Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tỉnh Đồng Nai triển khai các giải pháp rất nhanh và hiệu quả trong phòng chống dịch theo Công điện 1099 của Thủ tướng Chính phủ.
Tình hình kiểm soát dịch bệnh có dấu hiệu đang tốt lên. Thủ tướng bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm rất cao của Đồng Nai trong việc kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9.
Chiều 27/8, sau khi đi kiểm tra, thăm hỏi, động viên công tác phòng chống dịch tại các xã, phường – các pháo đài phòng chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với tỉnh Đồng Nai nhằm đánh giá kết quả sau 4 ngày (từ 23/8) thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch theo Công điện 1099 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Cuộc làm việc được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo 170 xã, phường, thị trấn trong tỉnh tới các điểm cầu cấp huyện.
Trước đó, sáng 27/8, Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, trực tuyến tới toàn bộ 91 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Ngày 26/8, Thủ tướng cũng đã có các cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, trực tuyến tới toàn bộ 312 xã, phường, thị trấn của Thành phố.
Đồng Nai làm tốt hơn nhiều địa phương khác
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, buổi làm việc trực tuyến với 171 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh Đồng Nai hết sức quan trọng để thực hiện hiệu quả phương châm lấy xã, phường làm pháo đài chống dịch. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các xã, phường lắng nghe, tiếp thu các ý kiến tại cuộc làm việc để tổ chức thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tỉnh Đồng Nai trong công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, Thủ tướng ghi nhận và bày tỏ cảm ơn sự đồng tình, ủng hộ, vào cuộc của người dân trong tỉnh. Thực tiễn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh những ngày qua cho thấy, người dân rất đồng tình, ủng hộ, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh dù phải thực hiện giãn cách đã lâu. Đây là điểm rất quan trọng để chiến thắng dịch bệnh.
Thủ tướng đánh giá, so với các địa phương đang có điểm nóng về dịch bệnh, Đồng Nai làm nhanh hơn, hiệu quả hơn, nhất là sau khi có các Công điện của Thủ tướng. Thành quả đạt được rất đáng phấn khởi, tỉnh đã kiểm soát được dịch bệnh, tình hình đang tốt lên, số ca tử vong thấp nhất so với các địa phương khác. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp, bên cạnh 8 huyện thị đã kiểm soát tốt dịch bệnh thì Biên Hòa, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu vẫn có nguy cơ rất cao. Tỉnh cũng cần phân tích kỹ thêm nguyên nhân các ca bệnh chuyển nặng để có giải pháp khắc phục nhanh chóng, hiệu quả.
Nêu rõ mục tiêu chậm nhất tới ngày 15/9, Đồng Nai kiểm soát được dịch bệnh trên toàn tỉnh và trở lại trạng thái bình thường mới, Thủ tướng nhắc lại và nhấn mạnh quan điểm lấy xã phường, nhà máy, xí nghiệp làm pháo đài, người dân là chiến sĩ. Địa phương cần giải thích rõ cho nhân dân hiểu việc thực hiện giãn cách và các biện pháp phòng chống dịch là nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm của mỗi người, vì sức khỏe của mình, của cộng đồng và sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Mỗi người dân vừa là trung tâm được phục vụ, vừa là chủ thể phòng chống dịch. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Thủ tướng phấn khởi nhắc lại những mô hình, cách làm tốt mà ông được tận mắt chứng kiến qua kiểm tra thực tế tại Đồng Nai, như xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu có tới 5 cơ sở điều trị, huyện Vĩnh Cửu có 50 cơ sở điều trị F0… Khi người dân cần, gọi tới các số điện thoại hỗ trợ khẩn cấp đều được trả lời ngay, điều này rất đáng mừng, Thủ tướng chia sẻ.
Đồng Nai cũng đã có những nơi làm tốt việc kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa Đông y và Tây y, giữa truyền thống và hiện đại, như làm nước gừng, mật ong, sả, chanh cho lực lượng tuyến đầu chống dịch để tăng cường kháng thể; chế tạo máy xông hơi nhằm diệt virus…
“Dân không được đói, người bệnh không được thiếu ô xy”
Qua 2 ngày kiểm tra thực tế tại hàng chục địa điểm, các lực lượng tuyến đầu đều khẳng định với đoàn công tác, phương châm lấy xã phường làm “pháo đài” chống dịch, cung cấp dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất ngay tại cơ sở là hoàn toàn đúng đắn. Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải kiên trì mục tiêu, quan điểm, các biện pháp, giải pháp đã đề ra, đồng thời bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn để hết sức linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện.
Các xã, phường là nơi tiếp xúc với người dân nhiều nhất, sát nhất, nhanh nhất, gần nhất. Thủ tướng nhấn mạnh những việc mà các "pháo đài" này phải làm bằng được. Đó là vận động người dân hưởng ứng, tuân thủ giãn cách; đảm bảo an sinh xã hội, không để dân đói, đứt bữa; đáp ứng các yêu cầu y tế ở mọi nơi, mọi lúc nhanh nhất, sớm nhất; đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; tuyên truyền, kêu gọi nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu toàn bộ 171 xã phường của Đồng Nai phải kiểm tra lại, bảo đảm đáp ứng ngay khi người dân cần, người dân gọi tới các đường dây nóng. Nhân đây, ông cũng nhắc Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp để tổng đài 1022 hoạt động hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ người dân. “Nếu không thì người dân gọi đến chỉ được nghe câu “ai ở đâu ở đó”, trong khi người ta đang cần đồ ăn, đang ốm sốt”, Thủ tướng thẳng thắn chia sẻ.
