Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 30 tháng 8 năm 2016 | 2:52

Thủ tướng yêu cầu đánh giá lời nói có đi đôi với việc làm

Ngày 30/8, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8/2016, trong đó, sẽ đánh giá việc lời nói có đi đôi với việc làm hay không.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng nêu lên một số điểm của tình hình kinh tế-xã hội sau khi “chúng ta đã đi qua 2/3 chặng đường của năm 2016”.

Trong tháng 8, đất nước hứng chịu 2 cơn bão lớn. Mặc dù các cấp các ngành đã vào cuộc, chỉ đạo phòng chống hết sức tích cực, nhưng thiệt hại vẫn xảy ra, đặc biệt ở khu vực miền núi phía bắc.

Cũng trong tháng 8, lãnh đạo các cấp đã tích cực đôn đốc việc thực hiện kế hoạch năm, cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp. Nhiều dịch vụ y tế tăng giá, nhưng chỉ số CPI chỉ tăng 0,1%.

Tinh thần bảo vệ môi trường sống cho nhân dân đã được quán triệt tới tất cả các cấp ủy, chính quyền địa phương trên toàn quốc với nhiều biện pháp mạnh. Sắp tới, một chỉ thị của Thủ tướng về vấn đề này sẽ được ban hành để người dân yên tâm rằng không vì phát triển kinh tế mà bỏ qua môi trường.

Đánh giá việc lời nói có đi đôi với việc làm hay không

“Một điều đáng mừng là không khí sản xuất kinh doanh, niềm tin xã hội, niềm tin thị trường được khôi phục một bước rất quan trọng, trong đó, nhiều tỉnh, thành phố tiến hành xúc tiến đầu tư, cải cách, tạo mọi điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển”, Thủ tướng cho biết và nhấn mạnh khát vọng phát triển của các địa phương đã thể hiện rõ, với quyết tâm để tỉnh mình không còn nghèo, không phụ thuộc vào trợ cấp ngân sách.

Kỷ cương phép nước được củng cố. Nhiều vụ phá rừng được nghiêm trị. Một số cán bộ vi phạm trên một số lĩnh vực đã được xử lý nghiêm.

“Chúng ta cũng hoan nghênh kết quả mà sẽ được thảo luận sau đây là việc Tổ công tác của Thủ tướng đã đi xuống một số bộ để kiểm tra thực tế việc tổ chức triển khai kết luận của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đạt ở mức độ nào, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm gì trong việc thực hiện giữa lời nói và việc làm”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết hôm qua (29/8), Thường trực Chính phủ đã bàn về việc cổ phần hóa Tổng Công ty Bia Sài Gòn (Sabeco), Tổng Công ty Bia Hà Nội (Habeco) cũng như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), những doanh nghiệp có lợi nhuận lớn, trong đó, đã quán triệt tinh thần theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch, đưa lên sàn chứng khoán, đấu giá quốc tế trong nước, công khai cả nhà đầu tư để chống tiêu cực, lợi ích nhóm. “Tôi nói như vậy để thấy rằng, chúng ta đã công khai, minh bạch một phần rất quan trọng để tạo niềm tin cho mọi nhà đầu tư trong nước và nước ngoài”.

Nhấn mạnh tinh thần “lời nói đi đôi với việc làm”, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận xem bộ máy có thực sự chuyển động, có hướng về người dân và doanh nghiệp, có tạo nên sự phát triển hay không?

“Cả hệ thống chúng ta phải có khát vọng chuyển biến tình hình, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân”, Thủ tướng bày tỏ.

Với tinh thần Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng yêu cầu phiên họp này tiếp tục dành thời gian cho công tác xây dựng thể chế, mà theo chương trình làm việc Chính phủ sẽ thảo luận 5 dự thảo luật, 1 nghị định, 1 pháp lệnh và một số văn bản quan trọng khác.

Thủ tướng yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, bảo đảm khả thi, hợp lý, thực sự là Chính phủ kiến tạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; phải đánh giá kỹ tác động của chính sách, tiếp thu ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Các quy định, chính sách phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, coi trọng chế tài xử lý vi phạm, thể hiện tính nghiêm minh, răn đe của luật pháp.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Khắc phục những khoảng trống, không làm rõ trách nhiệm

Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về dự thảo Nghị định về Quy chế làm việc của Chính phủ khóa mới. Đây là nghị định quan trọng, quy định tổng thể các công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định cụ thể trình tự, thủ tục, cách làm theo hướng xác định rõ trách nhiệm cải cách thủ tục hành chính.

“Có liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân chính là thông qua quy chế này”, Thủ tướng nêu rõ.

Từ đó, Văn phòng Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định này, trình Thủ tướng ký ban hành. Đây chính là nghị định khung để các bộ, ngành có bộ máy, chức năng, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng để điều hành phát triển đất nước, khắc phục sự giao thoa, khiếm khuyết, những khoảng trống, không làm rõ trách nhiệm.

Về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại các chỉ tiêu, kiểm điểm lại nghiêm túc việc triển khai các biện pháp phát triển, khắc phục các bất cập, để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu Quốc hội giao.

Cũng tại phiên họp này, Chính phủ sẽ nghe báo cáo chuyên đề do Bộ Tài chính trình về “Tình hình và giải pháp quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản công”, trong đó có các tài sản như công sở, xe công.

“Nhiều người dân nói chúng ta sử dụng còn lãng phí. Vậy giải pháp nào để quản lý tài sản công tốt nhất? Thế hiện nay các công sở sử dụng kém hiệu quả trên cả nước này thì cần biện pháp nào?”, Thủ tướng nêu vấn đề và mong muốn các đại biểu góp ý, đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, mang tính cách mạng để “người dân thấy rằng Chính phủ chúng ta sử dụng tài sản công hiệu quả nhất vì đây là mồ hôi công sức của nhân dân”.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016 dự kiến diễn ra trong 2 ngày rưỡi, từ 30/8 đến sáng 1/9, dành 1 ngày rưỡi để bàn về xây dựng thể chế và 1 ngày bàn về kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2016.

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top