Sáng 27/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã họp với các bộ ngành và 63 tỉnh thành, bàn về nội dung xã hội đặc biệt quan tâm là tìm giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần phải quy trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu địa phương, nếu để xảy ra tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thủ tướng yêu cầu quy trách nhiệm cá nhân người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm |
Với việc Thủ tướng trực tiếp họp với các bộ, ngành và 63 tỉnh thành, cho thấy sự quan tâm, quyết liệt của Chính phủ trong việc xử lý tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang nghiêm trọng hiện nay.
Hạn chế trong thực thi
Qua báo cáo của các bộ cho thấy, hiện nay văn bản pháp luật quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đã có, từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu thụ, nhưng việc triển khai xử phạt chưa nghiêm, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn diễn ra.
Cho đến nay, điều mà dư luận rất quan tâm là việc xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng các chất cấm sabutamol, vàng ô, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục trong chăn nuôi và trồng trọt; vẫn tồn tại cơ sở giết mổ, sơ chế nội tạng, cơ sở chế biến mỡ động vật rất mất vệ sinh… Theo số liệu của Bộ Công an, thời gian qua đã phát hiện hơn 4.000 vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó đã xử lý hơn 3.000 vụ.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ tổng hợp từ các bộ, ngành, một số địa phương thiếu tập trung trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, chậm phát hiện và xử lý không kịp thời. Hầu hết các vụ vi phạm là do báo chí và các cơ quan chức năng của trung ương phát hiện, rất ít vụ vi phạm do địa phương phát hiện.
Ngoài yếu tố quản lý, thì cơ chế tài chính đối với việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cũng chưa phù hợp. Ngay cả kinh phí kiểm nghiệm thực phẩm, xử lý, tiêu hủy thực phẩm không an toàn cũng còn thiếu. Trang thiết bị kỹ thuật, các phòng kiểm nghiệm còn thiếu, khó khăn trong kiểm nghiệm vàng ô trong măng, chất nhuộm màu ruốc…
Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, chưa chú ý xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, công luận và người dân tham gia giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm và đấu tranh với các hành vi vi phạm, nhất là tại cơ sở.
Quy rõ trách nhiệm đơn vị quản lý
Phát biểu tại cuộc họp, các địa phương, bộ, ngành đặc biệt nhấn mạnh đến việc phân định rõ trách nhiệm đến từng cơ quan, đơn vị, cá nhân quản lý, nâng cao đạo đức công vụ. Không thể để tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn mà không biết. Ví dụ lò mổ bất hợp pháp hoạt động liên tục nhưng nhưng lãnh đạo xã phường lại không biết hoặc không xử phạt. Bên cạnh đó, cần quy định bắt buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh niêm yết rõ nguồn gốc, thông tin các sản phẩm, kể cả địa chỉ, số điện thoại. Đầu tư trang thiết bị kiểm tra dư lượng hóa chất, chất cấm trong thực phẩm.
Về các chế tài, nhiều địa phương đều cho rằng đã quy định rất rõ, nhưng thực thi còn yếu. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần áp dụng tổng hợp nhiều chế tài từ các văn bản luật khác nhau để xử lý các đối tượng vi phạm. Từ 1/7 năm nay, có thể áp dụng Luật Hình sự để xử lý phạt tù đến 20 năm đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích sản xuất sạch, quy mô lớn, tập trung, để kiểm soát thuận lợi hơn.
Một số địa phương đề xuất thành lập cơ quan liên ngành, do Chủ tịch tỉnh, thành phố đứng đầu, chỉ đạo trực tiếp để xử lý tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm được thống nhất và hiệu quả. Bên cạnh đó, cần xây dựng sản xuất theo chuỗi để quản lý thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn; có cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất quy mô lớn, sản xuất sạch để việc quản lý thực phẩm dễ dàng và hiệu quả.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phải chấm dứt ngay việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Việc quản lý thực phẩm phải theo chuỗi, vì thực phẩm có thể phân phối từ tỉnh này sang tỉnh khác. Đây cũng là lý do lãnh đạo các địa phương cho rằng phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương.
Còn theo quan điểm của Bộ Công an, Bộ sẽ xử lý nghiêm tất cả các vụ an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là các vụ việc nghiêm trọng, chứ không dừng lại ở việc thí điểm xử lý.
