống chính trị và người dân, cán bộ, công nhân viên với tinh thần tự cường, tự cứu, huy động các đơn vị có chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, quân đội hỗ trợ người dân. “Bây giờ các đồng chí địa phương ở trong vùng lũ này cần bao nhiêu sư đoàn, bao nhiêu đơn vị có liên quan để hỗ trợ cho người dân”.  Thủ tướng cho biết, lực lượng công an sẵn sàng điều động vài trung đoàn nữa cùng với Quân đội nhân dân để hỗ trợ các địa phương.

Các bộ, ngành trung ương có trách nhiệm cụ thể hỗ trợ cho vùng lũ, từ cây con giống đến cung cấp điện lực, bổ sung kinh phí, thuốc men, tăng cường lực lượng khám chữa bệnh… “Một tinh thần là không để người dân thiếu đói, dịch bệnh, màn trời chiếu đất”, Thủ tướng nêu rõ.

Kinh nghiệm nữa cần rút ra là phát triển thủy điện theo quy hoạch và an toàn, tốt hơn nữa, hạn chế phát triển thủy điện nhỏ; tiếp tục trồng rừng mạnh mẽ hơn với các loại cây có bộ rễ bám sâu, gỗ lớn; ứng dụng công nghệ để thông tin đến người dân kịp thời hơn.

Các tỉnh miền Trung sẽ được tiếp tục bổ sung thêm nguồn lực, Thủ tướng nói. Trong kế hoạch 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ bố trí nguồn lực để hỗ trợ các tỉnh miền Trung cũng như các vùng thiên tai, hạn hán, biến đổi khí hậu nặng nề bằng cả nguồn ngân sách Nhà nước và ODA.

Tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính đề xuất, nghiên cứu sửa Nghị định 63 và Nghị định 136 về một số điểm bất hợp lý để tạo thuận lợi cho các nhà tài trợ, bảo đảm quản lý các nguồn tài trợ công khai, minh bạch, nhân văn.

Các cấp, các ngành, các địa phương cần sẵn sàng các phương án phòng chống bão số 8, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải lắng nghe, tháo gỡ, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, “đừng để do lũ lụt mà đình trệ các công việc ở địa phương”, nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu đề ra năm 2020.

“Biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi các mô thức sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế và sinh kế của hàng triệu người dân ở miền Trung cũng như Việt Nam cũng như tương lai con cháu chúng ta, song xét cho cùng nó không nghiêm trọng bằng sự dao động của ý chí, bản lĩnh và niềm tin của chúng ta trước các thử thách của tự nhiên và tạo hóa”, Thủ tướng bày tỏ và nhấn mạnh: Nếu chúng ta vẫn giữ được cội nguồn văn hóa của dân tộc, giữ được đất đai, rừng, biển thì chúng ta sẽ làm giàu được trên mảnh đất thiêng liêng mà cha ông chúng ta đã để lại - Miền Trung Việt Nam./.

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top