Hôm nay, 31/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 1 tại Nam Định, tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Thủ tướng yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc về công tác dự báo
Bày tỏ lo ngại về hơn 200.000 ha lúa bị ngập tại các địa phương, chiếm khoảng 1/3 diện tích nông nghiệp đồng bằng sông Hồng, Thủ tướng yêu cầu trước mắt tập trung cứu lúa, hoa màu, giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất.
Nhất quyết không để trống đất, Thủ tướng nhấn mạnh và chỉ đạo phải nhanh chóng khôi phục diện tích lúa, hoa màu, bảo đảm sản lượng. Nam Định cũng phải quan tâm khắc phục, phục hồi hoạt động nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi ngao bởi đây cũng là nguồn lợi rất lớn của người dân, không kém gì giá trị cây lúa.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tính toán hỗ trợ giống lúa, rau màu cho bà con nông dân bị ảnh hưởng bởi bão. Về lâu dài, phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là ở vùng trũng, vùng ngập để có thể đạt hiệu quả cao nhất, qua đó, nâng cao thu nhập cho nông dân, “chứ không thể cứ trồng lúa với bất cứ giá nào”.
Thủ tướng chỉ đạo các địa phương khẩn trương dọn dẹp rác thải, cây đổ…, bảo đảm vệ sinh môi trường cho người dân, tránh phát sinh dịch bệnh sau bão. “Tôi ghi nhận lời của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là ngày mai Nam Định sẽ hoàn thành việc dọn dẹp, không còn tình trạng ngổn ngang”, Thủ tướng nói.
Về 1,5km kè Phú Quý bị sạt lở, Thủ tướng lưu ý đây là đoạn xung yếu, nếu xảy ra sự cố thì rất nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân thành phố Nam Định. Thủ tướng yêu cầu tỉnh khẩn trương gia cố, khắc phục với tinh thần “an toàn nhất, kịp thời nhất, tiết kiệm nhất”.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý ngành Tài nguyên và Môi trường, cơ quan khí tượng thủy văn rút kinh nghiệm sâu sắc về công tác dự báo bão số 1 vừa qua, cần tập hợp nhiều nguồn thông tin và phân tích cụ thể với tinh thần trách nhiệm cao nhất để giảm thiệt hại cho nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát sao diễn biến cơn bão số 2, đề cao cảnh giác, đề phòng hoàn lưu bão gây mưa lớn, sạt lở.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời hỏi thăm tới các gia đình ở 4 tỉnh bị thiệt hại trong cơn bão số 1. Thủ tướng cũng biểu dương lãnh đạo tỉnh Nam Định, Hà Nam, Thái Bình và Ninh Bình đã chủ động trong việc phòng chống và giúp nhân dân khắc phục hậu quả của cơn bão, đồng thời biểu dương Tập đoàn điện lực Việt Nam và Tổng Công ty điện lực miền Bắc đã kịp thời khắc phục lưới điện trung thế và hạ thế, để sớm cung cấp điện trở lại cho nhân dân ở 4 tỉnh, nhờ đó, các trạm bơm đã kịp thời bơm nước tiêu úng cứu được hơn 200 nghìn ha lúa.
Tập trung cứu lúa và hoa màu
Tham gia đoàn công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, bão số 1 gây ngập tới hơn 209.000 ha lúa. Đến nay, diện tích ngập úng còn khoảng 11.000 ha và hầu hết là diện tích lúa mới cấy được 15-20 ngày nên công việc trước mắt chủ yếu là tập trung cứu lúa, hoa màu.
Đối với những diện tích lúa, hoa màu bị chết, dập nát, địa phương cần có phương án gieo cấy lại hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, bảo đảm thời vụ và năng suất. Những diện tích nước đã rút, cơ quan chuyên môn cần cử cán bộ hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc lúa theo quy trình.
Bộ NN&PTNT sẽ cùng các địa phương rà soát việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu và kiến nghị Chính phủ các giải pháp để đẩy mạnh trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo tỉnh, khi đi vào Nam Định, bão số 1 rất mạnh (Trung tâm Khí tượng thủy văn Nam Định đo được sức gió giật trên cấp 13 ở khu vực ven biển, giật trên cấp 12 ở TP. Nam Định), thời gian kéo dài, do đó đã gây thiệt hại nặng nề và làm 4 người bị thương./.
PV.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.