Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 8 tháng 9 năm 2016 | 9:33

Thủ tướng tham dự Hội nghị cấp cao Mekong – Nhật Bản

Bên lề các Hội nghị Cấp cao ASEAN 28 – 29 và các Hội nghị cấp cao liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 8 cùng với lãnh đạo các nước Campuchia,  Lào,  Myanmar, Thái Lan và Nhật Bản.

Hội nghị đã ghi nhận những kết quả quan trọng đạt được trong triển khai cả bốn trụ cột hợp tác của Chiến lược Tokyo 2015 bao gồm phát triển hạ tầng công nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp và chuỗi giá trị khu vực, phát triển nguồn nhân lực; phát triển bền vững vì một tiểu vùng Mekong Xanh; và tăng cường phối hợp với các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong khác.

Các nước Mekong đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản dành cho khu vực tiểu Vùng. Đặc biệt, để thực hiện thành công chiến lược nói trên, các nhà Lãnh đạo đánh giá cao việc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế đã thông qua được “Kế hoạch hành động nhằm hiện thực hóa Chiến lược Tokyo” và “Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mekong”. Sau một năm triển khai các Kế hoạch và Tầm nhìn trên, Nhật Bản đã cam kết tài trợ hơn một phần ba số tiền đã được công bố 750 tỷ yên dành cho ba năm (2016-2018).

Về phương hướng hợp tác thời gian tới, các nhà Lãnh đạo nhất trí: (i) Tăng cường hợp tác Mekong – Nhật Bản vì sự phát triển bền vững, toàn diện và cân bằng của khu vực Mekong; (ii) Thúc đẩy vấn đề an ninh con người và phát triển Mekong Xanh. Các nhà Lãnh đạo cũng tái khẳng định tầm quan trọng sống còn của việc quản lý và phát triển bền vững nguồn nước sông Mekong và hoan nghênh việc Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ Nhật Bản sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường sông Mekong, cam kết tăng cường hợp tác và hỗ trợ Uỷ hội sông Mekong thực hiện các dự án phòng chống hạn hán và lũ lụt.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu đã đạt được trong triển khai “Chiến lược Tokyo 2015” và Sáng kiến “Kết nối Mekong – Nhật Bản”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết ưu tiên thúc đẩy thực hiện các nội dung quan trọng của hợp tác Mekong - Nhật Bản, đồng thời đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ các nước Mekong xây dựng các tuyến đường mới dọc theo các hành lang kinh tế, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Vientiane – Hà Nội. Đây sẽ là tuyến đường thương mại quan trọng gắn kết không chỉ thủ đô hai nước thành viên Việt Nam – Lào, mà còn tạo nên một hành lang kết nối mới. Thủ tướng cũng đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ giúp các nước Mekong phát triển nền nông nghiệp xanh, thông minh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chia sẻ quan điểm cùng với các nhà Lãnh đạo về Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 8, đặc biệt là để phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các quốc gia cần một môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây tại Biển Đông, nhấn mạnh các bên cần kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình, nỗ lực giảm căng thẳng và ngăn ngừa nguy cơ đụng độ trên biển, tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi trọng và cam kết   tiếp tục nỗ lực đóng góp thúc đẩy hợp tác Mekong - Nhật Bản vì sự phát triển bền vững, hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Hội nghị đã ra Tuyên bố chung và nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 9 năm 2017 tại Philippines./.

PV.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top