Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 12 tháng 4 năm 2016 | 8:11

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thành viên Chính phủ bắt tay ngay vào nhiệm vụ

Chiều 12/4, ngay sau khi Quốc hội khóa XIII bế mạc kỳ họp cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp đầu tiên với các thành viên Chính phủ mới được kiện toàn để bắt tay ngay vào công việc, bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cuộc họp đầu tiên này của Chính phủ tập trung bàn một số việc cấp bách và các giải pháp cần làm ngay trong tháng 4 và những tháng tiếp theo. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ vừa được Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm, được Đảng và nhân dân tin tưởng, kỳ vọng; cho rằng đây là vinh dự lớn lao, đồng thời cũng là trách nhiệm rất cao trước Đảng, đất nước và nhân dân của các thành viên Chính phủ.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cuộc họp đầu tiên này của Chính phủ mới được kiện toàn tập trung bàn một số việc cấp bách và các giải pháp cần làm ngay trong tháng 4 và những tháng tiếp theo.

Trong đó, cần tập trung vào giải quyết ngay các nhiệm vụ cấp bách như tác động khắc nghiệt của thiên tai; giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp, thu ngân sách gặp khó khăn; bộ máy cồng kềnh, kỷ cương phép nước chưa nghiêm; các vấn đề xã hội đang nhức nhối như an toàn thực phẩm, dịch bệnh, tai nạn giao thông...

Điểm lại những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin rằng, Chính phủ sẽ không lùi bước trước khó khăn, thách thức. Chính phủ sẽ quyết tâm tháo gỡ khó khăn, rào cản đối với sự phát triển; từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, nâng cao kỷ cương phép nước. "Không để tham nhũng, tiêu cực nhũng nhiễu tràn lan", Thủ tướng nhấn mạnh.

Để làm được điều này, theo Thủ tướng đòi hỏi các thành viên Chính phủ phải không ngừng nỗ lực, "dám làm, dám chịu trách nhiệm" trong lĩnh vực được phân công chỉ đạo, thực hiện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mỗi thành viên Chính phủ phải đổi mới cách làm, dân chủ, minh bạch, cởi mở, quyết đoán, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không để tình trạng trì trệ trong bộ máy hành chính. Chính phủ cần nâng cao tinh thần kỷ cương, kỷ luật, chống bệnh hình thức, nói mà không đi đôi với làm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp đầu tiên với các thành viên Chính phủ mới được kiện toàn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các thành viên sớm chuyển giao công việc cho người kế nhiệm, bắt tay ngay vào công việc mới được giao, toàn tâm, toàn ý tập trung vào nhiệm vụ mới, không để ảnh hưởng đến việc chung của đất nước và nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung chỉ đạo các vấn đề bức xúc mà Quốc hội và nhân dân đã nêu như vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn hán và phòng chống dịch bệnh trên tinh thần chủ động, không để nhân dân hoang mang, lo lắng.

Mỗi thành viên Chính phủ cần có chương trình hành động và tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách vì đây là khâu đột phá để phát triển đất nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung vào chỉ đạo, điều hành, giải quyết một số công việc như: Hội nghị phát triển doanh nghiệp tại TPHCM để khôi phục niềm tin của doanh nghiệp và xã hội nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển; hội nghị về an toàn thực phẩm do Thủ tướng chủ trì cùng các bộ, ngành có liên quan để làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với vấn đề này với các giải pháp căn cơ, cụ thể; về công tác phòng, chống thiên tai để huy động các lực lượng xử lý; phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016 sẽ thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng.

Văn phòng Chính phủ nắm bắt kịp thời tình hình kinh tế-xã hội, không để tình huống bị động, bất ngờ xảy ra; hỗ trợ địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội và xử lý nhanh chóng các vấn đề xảy ra.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế vĩ mô; nghiên cứu các quy trình, quy định về nguồn vốn ODA và đầu tư công, giảm gánh nặng cho ngân sách, có cách tháo gỡ mạnh mẽ hơn nữa về tạo môi trường đầu tư, kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước nắm sớm tình hình nợ xấu một cách thực chất, trong đó có an toàn hệ thống tiền tệ, theo dõi chặt chẽ chính sách tiền tệ.

Bộ Tài chính quan tâm hơn đến chính sách tài khóa, ngân sách hiện nay, kiểm tra, báo cáo việc sử dụng tài sản công hiện nay có xảy ra lãng phí, thất thoát hay không.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo cụ thể về xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tới.

Các thành viên Chính phủ phải làm việc với tinh thần kiến tạo, tập trung đề xuất cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn, tạo nguồn lực cho phát triển. Cái gì kìm hãm thì phải bỏ ngay, cái gì có lợi cho dân thì nỗ lực thực hiện.

Trước đó, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao quyết định bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, trưởng ngành cho các thành viên Chính phủ mới được Quốc hội khóa XIII phê chuẩn giữ các trọng trách trong Chính phủ tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội.

Lê Sơn/Chinhphu.vn

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top