Thời gian tới, Đồng Nai cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Trong đó, Thủ tướng lưu ý phải tiến hành xét nghiệm thần tốc, kịp thời, khoa học, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế để nhanh chóng phát hiện, phân loại, điều trị F0, bóc tách nguồn lây khỏi cộng đồng. Tiếp cận người bệnh sớm nhất, hướng dẫn, điều trị kịp thời, phù hợp, từ sớm, từ xa, từ cơ sở, chuyển kịp thời các ca nặng lên tuyến huyện, tuyến tỉnh…
Trong tổ chức thực hiện, Bí thư cấp ủy phải là Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch; thành lập trung tâm chỉ huy phòng chống dịch do Chủ tịch là chỉ huy trưởng, nhất là tại cấp xã phường. Xây dựng các kịch bản, phương án để chuẩn bị nguồn lực, bảo đảm không bị động trong tình huống số ca mắc cao hơn. Lực lượng y tế, quân đội, công an hỗ trợ ngay các yêu cầu của địa phương về y tế. Lực lượng quân y tiếp tục tăng cường cho xã phường, nhất là vùng đỏ… Bộ Y tế tiếp tục ưu tiên vaccine cho Đồng Nai, cố gắng đáp ứng các đề xuất về nhân lực, trang thiết bị, vật tư của tỉnh…
Thủ tướng lưu ý Đồng Nai tiếp tục động viên, khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất an toàn, không để đứt gãy chuỗi cung ứng… “Trong lúc này, có thể chấp nhận hòa vốn hoặc chịu lỗ để giữ được đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng, rồi mở cửa, phục hồi lại ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát”, Thủ tướng chia sẻ, động viên các doanh nghiệp.
Cùng với đó, tiếp tục phát huy tinh thần đại đoàn kết, tương thân, tương ái, huy động mọi nguồn lực hợp pháp từ con người, vật chất, tài chính… cho công tác phòng chống dịch. Trung ương sẽ tiếp tục có hỗ trợ ngân sách, nhưng các địa phương cần ưu tiên nguồn kinh phí cho phòng chống dịch và chăm lo đời sống nhân dân, tiết kiệm tối đa các khoản chi thường xuyên, rà soát các nguồn khác như vốn đầu tư công chưa sử dụng để đề xuất HĐND xem xét, quyết định theo thẩm quyền…
Thủ tướng tán thành cao với quan điểm của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh là “dân không được đói, người bệnh không được thiếu ô xy”. Ông tin tưởng rằng với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, Đồng Nai sẽ thực hiện được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh như đã đề ra.
Hơn 9.000 người đã khỏi bệnh
Báo cáo Thủ tướng tại cuộc làm việc, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết trên địa bàn đã có hơn 21.000 ca mắc COVID-19 trong đợt dịch thứ 4, hơn 9.000 người đã khỏi bệnh, hơn 11.000 người đang tiếp tục điều trị. Số ca mắc trong 24 giờ qua là 944 ca.
Các địa phương được xác định có nguy cơ cao, rất cao là TP. Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, huyện Vĩnh Cửu, huyện Trảng Bom. Tuy nhiên, các xã, phường tại các địa phương này đã thực hiện quyết liệt các biện pháp giãn cách, cách ly, truy vết, hiện số ca mắc trong cộng đồng tại các ổ dịch cũ đã có chiều hướng giảm. Các ổ dịch nhỏ lẻ mới được khoanh vùng ngay, bóc tách F0 nhanh chóng. Đây là những tín hiệu khả quan trong bối cảnh tỉnh đã thực hiện tổng cộng hơn 3 triệu mẫu xét nghiệm cả test nhanh và PCR, đang chuẩn bị tiến hành đợt xét nghiệm thứ 3 theo kế hoạch.
Đồng Nai đã tiến hành phân tầng thu dung điều trị COVID-19 theo 3 tầng (tầng 1 cho các ca không có triệu chứng; tầng 2 cho các ca nhẹ và vừa; tầng 3 cho các ca nặng, nguy kịch). Hiện có hơn 6.400 giường điều trị ở tầng 1, đang tiếp tục nâng lên 12.000 giường. Tầng 2 có gần 10.000 giường. Tỉnh đã tiếp nhận 844 người từ các bộ ngành, địa phương hỗ trợ phòng chống dịch. Toàn tỉnh có hơn 510.000 người được tiêm ngừa vaccine, đạt tỉ lệ gần 23% người trên 18 tuổi.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục bảo vệ và xanh hóa các vùng cam, vàng; làm sạch, thu hẹp dần vùng đỏ; nâng cao năng lực để xét nghiệm diện rộng vùng cam, vùng đỏ, xét nghiệm đại diện hộ gia đình tại vùng vàng; thực hiện giãn cách xã hội triệt để; triển khai tiêm cuốn chiếu vaccine tại một số xã phường đông dân và có nhiều nhà trọ, tiêm ngay cho người lao động trong các khu công nghiệp…
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá tỉnh đã hết sức nỗ lực, cố gắng trong công tác phòng chống dịch. Số ca mắc tăng song điều quan trọng là tình hình vẫn trong tầm kiểm soát, địa phương không bị “rối”. Tỉnh đã xây dựng, triển khai kế hoạch phòng chống dịch bài bản, liên tục điều chỉnh phù hợp với tình hình. Đánh giá chung, công tác phòng chống dịch của Đồng Nai có nhiều thay đổi rất tích cực so với lần trước Thủ tướng tới làm việc với tỉnh.
Lãnh đạo các bộ ngành cũng khẳng định, qua kiểm tra thực tế, công tác phòng chống dịch trên địa bàn Đồng Nai đang đi đúng hướng, đạt tín hiệu đáng mừng. Điều này chứng tỏ sự đúng đắn của các chủ trương, biện pháp đưa ra theo phương châm xã phường là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” theo các Công điện 1099, 1102 của Thủ tướng Chính phủ.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.