Việt Nam, Thái Lan đẩy mạnh quan hệ hợp tác
Nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ tại California, sáng 15/2 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha.
Tại cuộc gặp, hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị láng giềng và đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan; nhất trí phối hợp chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2014-2018 và các kết quả của kỳ họp Nội các chung lần thứ 3 (7/2015).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha trong việc thúc đẩy hợp tác lao động giữa hai nước, cũng như việc Thái Lan đã chính thức triển khai đăng ký, cấp phép cho lao động Việt Nam tại Thái Lan từ 1-30/12/2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị, hai bên cần phối hợp triển khai tốt Bản ghi nhớ về hợp tác lao động và Thỏa thuận tuyển dụng lao động vừa ký tháng 7/2015, có các cơ chế phụ trợ để thúc đẩy vấn đề này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Thái Lan phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong giải quyết vấn đề ngư dân, tàu thuyền theo tinh thần nhân đạo, tình cảm hữu nghị của nhân dân hai nước và quan hệ đối tác chiến lược.
Hai Thủ tướng nhất trí giao cho Bộ trưởng Ngoại giao hai nước làm đầu mối thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác, sớm lập cơ chế đối thoại cấp thứ trưởng về an ninh-quốc phòng.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nhất trí đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và tập trung giải quyết các vấn đề quan trọng như hợp tác lao động, nghề cá, nông nghiệp.
Hai Thủ tướng cũng nhất trí về việc tăng cường đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực.
Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia
Sáng 15/2 (giờ địa phương), tại Sunnylands (California, Hoa Kỳ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống Cộng hòa Indonesia Joko Widodo nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ.
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng với những hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao diễn ra trong năm 2015, qua đó đã giúp tăng cường giao lưu và tình hữu nghị, đoàn kết giữa Chính phủ và nhân dân hai nước.
Để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Indonesia trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Joko Widodo nhất trí tiếp tục duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao.
Tổng thống Joko Widodo thông báo kế hoạch thăm Việt Nam trong thời gian tới.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường hợp tác về kinh tế đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm trong trao đổi thương mại; phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến ngư dân và tàu cá Việt Nam.
Về hợp tác an ninh-quốc phòng, hai bên nhất trí thúc đẩy sớm ký thỏa thuận tuần tra song phương, phối hợp chống khủng bố trong khu vực, lập đường dây nóng giữa hải quân hai nước và cơ chế đối thoại chính sách nhằm góp phần duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
Bên cạnh hợp tác song phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Joko Widodo cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm. Hai bên nhất trí thúc đẩy tăng cường đoàn kết và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề lớn liên quan đến an ninh, lợi ích của mỗi nước và của khu vực.
Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử (COC) cũng như giải quyết các tranh chấp trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982./.
PV.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.