Ngày 2/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp khẩn về phòng chống COVID-19 khi xuất hiện tình huống mới, phức tạp hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nếu không xử lý nghiêm minh, sẽ tiếp tục dẫn tới tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Ảnh VGP
Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Chấn chỉnh khâu tổ chức thực hiện
Phát biểu định hướng cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cuộc họp hôm nay nhằm tiếp tục đánh giá lại tình hình tổ chức thực hiện việc phòng chống dịch thời gian qua, trong đó, nêu rõ nguyên nhân chủ quan và xem xét trách nhiệm cơ quan, tổ chức, địa phương, cá nhân đã lơ là, chủ quan, làm chưa nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Nếu không xử lý nghiêm minh, sẽ tiếp tục dẫn tới tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Thủ tướng cũng đề nghị thảo luận các giải pháp hiệu quả tiếp theo cần tập trung thực hiện để đẩy lùi, ngăn ngừa dịch bệnh tốt hơn.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thần tốc truy vết để phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã lập tức vào cuộc, phối hợp điều tra, tổ chức truy vết tại tất cả các địa phương liên quan.
Về xét nghiệm liên quan đến chùm ca bệnh, đã lấy 2.452 mẫu xét nghiệm của những người tiếp xúc và người liên quan. Hiện 1.569 mẫu đã âm tính, 16 mẫu dương tính (là các bệnh nhân đã công bố), 867 mẫu đang chờ kết quả xét nghiệm.
Bộ Y tế cho biết, nguồn lây của chùm ca bệnh tại tỉnh Hà Nam, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên được xác định rõ là do từ bệnh nhân BN2899.
Về nguồn lây cho bệnh nhân BN2899, việc xác định rõ nguồn lây cho bệnh nhân này cần tiếp tục được điều tra, xác minh và phân tích dịch tễ sâu hơn để đưa ra nhận định chính xác, bước đầu phân tích cho thấy có những khả năng sau: Thời gian ủ bệnh của chủng virus dài hơn 14 ngày (hiện đang giải trình tự gen đế xác định chủng virus gây bệnh), có khả năng tiếp xúc với người dương tính trong suốt quá trình di chuyển từ Đà Nẵng về Hà Nam mà chưa biết rõ…
Các ý kiến phát biểu tại cuộc họp cho rằng, đến nay, chúng ta đã cơ bản ban hành đầy đủ các quy định về phòng chống dịch. Vấn đề là cần tổ chức thực hiện nghiêm túc.
Chính quyền địa phương phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm về tất cả các khâu trong quá trình thực hiện việc cách ly, bàn giao, theo dõi người hết cách ly tập trung về địa bàn cư trú. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Ban quản lý khu cách ly phải có camera giám sát 24/24, bố trí đủ lực lượng và thành phần đế giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn. Áp dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi, quản lý liên thông người nhập cảnh từ khi nhập cảnh cho đến hết 14 ngày cách ly tập trung và 14 ngày theo dõi sức khoẻ tại nơi lưu trú tiếp theo.
“Chúng ta không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không bi quan, hoảng hốt, phải bình tĩnh, tỉnh táo, sắc sảo trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải tốt hơn, phù hợp với tình hình”. Ảnh VGP
Nhắc nhở, chấn chỉnh một loạt địa phương
Sau khi lắng nghe các ý kiến thảo luận, kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, vừa qua, chúng ta đã chỉ đạo quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị vào cuộc tích cực. Đến nay, tình hình vẫn cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, có tình huống xấu đi hơn, khó dự báo, chưa lường hết được. “Chúng ta không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không bi quan, hoảng hốt, phải bình tĩnh, tỉnh táo, sắc sảo trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải tốt hơn, phù hợp với tình hình”. Chúng ta phải nghiêm túc quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chủ tịch nước, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia trong việc phòng chống dịch, Thủ tướng nêu rõ.
