Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 10 năm 2017 | 6:58

Thủ tướng: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002-2017 diễn ra chiều nay (16/10) tại Hà Nội.

Hội nghị đã lắng nghe tham luận của các địa phương, các tổ chức đoàn thể, hộ sản xuất..., từ đó, đưa ra cái nhìn tổng quát nhất về chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt là tín dụng gắn với người nghèo.

Toàn cảnh hội nghị.

Trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn

Cùng tham dự có Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH, ông Dương Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc NHCSXH cùng lãnh đạo của các Hội đoàn thể chính trị - xã hội và lãnh đạo 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Trong báo cáo tổng kết 15 năm hoạt động của NHCSXH, ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc NHCSXH nhấn mạnh: “Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác, được sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, NHCSXH là tổ chức được giao nhiệm vụ thực thi tín dụng chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, đến ngày 30/9/2017, tổng nguồn vốn đạt trên 179.000 tỷ đồng, tăng trên 172.000 tỷ đồng, gấp hơn 25 lần so với khi thành lập. Trong đó: Ngân sách Nhà nước cấp vốn điều lệ và cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng đạt 27.762 tỷ đồng, chiếm 15,6% tổng nguồn vốn; NHCSXH huy động trên thị trường, vay Ngân hàng Nhà nước, nhận tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng Nhà nước và phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đạt 129.775 tỷ đồng, chiếm 72,5%/tổng nguồn vốn. Nguồn vốn địa phương ủy thác cho vay đạt 8.485 tỷ đồng, chiếm 4,7% tổng nguồn vốn.

Từ 03 chương trình tín dụng nhận bàn giao đến nay tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước uỷ thác cho NHCSXH thực hiện. Đến 30/9/2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 169.036 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,2%, với trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ là 13.944 tỷ đồng, với gần 457 nghìn đối tượng đang dư nợ.

Trong 15 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới... Đã có trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH; góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, gần 528 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, trên 11 nghìn căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; trên 112 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài...

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25% cuối năm 2015.

Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách cũng không ngừng được củng cố và nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống NHCSXH đã giảm từ 13,75% tại thời điểm nhận bàn giao xuống còn 0,81% tại thời điểm 30/9/2017 (trong đó, nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,39%).

Tổng giám đốc cũng cho biết thêm: Sau 03 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, có tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và hoạt động của NHCSXH.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Phát biểu kết luận và chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, những kết quả mà NHCSXH đạt được trong 15 năm qua có nhiều ý nghĩa trong công cuộc xoá đói giảm nghèo của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương khi ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí của các chính sách tín dụng xã hội, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho chi nhánh ngân hàng chính sách hoạt động.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là những chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước nhằm không để ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện chủ trương quan trọng này, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó hỗ trợ tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách thông qua NHCSXH luôn được coi là một công cụ kinh tế hữu hiệu trong công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Suốt chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển, NHCSXH luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt trọng trách được giao, nhất là hỗ trợ tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội; đã tập trung các nguồn lực cho vay hơn 31,8 triệu lượt người nghèo, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo; đóng góp thiết thực vào mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Đồng thời, những kết quả này đã góp phần tích cực vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện nay”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động Hạng Nhất cho Ngân hàng Chính sách xã hội. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động của NHCSXH phải thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, bất cập hiện nay để tiếp tục công việc "nặng nhọc và ngày càng khó khăn" của mình.

Chính sách tín dụng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhằm bảo đảm công bằng, bình đẳng cho xã hội. Chính vì vậy, cán bộ làm tín dụng, hệ thống tín dụng, chính sách nhất thiết phải gần dân, sát dân, phải nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để đáp ứng tốt hơn, phù hợp với nhu cầu của người vay vốn.

"NHCSXH và hệ thống các chi nhánh cần phải tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay, thu nợ, bảo đảm giảm thiểu rủi ro và để các hộ nghèo, cận nghèo cùng các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới" - Thủ tướng lưu ý.

Các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp tăng cường nguồn lực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo, đối tượng chính sách; điều chỉnh chính sách tín dụng, mức cho vay phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu cơ bản của người nghèo và đối tượng chính sách khác. 

Thực hiện chủ trương xã hội hoá nguồn vốn tín dụng, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức hội, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước... cần chung tay tạo lập nguồn vốn cho người nghèo và có chính sách cho vay vốn ưu đãi, ổn định đời sống cho người dân, góp phần vào mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo bền vững.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tới tập thể cán bộ, viên chức và người lao động của NH CSXH nhằm biểu dương, tôn vinh những thành tích xuất sắc mà Ngân hàng đã đạt được những năm qua. Ngoài ra, 20 tập thể và 9 cá nhân triển khai có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyễn Tố

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top