Phải xử lý trách nhiệm cá nhân
Kết luận tại buổi họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, mất an toàn vệ sinh thực phẩm đe dọa đến giống nòi. Trong khi đó chúng ta chưa thành công trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Thủ tướng yêu cầu, việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Phải làm cho người dân, DN hiểu và thực hiện tốt trách nhiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm từ sản xuất, tiêu dùng, tố giác tội phạm, đến xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu cần làm rõ trách nhiệm cá nhân. Nếu không quy được trách nhiệm cho người đứng đầu thì khó thành công. Việc sản xuất, tiêu thụ trái phép tại chợ, thì chủ tịch UBND phường, xã, huyện phải chịu trách nhiệm. Các lực lượng chức năng khác, cũng phải vào cuộc. Phải quy trách nhiệm cuối cùng người thay mặt chính quyền Nhà nước có mặt ở đó để xử lý trách nhiệm cá nhân. Khi trách nhiệm làm rõ thì mới chuyển biến, nếu không sẽ khó thành công.
Để kiểm tra, kiểm soát thì phải tổ chức thực hiện hiệu quả. Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải thành lập Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm, trưởng Ban là chủ tịch tỉnh, thành phố. Ban này phải tổ chức các đoàn kiểm tra, huy động cơ quan chức năng để kiểm tra, giám sát. Hiện quy định pháp luật về chức năng của từng cơ quan đã rõ, cứ theo chức năng để xử lý. Các địa phương phải có tư duy mạch lạc, nhận thức về pháp luật hiện hành để thực thi tốt chức năng, nhiệm vụ.
Về kinh phí thực hiện, các địa phương còn đang vướng mắc, Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng bố trí phí kiểm tra, tiêu hủy, bồi dưỡng lực lượng tham gia phát hiện vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu thiếu thiết bị kiểm tra thì ngân sách các địa phương phải lo, nhưng đồng thời phải xã hội hóa, thu phí và hoàn vốn. Chính phủ cho phép địa phương ứng 90% ngân sách dành cho đầu tư an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng ý cho các địa phương giữ lại 100% tiền phạt để đầu tư trở lại trang thiết bị an toàn vệ sinh thực phẩm.
Song song với đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng phải xử phạt ở mức cao nhất để nâng tính răn đe. Ngay cả người nông dân sản xuất nếu sử dụng chất cấm cũng phải xử phạt. Ví dụ nuôi lợn sử dụng chất cấm phải tiêu hủy và phạt mức cao nhất. Kể cả các tổ chức, người buôn bán nhỏ nếu vi phạm cũng phải phạt.
Yêu cầu của Thủ tướng là các cơ quan chức năng cần phối hợp, tăng cường lực lượng rà soát, xử lý kiên quyết các vi phạm. Các cơ quan 389, quản lý thị trường, hải quan, và đặc biệt là công an, vào cuộc điều tra xử lý vụ việc nghiêm trọng trên địa bàn và cần thiết phải xử lý hình sự nếu vi phạm quy định.
Không chỉ dừng lại ở việc các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mà từ hộ sản xuất nhỏ, hộ gia đình, công ty xí nghiệp phải đảm bảo tuân thủ quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, công khai minh bạch quy trình đó.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh phải thay đổi tư duy tiếp cận trong vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể là chuyển từ tư duy thanh tra quản lý sang tiếp cận hệ thống, lấy nhà sản xuất làm trung tâm, DN và hộ nông dân sản xuất phải tuân thu quy trình sản xuất, không phải chỉ đăng ký đảm bảo an toàn thực phẩm mà phải làm cho rõ quy trình để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là là điều phải tập trung thay đổi tư duy này. Đây là điều các địa phương phải quán triệt. Sản xuất ở đây là cả chăn nuôi và trồng trọt.
Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm có phạm vi rộng, Thủ tướng chỉ đạo trước mắt tập trung vào thực phẩm tươi sống, thịt, cá, rau, nước giải khát, trực tiếp vào cơ thể con người. Ngăn chặn hành vi sai trái đối với thực phẩm tươi sống; kiểm soát khâu sản xuất là rất quan trọng. Các cơ quan chức năng quản lý chất cấm thì phải kiểm tra, kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc, công khai minh bạch.
Trên cơ sở ý kiến của các địa phương, bộ ngành trong hội nghị này, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp bổ sung vào Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm.