Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 5 tháng 4 năm 2018 | 21:52

Thủ tướng: Sử dụng công bằng, hợp lý tài nguyên sông Mekong

Thủ tướng đề nghị Ủy hội sông Mekong quốc tế tập trung cho sử dụng công bằng, hợp lý và bền vững tài nguyên nước Mekong và các tài nguyên liên quan.

Sáng 5/4, tại Siem Reap, Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Uỷ hội sông Mekong quốc tế (MRC).

Hội nghị có chủ đề: “Tăng cường nỗ lực chung và mở rộng quan hệ đối tác nhằm đạt các Mục tiêu phát triển bền vững trên lưu vực sông Mekong”, với sự tham gia của lãnh đạo 4 nước thành viên là Thủ tướng nước chủ nhà Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thonglun Sisoulith, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc và Bộ trưởng Môi trường Myanmar là hai nước đối tác đối thoại của Uỷ hội, cùng nhiều đại diện của các đối tác phát triển khác.

Hội nghị đã tập trung rà soát tình hình hợp tác trong khuôn khổ Uỷ hội, thực hiện các cam kết đưa ra tại Hội nghị Cấp cao lần thứ hai từ năm 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh và xác định các lĩnh vực ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo.

 
thu tuong phat bieu tai phien toan the hoi nghi cap cao cua uy hoi song mekong hinh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

 

Nhất trí thông qua Tuyên bố chung Siem Reap

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị thống nhất cho rằng Uỷ hội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như thông qua và triển khai Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2016-2020, hoàn thành nghiên cứu về Quản lý và Phát triển bền vững sông Mekong, góp phần tạo căn cứ khoa học cho việc ra các quyết định quan trọng liên quan đến các hoạt động phát triển lưu vực của các quốc gia ven sông, cải tổ bộ máy Ban Thư ký của Uỷ hội theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thống nhất công thức đóng góp niên liễm hàng năm của các quốc gia thành viên theo hướng đều nhau và hướng đến mục tiêu Ủy hội tự chủ về tài chính vào năm 2030, mở rộng hợp tác với các đối tác đối thoại, các đối tác phát triển, các tổ chức lưu vực sông quốc tế và các tổ chức quốc tế trong khu vực, đặc biệt là ASEAN.

Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết và quyết tâm thúc đẩy tiến trình hợp tác Mekong mạnh mẽ hơn nữa nhằm tranh thủ các cơ hội phát triển và vượt qua các thách thức, triển khai các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược hợp tác lưu vực; áp dụng bộ các thủ tục của Uỷ hội về sử dụng bền vững, hợp lý và công bằng nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan khác của sông Mekong.

Các nhà lãnh đạo nhất trí Uỷ hội cần phát huy vai trò hơn nữa trong việc định hướng hợp tác và đề ra các biện pháp cụ thể nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực; tăng cường hợp tác với các cơ chế trong và ngoài khu vực như ASEAN, Hợp tác Mekong - Lan Thương, Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) và các tổ chức quản lý lưu vực sông quốc tế khác, đồng thời tiếp tục khuyến khích sự tham gia của cả cộng đồng.

 

thu tuong phat bieu tai phien toan the hoi nghi cap cao cua uy hoi song mekong hinh 2
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị

 

Hội nghị đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung Siem Reap ghi nhận các thành quả của Ủy hội đạt được, chỉ ra những thách thức và cơ hội mới đối với lưu vực sông Mekong, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Mekong và việc tăng cường hiệu quả thực hiện Hiệp định Mekong 1995, đồng thời xác định các hoạt động ưu tiên trong thời gian 4 năm tới cũng như định hướng lâu dài cho hợp tác trong khuôn khổ Uỷ hội.

Từ đó, Tuyên bố đề ra các lĩnh vực hoạt động ưu tiên của Uỷ hội thời gian tới gồm có việc tận dụng tốt các cơ hội phát triển và xử lý các thách thức thông qua một tiến trình chung của cả lưu vực, có tính tổng thể, bao trùm và đa ngành, thực hiện các khuyến nghị chính của báo cáo Nghiên cứu chung về quản lý và phát triển bền vững sông Mekong, bao gồm tác động của các dự án thuỷ điện dòng chính, thực hiện tất cả các thủ tục của Uỷ hội nhằm sử dụng nguồn nước một cách bền vững, hợp lý và công bằng.

