Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 2 tháng 6 năm 2020 | 22:5

Thủ tướng: Phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu kép

Ngày 02/6, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5/2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

nqh07420-2.jpg

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020; tình hình tháo gỡ khó khăn, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS; về giải quyết vướng mắc trong việc thực hiện điểm c khoản 3 Điều 18 và khoản 2 Điều 29 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP về hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi; tình hình thực hiện Nghị quyết số 17 về xây dựng Chính phủ điện tử và một số nội dung quan trọng khác.

Phát biểu khai mạc phiên họp, về tình hình phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong 48 ngày qua nước ta không có ca nhiễm mới trong cộng đồng; phần lớn ca nhiễm COVID-19 đã ra viện, trong đó có ca rất nặng như bệnh nhân số 19; bệnh nhân số 91 - phi công người Anh có nhiều tiến triển tốt. Nhiều tờ báo lớn của quốc tế đưa tin về thành công phòng, chống COVID-19 của Việt Nam.

Nêu bật một số kết quả tích cực về kinh tế - xã hội đạt được trong tháng 5/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Tháng 5, các chỉ tiêu tốt hơn hẳn tháng 4. Chúng ta đã chỉ đạo với tinh thần kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức; không ngừng đổi mới sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ động thu hút đầu tư phát triển; thực hiện hiệu quả tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, khôi phục thị trường… Đây là cơ hội rất quan trọng để chúng ta vươn lên trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ tiếp tục thảo luận những vấn đề nổi lên về kinh tế - xã hội và những nội dung về xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật; đặc biệt lưu ý đánh giá nguy cơ, thách thức mà đất nước phải đối mặt, vượt qua trong thời gian tới như những khó khăn về thị trường khi các đối tác quan trọng của Việt Nam chưa phục hồi, trở lại bình thường do đại dịch Covid-19; việc ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra rất gay gắt, cực đoan…

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Chính phủ thảo luận thêm về 2 vấn đề lớn: Thứ nhất là tiếp tục đưa ra biện pháp mạnh mẽ hơn về chống xâm hại trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em, nhất là trong mùa hè, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc đối với trẻ em; Thứ hai là thảo luận về vấn đề giá thịt heo hiện nay vẫn ở mức cao mặc dù thời gian qua Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp kéo giảm.

Về vấn đề giá thịt heo, Thủ tướng nêu rõ quan điểm là phải giải quyết căn cơ, bài bản. Phải giữ giá thịt heo ổn định bằng tư duy chuỗi liên kết giá trị, bằng khuyến khích đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là giải quyết tốt khâu đầu vào, giống, thức ăn, tái đàn…

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng, tháng 5, tháng đầu tiên sau giãn cách xã hội, nền kinh tế bắt đầu giai đoạn “bình thường mới” đã có những tín hiệu rất đáng mừng, đã duy trì và từng bước phục hồi nhanh các hoạt động của nền kinh tế, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mang lại niềm tin, niềm tự hào, phấn khởi cho nhân dân cả nước. Đặc biệt, đến nay đại dịch COVID-19 ở nước ta đã cơ bản được kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, hạn được chế tối đa thiệt hại, tổn thất do đại dịch gây ra.

Trong tháng 5/2020, đã có trên 5.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 32,7%; số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 26,9%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,2%; xuất khẩu tăng 5,2%; công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được chỉ đạo triển khai chỉ đạo thực hiện đồng bộ, sâu rộng, hiệu quả... Điều này cho thấy, nền kinh tế nước ta đang bắt đầu dần bình thường trở lại.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, thách thức phía trước còn rất lớn, trong đó hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục có những khó khăn về thị trường; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa chịu ảnh hưởng mạnh của dịch COVID-19 khiến các đơn hàng bị giảm sút; dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn, ảnh hưởng đến sản xuất; thời tiết cực đoan, hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt; lao động, việc làm vẫn chịu nhiều ảnh hưởng do tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn…

Từ sự phân tích, nhận định tình hình, các thành viên Chính phủ đã đóng góp nhiều ý kiến về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tái khởi động nền kinh tế trên các ngành, lĩnh vực gắn liền với thực hiện hiệu quả, đồng bộ công tác phòng chống dịch; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên Chính phủ và đại biểu tham dự, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những tháng đầu năm 2020, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện rất hiệu quả mục tiêu kép và đạt được những kết quả rất tích cực, cụ thể; các hoạt động kinh tế - xã hội đã cơ bản trở lại trạng thái hoạt động bình thường; cùng với đó, chúng ta đã giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, kịp thời có chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, qua đó không ngừng nâng cao niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ .

