Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 21 tháng 11 năm 2016 | 9:50

Thủ tướng: Sóc Trăng cần tái cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ hơn

Chiều 21/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Sóc Trăng về tình hình phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho rằng, mặc dù đối diện không ít khó khăn như là tỉnh nghèo, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhưng Sóc Trăng có những tiềm năng, thế mạnh rất lớn mà chúng ta chưa thấy được hết.

Cụ thể là đất đai rộng lớn, giao thông tương đối thuận lợi, văn hóa đặc sắc, số lượng lao động đông. Đảng bộ, chính quyền địa phương cũng có ý chí vươn lên từ khó khăn để không còn là tỉnh nghèo. “Gặp khó khăn mà chùn bước, không có ý chí thì không bao giờ thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh thời gian qua, Thủ tướng nêu lên một số phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới đối với Sóc Trăng. Tỉnh cần xem lại quy hoạch phát triển gắn với ứng phó biến đổi khí hậu.

Là một tỉnh thuần nông, Sóc Trăng cần tái cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ hơn, nâng cao đời sống nhân dân, giảm nghèo trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu. Tỉnh cũng cần thúc đẩy công nghiệp chế biến để gia tăng giá trị nông sản. Đưa các doanh nghiệp công nghệ cao tham gia sản xuất nông nghiệp.

“Chúng ta có đặt vấn đề trồng lúa hết hay không? Làm cái gì có hiệu quả thì triển khai và phải làm ra tấm ra món”, Thủ tướng nói và gợi ý tỉnh có thể đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc như nuôi bò, trồng cây ăn quả, phát triển vùng nuôi tôm lớn của cả nước…

Với số lượng lao động nông thôn khá lớn, Sóc Trăng cần tính toán cơ cấu lại lao động, giải quyết việc làm. “Để người dân ly hương lên TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai làm việc, đi đi lại lại mấy trăm cây số, người già không ai chăm sóc, ốm đau bệnh tật. Vấn đề này các đồng chí phải trăn trở”, Thủ tướng chia sẻ và cho rằng tỉnh cần nghiên cứu dành khoản kinh phí để giải tỏa mặt bằng, tạo đất sạch, phát triển các khu công nghiệp để thu hút đầu tư.

Sóc Trăng phải có một chương trình khởi nghiệp mạnh mẽ, tạo điều kiện để người dân, thanh niên, đồng bào dân tộc đều có thể khởi nghiệp, không phải chỉ mãi “chân lấm tay bùn, con trâu đi trước cái cày theo sau”. Muốn thúc đẩy khởi nghiệp thì phải có môi trường đầu tư kinh doanh tốt. Các cấp, các ngành phải chuyển động, vào cuộc tích cực trong lĩnh vực này.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh coi xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương. “Tại sao nghèo phải là câu hỏi đặt ra của từng đảng bộ huyện, xã”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu tỉnh giảm tỷ lệ nghèo xuống ít nhất bằng mức bình quân của đồng bằng sông Cửu Long. Cán bộ phải lội thôn, lội xóm, nắm bắt tình hình đời sống của bà con để giải quyết kịp thời khó khăn, nhất quyết không để người dân nào thiếu đói. Đồng thời, phải bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng tỉnh Sóc Trăng sẽ có bước phát triển mới, chuyển biến mới mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn trong thời gian tới./.

PV.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top