Phải rà soát các quy định đã có, bám sát tình hình thực tiễn đang diễn ra ở các địa phương, các khu vực trên thế giới, đúc rút kinh nghiệm từ những lần trước để bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về phòng chống dịch và xử lý hậu quả cũng như bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu thực hiện nghiêm ý kiến của Chủ tịch nước ngày 30/4, trong đó, nhấn mạnh việc tất cả các tỉnh, thành phố phải kích hoạt mọi phương án phòng chống dịch, để sẵn sàng phát hiện nhanh, thần tốc khoanh vùng và bao vây dập dịch; thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, không tập trung đông người, không nhập cảnh trái phép và không che giấu người nhập cảnh trái phép và triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 nhanh hơn nữa.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phân cấp triệt để cho các cấp, các ngành chủ động, sáng tạo, phát huy hết năng lực, sở trường cũng như điều kiện của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong phòng chống dịch và khắc phục hậu quả một cách hiệu quả nhất.
Cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường phân cấp, giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng.
Trước diễn biến mới của tình hình, Thủ tướng nêu rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân làm tốt cần biểu dương, khen thưởng kịp thời, tuy nhiên, “ở đâu, khâu nào, cá nhân nào chưa làm đúng thì cần xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
Thủ tướng yêu cầu TP Đà Nẵng, các tỉnh Hà Nam, Yên Bái căn cứ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của Ban Chỉ đạo, của Bộ Y tế để rà soát lại và căn cứ vào hậu quả xảy ra để tập trung kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể, kể cả áp dụng biện pháp xử lý hình sự.
Có bệnh thì được chăm lo, điều trị kịp thời, cứu người là chính, bảo đảm nhân văn nhưng cũng cần xem xét, xử lý nghiêm minh trách nhiệm theo quy định - Thủ tướng nhắc đến trường hợp không tuân thủ nghiêm quy định về cách ly, để xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng.
Thủ tướng nêu rõ, mấy ngày qua, qua theo dõi phản ánh của người dân, báo chí, các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, TP. Đà Nẵng chưa thực hiện nghiêm các quy định về 5K, nhất là đeo khẩu trang và giãn cách xã hội; yêu cầu các tỉnh, thành phố này phải chấn chỉnh ngay. Giao trách nhiệm cho Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các cấp kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo phân cấp quản lý cán bộ. “Từ tỉnh đến cơ sở phải vào cuộc, chỗ nào chưa vào cuộc, chưa làm thì phải xử lý trách nhiệm. Tinh thần là phải rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm cá nhân”.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương tăng cường năng lực xét nghiệm bằng mọi biện pháp, khả năng và huy động, ưu tiên vấn đề này, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Thủ tướng nhắc nhở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang chậm trễ trong triển khai các cơ sở xét nghiệm theo yêu cầu của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh VGP
Bộ Y tế cần tăng cường kiểm tra, rà soát, nhắc nhở, đôn đốc các địa phương phải ưu tiên nguồn lực, tăng cường cơ sở vật chất, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao năng lực phòng ngừa, khám chữa bệnh cũng như xử lý các sự cố nếu xảy ra tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tinh thần là không nể nang, né tránh.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hơn nữa theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chú trọng các cơ sở cách ly, khám chữa bệnh, xuất nhập cảnh.
Các đồng chí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, tập hợp đại đoàn kết toàn dân, huy động tổng lực vào phòng chống dịch. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, bởi nếu lơ là, chúng ta sẽ trả giá đắt (về con người, của cải vật chất, về cơ hội phát triển, uy tín). Một người lơ là, cả xã hội phải vất vả.
Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không gây tâm lý hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trong xã hội. Tăng cường phối hợp hơn nữa giữa các cơ quan trong công tác phòng chống dịch; luôn tỉnh táo, bám sát thực tễ, tích cực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong việc xử lý tình huống.
Thủ tướng ghi nhận và biểu dương các cơ quan, đơn vị, lực lượng trên tuyến đầu chống dịch hết lòng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích cộng đồng, lợi ích của mỗi người dân, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.
* Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính về tiến độ tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19, việc tiếp cận mua các nguồn vaccine từ nước ngoài, tiến độ nghiên cứu vaccine trong nước,… và một số đề xuất, kiến nghị cụ thể.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ để tiêm hết nguồn vaccine đang có ở trong nước, công bố công khai cho nhân dân biết và giám sát; đồng thời triển khai tiếp cận mua các nguồn vaccine bảo đảm kiểm soát về chất lượng, công khai, minh bạch về giá; kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong việc mua bán, tiếp cận vaccine.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.