“Kinh tế thế giới cũng như tình hình dịch bệnh trong khu vực và toàn cầu diễn biến hết sức phức tạp, song kinh tế nước ta trong tháng 5 phục hồi khá nhanh và khá mạnh so với tháng 4. Nhiều tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn đã làm việc hết mình, quyết tâm hoàn thành toàn diện, thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra; nhiều bộ, ngành đã cam kết không điều chỉnh kế hoạch; đó là những tấm gương cần đánh giá cao”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Cùng với việc nêu bật những kết quả tích cực đạt được về kinh tế - xã hội trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cập tới các khó khăn, thách thức cần phải xử lý, vượt qua, trong đó nổi lên là tình hình đại dịch COVID – 19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu; căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn biến phức tạp; áp lực lạm phát còn lớn; xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng còn chậm…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần tiếp tục đề cao cảnh giác dịch bệnh, không được chủ quan, lơ là. Không lùi bước trước khó khăn, thách thức; các cấp, các ngành phải có giải pháp cụ thể, hiệu quả và tinh thần làm việc kiên quyết, quyết liệt; kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường giá cả, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vừa chống dịch hiệu quả.

Quyết liệt triển khai, đẩy nhanh thực hiện các gói hỗ trợ về tiền tệ, tín dụng, an sinh xã hội đối với người dân, doanh nghiệp, trong đó thực hiện tốt các quy trình, thủ tục, đối tượng, đầu mối giải quyết các chính sách trên tinh thần công khai, minh bạch, rõ ràng. Cổng Thông tin điện tử của các địa phương, của Bộ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tăng cường thông tin về nội dung này để nhân dân, các đoàn thể giám sát.

Các cấp, các ngành, địa phương cần bám sát, có chương trình hành động để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 84/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID – 19; tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư xã hội, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công bằng các giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, xem xét đẩy mạnh cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê trong bối cảnh hiện nay. Phát triển mạnh mẽ các hợp tác xã, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường nội địa; hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa, tiêu dùng cá nhân. Các ngành hàng cần đẩy mạnh triển khai các chương trình kích cầu; thúc đẩy phát triển mạnh các hoạt động du lịch, dịch vụ. Chú trọng triển khai các chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo, công nhân.

Phát huy thế mạnh, sức lan tỏa của các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng, các vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế động lực để tiếp tục dẫn dắt, làm gương.

Đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, giao dịch và thanh toán điện tử; sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với một số mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia. Nghiên cứu, tạo ra các loại vật liệu mới phục vụ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, tăng tỉ lệ nội địa hóa để dần thay thế nguyên vật liệu nhập khẩu. Thúc đẩy hơn nữa các hoạt động khởi nghiệp, nhất là trong giới trẻ.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tập trung nhiều hơn vào yếu tố chất lượng, sáng tạo và bền vững, trong đó cần đặc biệt quan tâm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường khả năng kết nối doanh nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế hợp tác xã.

Quan tâm cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ giấy phép con, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Quản lý tốt tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống ô nhiễm môi trường. Thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ, cháy rừng.

Không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa, tấn công, trấn áp các loại tội phạm, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống liên quan đến quốc phòng, an ninh.

Về một số vấn đề cụ thể khác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện hiệu quả hơn các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trẻ em, quyền trẻ em, phòng chống thương tích đối với trẻ em; xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến quyền và lợi ích của trẻ em…

Chỉ đạo, tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, rút kinh nghiệm từ các kỳ thi trước để bảo đảm tổ chức thành công kỳ thi năm nay, không để xảy ra sai phạm.

Thủ tướng cũng lưu ý các thành viên Chính phủ, các cấp, các ngành chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, qua đó cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội mà cử tri và Quốc hội quan tâm./.

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top