Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 7 năm 2016 | 10:17

Thủ tướng: Việt Nam mở rộng cửa chào đón các doanh nghiệp Á-Âu

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 15 (AEBF 15) tại thủ đô Ulan Bator, Mông Cổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam mở rộng cửa chào đón sự hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp Á-Âu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chiều nay (14/7), tại Cung Nhà nước, thành phố Ulan Bator, Mông Cổ đã diễn ra cuộc đối thoại giữa các đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu (AEBF) lần thứ 15 với các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 11 (ASEM 11).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Tổng thống Mông Cổ đã thay mặt các thành viên ASEM tham dự và phát biểu tại lễ bế mạc của Diễn đàn. Với chủ đề “Kết nối vì tăng trưởng bao trùm”, Diễn đàn có sự tham dự của khoảng 600 đại diện doanh nghiệp từ các tập đoàn hàng đầu ở hai châu lục.

Là nhà lãnh đạo đầu tiên phát biểu tại lễ bế mạc AEBF 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, AEBF là một thành tố quan trọng trong trụ cột kinh tế của ASEM, đóng vai trò là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp hai khu vực Á-Âu. Đặc biệt, trong bối cảnh Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM bị gián đoạn từ năm 2005, Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu chính là kênh trao đổi duy nhất giữa các nhà lãnh đạo Á-Âu với cộng đồng doanh nghiệp về các vấn đề hợp tác kinh tế giữa hai châu lục trong những năm gần đây.

Hướng về các doanh nghiệp, ASEM đã triển khai mạnh mẽ “Kế hoạch hành động thuận lợi hóa thương mại” và “Kế hoạch hành động xúc tiến đầu tư” nhằm thúc đẩy quan hệ giữa các doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh. Đến nay, không chỉ quan hệ hợp tác Á-Âu, mà các doanh nghiệp của hai châu lục cũng đã đạt nhiều thành quả hợp tác, chứng tỏ tầm quan trọng của mình trong mọi lĩnh vực và có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Thủ tướng cho rằng, trong tiến trình hợp tác liên châu lục Á-Âu, các doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng và là động lực phát triển của các nền kinh tế.

“Tôi mong muốn các nhà lãnh đạo chúng ta chú ý tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), họ là nơi tạo nhiều việc làm cho người dân, sáng tạo, linh hoạt trong đầu tư, kinh doanh nhưng các doanh nghiệp SME cũng dễ bị tổn thương bởi các biến động chính trị, kinh tế, xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, các doanh nghiệp SME cần nhận được sự hỗ trợ trong tiến trình hội nhập của các nền kinh tế thành viên Á-Âu và mở ra cơ hội để các SME tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Vấn đề tiếp theo là chúng ta cần đi đầu trong các cơ chế hợp tác thương mại và đầu tư bền vững như: “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững”; “Diễn đàn ASEM về phát triển xanh và SMEs”… để có giải pháp cho hàng loạt thách thức như: Nghèo đói do thương mại không công bằng và khoảng cách phát triển, biến đổi khí hậu và thiên tai, xâm nhập mặn…

“Chúng ta cần tiếp tục hỗ trợ phát triển mạnh mẽ quan hệ đối tác và các thỏa thuận thương mại tự do giữa các quốc gia trong khu vực và liên khu vực Á-Âu (Cộng đồng ASEAN 2015, Hiệp định hợp tác toàn diện khu vực (RCEP), hợp tác EU-ASEAN, Ấn Độ-ASEAN…)”, Thủ tướng bày tỏ và khẳng định, đây là những minh chứng cho mức độ hợp tác ngày càng sâu rộng mà các quốc gia thành viên hai châu lục đang hướng tới.

Cho biết Việt Nam đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng nêu rõ thông điệp: Việt Nam mở rộng cửa chào đón sự hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp Á-Âu và cam kết tiếp tục đóng góp xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện trong ASEM vì sự phát triển bền vững.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trong phát biểu, các nhà lãnh đạo ASEM đánh giá cao sự quan tâm của các nhà lãnh đạo thành viên ASEM trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp Á-Âu thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư.

Các nhà lãnh đạo ASEM nhấn mạnh nhu cầu gia tăng vai trò và đóng góp của các doanh nghiệp nhằm tăng cường kết nối hai châu lục trong bối cảnh phục hồi kinh tế thế giới chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Các nhà lãnh đạo đề nghị các doanh nghiệp cần cùng đồng hành với Chính phủ tăng cường các luồng thương mại và đầu tư, kết nối cơ sở hạ tầng giữa hai châu lục, đầu tư xanh, ứng dụng công nghệ xanh, xây dựng phương thức sản xuất thân thiện với môi trường, góp phần thiết thực phục vụ phát triển bền vững và bao trùm.

Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 15 cùng với Diễn đàn Nghị viện Á-Âu (ngày 21-22/4) và Diễn đàn Nhân dân Á-Âu (họp ngày 1-2/7) là những hoạt động hướng tới Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác ASEM lần thứ 11 họp từ ngày 15-16/7 cũng tại thành phố Ulan Bator. Tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp năm nay có đại diện của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Ngân hàng thương mại Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top