Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 16 tháng 7 năm 2017 | 9:15

Thủ tướng viếng các anh hùng, liệt sĩ Trung đoàn Tây Tiến

“Các thế hệ của Đoàn quân Tây Tiến đã mãi đi vào lịch sử anh hùng cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam; là niềm khích lệ, tấm gương lớn và tài sản quý giá cho các thế hệ hôm nay và mai sau”, Thủ tướng viết.


Thủ tướng tham quan Khu di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chiều 16/7, trong chuyến công tác tại tỉnh Sơn La, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017) và kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ Việt-Lào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến viếng các anh hùng, liệt sĩ Trung đoàn 52 Tây Tiến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kính cẩn dâng hoa, dâng hương tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc công lao to lớn của các chiến sĩ Trung đoàn Tây Tiến anh hùng tại Khu di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến trên đồi Nà Bó, Tiểu khu 12, thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Ghi trong sổ lưu niệm tại Khu di tích, Thủ tướng bày tỏ xúc động đến thăm Trung đoàn 52 Tây Tiến tại Mộc Châu, Sơn La, nơi đã gắn liền với rất nhiều chiến công oai hùng và sự hy sinh gian khổ của các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn vào những năm tháng đầu tiên mới thành lập. “Các thế hệ của Đoàn quân Tây Tiến đã mãi đi vào lịch sử anh hùng cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam; là niềm khích lệ, tấm gương lớn và tài sản quý giá cho các thế hệ hôm nay và mai sau”, Thủ tướng viết.

Cách đây 70 năm, vào mùa xuân Đinh Hợi (1947) tại mặt trận miền Tây của Tổ quốc đã diễn ra một sự kiện có ý nghĩa lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam: Trung đoàn Tây Tiến ra đời. Sau đó, Trung đoàn đổi tên là Trung đoàn 52 Tây Tiến (16/5/1947). Trải qua 70 mùa xuân, còn vang mãi những chiến công oanh liệt của Trung đoàn 52 Tây Tiến, gắn liền với lịch sử hào hùng của mặt trận Tây Bắc và liên minh chiến đấu Việt - Lào trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần tô thắm truyền thống anh hùng, quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như cho mối tình hữu nghị Việt - Lào.


Thủ tướng thăm hỏi, động viên gia đình ông Nguyễn Thanh Lâm, Thương binh hạng 3/4, nhiễm chất độc da cam, tại thị trấn Mộc Châu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhân dịp này, Thủ tướng đã đến thăm hỏi, động viên gia đình ông Nguyễn Thanh Lâm, Thương binh hạng 3/4, nhiễm chất độc da cam, tại thị trấn Mộc Châu.

Cùng ngày, Thủ tướng đã đến thăm Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, tiền thân là Nông trường quốc doanh Mộc Châu, được thành lập năm 1958 do các chiến sĩ Trung đoàn 280 thuộc Sư đoàn 335 bộ đội tình nguyện Việt Nam tại nước bạn Lào sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế về nước được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ chuyển sang sản xuất, xây dựng kinh tế tại vùng thảo nguyên Mộc Châu.


Thủ tướng trò chuyện với công nhân Công ty Giống bò sữa Mộc Châu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tham quan dây chuyền đóng gói của Công ty, Thủ tướng đánh giá cao việc Công ty nhận con em của nông dân nuôi bò sữa vào làm việc với mức thu nhập khá.

Hiện, Công ty có tổng đàn bò sữa trên 22.000 con. Sữa tươi sản xuất trên 80.000 tấn/năm. Thu nhập bình quân đạt 8,5 triệu đồng/tháng.

Theo Đức Tuân/Chinhphu.vn

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top