Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 12 tháng 4 năm 2016 | 5:0

Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh

Sáng 12/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, ông Philip Hammond đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh ông Philip Hammond sang thăm Việt Nam, tiếp nối thành công từ chuyến thăm của Thủ tướng Anh David Cameron tháng 5/2015.

Bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác giữa hai nước, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược, quan hệ hợp tác kinh tế song phương đã có nhiều bước phát triển tích cực (kim ngạch hai chiều đạt 5,4 tỷ USD năm 2015), tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hợp tác kinh tế giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên.  

Phân tích những lợi ích từ việc Việt Nam và EU kết thúc đàm phán ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Anh quốc quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam trong các lĩnh vực mà Anh quốc có thế mạnh như: Tài chính, ngân hàng, phát triển cơ sở hạ tầng, bảo hiểm, khoa học công nghệ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Chính phủ Anh thúc đẩy sớm ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) nhằm hiện thực hóa những lợi ích mà Hiệp định này mang lại, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Việt Nam với EU và Anh quốc.

Trao đổi, gợi mở những tiềm năng hợp tác hai nước thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Anh tiếp tục hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao, giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, học sinh Việt Nam sang học tập tại Anh.

Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Anh trên tất cả các lĩnh vực vì lợi ích mỗi bên, vì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Tuyên bố từ Hội nghị Ngoại trưởng các nước G7 tại Hiroshima đối với vấn đề Biển Đông vì mục tiêu chung là bảo đảm tự do hàng hải, tự do hàng không, không thực hiện các hành động gây căng thẳng trong khu vực, trái với quy định của pháp luật quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Chính phủ Anh cần quan tâm hơn nữa, đồng thời thúc đẩy EU có tiếng nói mạnh mẽ, yêu cầu các bên có tranh chấp trên Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, chấm dứt mọi hoạt động nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông; đặc biệt là ngừng ngay việc xây dựng các đảo nhân tạo, chấm dứt quân sự hóa ở Biển Đông; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đàm phán thực chất để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Philip Hammond trân trọng chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.

Ngoại trưởng Philip Hammond cho biết, Anh hiện đang là quốc gia có tỉ trọng đầu tư xếp hàng thứ hai của EU tại Việt Nam. Việc kết thúc ký kết EVFTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới.

Nhấn mạnh đến những lĩnh vực có thể ưu tiên hợp tác giữa Chính phủ hai nước, ông Philip Hammond cho rằng, với thế mạnh về tài chính, công nghệ, Anh quốc có thể trở thành nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam thông qua những hoạt động hợp tác hướng đến nền kinh tế tri thức, chất lượng cao và cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Hai bên cũng có thể cùng nhau phối hợp đối phó với những thách thức trong phát triển như phòng, chống tham nhũng, quản lý hành chính công.

Ngoại trưởng Philip Hammond cho biết, Chính phủ Anh có nguồn tài chính dự trữ khoảng 500 triệu bảng Anh dành cho xuất khẩu, nguồn vốn này có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Anh đầu tư tại Việt Nam và mong muốn phía Việt Nam tận dụng tốt cơ hội tài chính này.

Ông Philip Hammond cũng cho biết, Anh quốc quan tâm và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như những vấn đề phòng, chống buôn bán động vật trái phép.

Ngoại trưởng Philip Hammond bày tỏa mong muốn hai bên đẩy mạnh hợp tác song phương trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học và công nghệ; tiếp tục đơn giản hóa hơn nữa thủ tục trong các lĩnh vực này để tăng cường thu hút đầu tư từ Anh.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Philip Hammond khẳng định tuyên bố mạnh mẽ của Hội nghị Ngoại trưởng các nước G7 vừa qua tại Hiroshima về vấn đề Biển Đông và nhấn mạnh việc ủng hộ ASEAN tiến tới xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông nhằm bảo đảm tự do hàng hải, hàng không qua khu vực này và mong muốn các bên liên quan giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế./.

PV.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top