Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 10 tháng 5 năm 2021 | 22:11

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ về công tác tổ chức bầu cử

Chiều nay, 10/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chiều nay, 10/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp.

 
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ về công tác tổ chức bầu cử - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 
Báo cáo về công tác tổ chức bầu cử, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, thời gian qua, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương vừa tập trung quyết liệt cho công tác phòng chống dịch bệnh, vừa tích cực chuẩn bị cho công tác bầu cử.

Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, các cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn, thành công, đồng thời theo dõi, hướng dẫn giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc cho các địa phương trong quá trình chuẩn bị, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về diễn biến công tác chuẩn bị bầu cử và tổ chức ngày bầu cử.

Các ý kiến tại cuộc họp đều nhất trí cần có phương án cụ thể đối với từng địa phương để xảy ra dịch COVID-19 trước, trong và sau ngày bầu cử.

Theo đại diện Bộ Y tế, Bộ đã ban hành Kế hoạch 538 về công tác y tế phục vụ bầu cử, tập trung 3 nội dung chính: Vệ sinh môi trường và an toàn COVID-19; an toàn thực phẩm; công tác cấp cứu và một số trường hợp đặc biệt.

Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn cho các cơ sở từ tuyến huyện đến tuyến tỉnh, đồng thời đề nghị các tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát. Bộ cũng đã trực tiếp tham gia đoàn đi kiểm tra một số tỉnh. “Về cơ bản, chúng tôi thấy đối với công tác an toàn y tế cho bầu cử, các tỉnh có kịch bản tương đối chi tiết, cụ thể. Tuy nhiên, có một vài tỉnh có điểm bầu cử hơi chật, chúng tôi đã đề xuất giãn ra”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nói. Bộ Y tế kiến nghị nên mời người dân đi bầu cử theo giờ để bảo đảm giãn cách tốt hơn.

Sau cuộc họp này, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ để có hướng dẫn chi tiết, nhất là phương án đối với địa phương có dịch, bệnh nhân đang điều trị…

Cho rằng cuộc bầu cử lần này có sự khác biệt so với các lần khác, đại diện Bộ Công an phát biểu, cuộc bầu cử diễn ra trên toàn quốc nhưng kịch bản cho từng tỉnh, từng khu vực là khác nhau, thậm chí trong một tỉnh, điểm bầu cử này cũng khác với điểm kia. Trong tuần này, Bộ Công an sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến để quán triệt về công tác bầu cử đối với công an toàn quốc.

Theo đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử, kể cả tại các tuyến đảo, biên giới. Đến nay, các đơn vị đã sẵn sàng cho công tác bầu cử. Bộ Quốc phòng cũng đề nghị cần có kịch bản phù hợp với từng địa phương, nhất là công tác tổ chức bầu cử đối với khu cách ly tập trung, để Bộ chuẩn bị thật tốt, bảo đảm quyền công dân.

Các ý kiến tại cuộc họp cũng đề xuất, nên tổ chức bầu cử theo giờ, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và phòng thoáng. Hòm phiếu ở khu vực có dịch cần khử khuẩn trước khi tiến hành kiểm phiếu.

 

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Ghi nhận các ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc bám sát thẩm quyền theo quy định để tổ chức thực hiện thật tốt cuộc bầu cử.

“Bộ Y tế cần xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí đối với các địa phương như thế nào là có dịch và các biện pháp cụ thể đi kèm để các địa phương căn cứ vào đó quyết định”, Thủ tướng nói.

Theo phạm vi thẩm quyền, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan chủ động xây dựng kịch bản nhằm triển khai công tác bầu cử trong điều kiện xảy ra dịch COVID-19.

Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử và phòng chống dịch COVID-19 trên mọi phương tiện, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, hiệu quả.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp; bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự tại các điểm bỏ phiếu từ nay đến lúc bầu cử và ngày bầu cử.

UBND các cấp phối hợp chỉ đạo chặt chẽ với các tổ chức phụ trách việc bầu cử ở địa phương, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ công tác bầu cử; tập trung cao độ công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thủ tướng chỉ đạo cần có văn bản đề nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia quy định việc tổ chức tiếp xúc cử tri và bỏ phiếu theo hình thức phù hợp trong điều kiện dịch bệnh. Thủ tướng đề nghị các cơ quan, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, thực hiện thật tốt cuộc bầu cử, bầu được những ứng viên xứng đáng là người đại diện của nhân dân, nhưng vẫn phải đảm bảo việc phòng chống dịch.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top