Sau hai ngày làm việc tích cực, khẩn trương và trách nhiệm, chiều 7/12, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đã bế mạc tại Hà Nội.
Thay mặt Chính phủ và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát động Phong trào thi đua trong cả nước giai đoạn 2016-2020 với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Phát biểu tại Lễ bế mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đánh giá Đại hội đã thống nhất đánh giá phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong 5 năm qua đã có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả. Các phong trào thi đua phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, tạo động lực quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của các cấp, các ngành và từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Từ những phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua và các tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng các danh hiệu, hình thức khen thưởng cao quý. “Chúng ta đánh giá cao, khâm phục và thực sự xúc động trước những việc làm, hành động cao đẹp và thành tích xuất sắc của các anh hùng, chiến sĩ thi đua, điển hình tiên tiến đã báo cáo và giao lưu tại Đại hội và đang còn rất nhiều những tấm gương, điển hình tiên tiến tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực, các vùng miền của đất nước đang ngày đêm nỗ lực, hăng say lao động, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc không có điều kiện về dự Đại hội hôm nay của chúng ta” - Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ trong những năm tới, khoa học, công nghệ phát triển rất nhanh cùng với toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tác động mạnh đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Kinh tế thị trường; tiến bộ công bằng xã hội; dân chủ - pháp quyền; hợp tác và đấu tranh vì lợi ích quốc gia, vì hoà bình - phát triển và cùng chung tay giải quyết những thách thức toàn cầu là xu hướng chung của nhân loại. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và còn nhiều khó khăn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố có biểu hiện gia tăng. Trong khu vực, các nước lớn tăng cường sức mạnh quân sự và cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt. Tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là trên Biển Đông diễn biến phức tạp và rất khó lường. Trong nước, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn và có thêm kinh nghiệm trong lãnh đạo quản lý điều hành nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiệm vụ đặt ra là nặng nề trong khi nguồn lực còn hạn hẹp. Hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng; việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. “Bối cảnh quốc tế và trong nước đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục tăng cường đoàn kết nhất trí, chung sức, đồng lòng, đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016” - Thủ tướng phát biểu.
Thay mặt Chính phủ và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát động Phong trào thi đua trong cả nước giai đoạn 2016-2020 với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Theo đó, một là, đẩy mạnh các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo môi trường và động lực mới cho sự phát triển. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Các Ban, Bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, đoàn thể ở trung ương và địa phương tiếp tục phát huy, nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã đề ra cho 5 năm tới, 2016-2020. Thi đua xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa và các phong trào phong phú khác. Đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện kỷ cương và tiến bộ, công bằng xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân.
Hai là, tiếp tục phát động các phong trào thi đua trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển, xây dựng và bảo vệ đất nước. Nâng cao chất lượng các phong trào “Thi đua quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc”, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; đẩy mạnh phong trào thi đua trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, vun đắp niềm tin, niềm tự hào, hướng về Tổ quốc, chung tay, chung sức xây dựng quê hương, đất nước.
Ba là, đẩy mạnh phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng bộ máy tổ chức nhà nước. Hướng các phong trào thi đua vào việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới các phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, phát huy vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi tiềm năng, nguồn lực, sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân và đoàn viên, hội viên, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương và cả nước.
Bốn là, đổi mới, tạo sự chuyển biến tích cực và hiệu quả trong công tác khen thưởng, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục, nêu gương, quan tâm đến các tập thể, cá nhân người lao động trực tiếp, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; phát hiện những điển hình tiên tiến, nhân tố mới thông qua các phong trào thi đua và thực hiện nhiệm vụ để có các hình thức khen thưởng đột xuất, phù hợp, kịp thời.
Năm là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới. Các cơ quan thông tin truyền thông tăng thời lượng, chuyên trang, chuyên mục về các phong trào thi đua yêu nước, tấm gương người tốt, việc tốt để biểu dương, tôn vinh, nhân rộng, tạo sức lan tỏa. Phấn đấu trong thời gian tới, ngành nào, cấp nào cũng có ngày càng nhiều các điển hình tiên tiến xuất sắc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị sau Đại hội này, các Ban, Bộ ngành, các địa phương; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, căn cứ Chủ đề của Đại hội, Phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020 và tình hình thực tế của mình, phát động mạnh mẽ phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. “Với tinh thần đó, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thay mặt Chính phủ và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, tôi kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Hưởng ứng phát động phong trào thi đua trong cả nước giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự đồng tình cao với chủ đề thi đua: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và những nội dung thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động. “Động lực của thi đua là lòng yêu nước của mỗi người Việt Nam; yêu nước thì phải chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hai giải pháp căn bản để phát huy sức mạnh tinh thần và vật chất của nhân dân, của đất nước là Đoàn kết và Sáng tạo. Hai mục tiêu chính của thi đua là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, thông qua các tổ chức đoàn thể của nhân dân, sự phối hợp hành động của MTTQ Việt Nam và sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, đồng bào từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến hải đảo, không phân biệt tầng lớp, giai cấp, giới, lứa tuổi, dân tộc và tôn giáo sẽ tham gia vào các phong trào thi đua cụ thể, phù hợp với nghề nghiệp và hoàn cảnh của mình. Các cuộc vận động, phong trào thi đua giai đoạn 2015-2020 sẽ tiếp tục phát huy các cách làm có hiệu quả, các nội dung và mục tiêu thi đua ở mỗi lĩnh vực, mỗi tầng lớp nhân dân và ở mỗi địa phương, đồng thời triển khai các yêu cầu đổi mới thi đua trong giai đoạn cả nước hội nhập quốc tế hiện nay. “MTTQ Việt Nam bày tỏ quyết tâm và niềm tin sâu sắc, phong trào thi đua mà Thủ tướng Chính phủ vừa phát động với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” sẽ được đồng bào cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài hưởng ứng nhiệt liệt và biến thành hiện thực, vì đất nước Việt Nam thân yêu, vì hạnh phúc của mỗi gia đình và người dân Việt Nam” - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu; đồng thời dẫn lại lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 11/6/1948: "Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chẳng những chúng ta có thể thắng lợi, mà chúng ta nhất định thắng lợi trong thi đua ái quốc…”.
PV.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.