Sử dụng công bằng, hợp lý và bền vững tài nguyên

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hiện nay, lưu vực sông Mekong phải đối mặt với những thách thức lớn như sự gia tăng nhanh dân số, khai thác thiếu bền vững tài nguyên nước, đất và rừng; các thách thức của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai bất thường. Hậu quả là nguồn tài nguyên nước Mekong đang bị suy kiệt cả về số lượng và chất lượng, lượng phù sa, chất dinh dưỡng bị suy giảm, hệ sinh thái và môi trường bị suy thoái nghiêm trọng.

Các dấu hiệu tiêu cực đó thể hiện rõ rệt và trầm trọng hơn ở các quốc gia hạ lưu Mekong, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam - nơi đang thường xuyên phải đối mặt với các đợt hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông bờ biển và sụt lún đất, đe dọa sinh kế của hơn 20 triệu người dân. Cần phải có những hành động thiết thực, kịp thời để Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, vựa cá của cả khu vực trong hàng trăm năm qua tiếp tục phát triển và là nguồn cung gạo lớn cho bảo đảm an ninh lương thực khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá, trong trao đổi với các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế những ngày qua đã chỉ ra yêu cầu cấp bách cần phải thực hiện việc tái cơ cấu hai lĩnh vực lớn, đó là sản xuất lương thực, nông sản, thủy sản bền vững về môi trường, ít phát thải, tiết kiệm nước; xu thế mạnh mẽ của các dạng năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời… đang trở nên rất cạnh tranh do công nghệ mới, vật liệu mới.  

Từ thực tế đó, Thủ tướng đề nghị Ủy hội sông Mekong quốc tế tập trung cho sử dụng công bằng, hợp lý và bền vững tài nguyên nước Mekong và các tài nguyên liên quan.

 

thu tuong phat bieu tai phien toan the hoi nghi cap cao cua uy hoi song mekong hinh 3
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo cấp cao các nước tham dự Hội nghị

 

Thủ tướng nêu rõ, thứ nhất, cần tăng cường thực hiện một cách đầy đủ, thực chất, hiệu quả Hiệp định Mekong 1995, cũng như Bộ các thủ tục, quy định của Ủy hội MRC; nâng cao hiệu quả vai trò giám sát và điều phối của Ủy hội MRC trong thực hiện cam kết của các quốc gia thành viên.

Thứ hai là xây dựng Khung quy hoạch phát triển lưu vực hài hòa với quy hoạch tài nguyên nước của các quốc gia thành viên; đề xuất các dự án chung về quản lý sử dụng bền vững tài nguyên nguồn nước Mekong.

Tiếp đó là chia sẻ thông tin, số liệu trong lưu vực sông Mekong – Lan Thương, tăng cường mạng giám sát tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực; lập cơ sở dữ liệu, kiến thức chung, các nghiên cứu chung của Ủy hội MRC và tăng cường các hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, nhằm giúp các quốc gia trong quyết định về quy hoạch tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan, ứng phó thiên tai, bảo vệ môi trường và các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Trước đó, để chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao, Uỷ hội đã tổ chức Hội thảo quốc tế trong hai ngày 2-3/4 và Hội nghị Bộ trưởng ngày 4/4. Tham dự Hội nghị Bộ trưởng, ngoài Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban sông Mekong quốc gia còn có các đại diện của hai nước đối tác đối thoại, các đối tác phát triển, các nhà tài trợ và Ban Thư ký Uỷ hội sông Mekong quốc tế.

Thành công của Hội nghị Cấp cao lần này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa tinh thần hợp tác, sự gắn bó lâu đời giữa các quốc gia trong lưu vực trong quản lý và sử dụng bền vững sông Mekong.

 

Uỷ hội sông Mekong quốc tế được thành lập từ năm 1995 là tổ chức khu vực duy nhất có chức năng xây dựng khuôn khổ pháp lý, trong đó có những quy chế ràng buộc đối với các quốc gia thành viên về chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, thúc đẩy các dự án phát triển chung.Từ năm 2010, Uỷ hội bắt đầu họp Hội nghị Cấp cao định kỳ 4 năm một lần, luân phiên tại các quốc gia thành viên và đều vào ngày 5/4 - ngày ký Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực sông Mekong năm 1995 (thường gọi là Hiệp định Mekong 1995). Hội nghị cấp cao lần thứ nhất được tổ chức năm 2014 tại Hủa Hỉn, Thái Lan và Hội nghị Cấp cao lần thứ hai được tổ chức năm 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Hội nghị cấp cao lần thứ nhất được tổ chức năm 2010 tại Hủa Hỉn, Thái Lan và Hội nghị Cấp cao lần thứ hai được tổ chức năm 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top