Sáng 24/8 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng và đại diện bộ, ngành, các địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây bất ổn xã hội. Thời gian qua có nhiều điểm nóng môi trường ở nhiều khu vực, tình trạng ô nhiễm môi trường bùng phát là do đã tích tụ từ lâu, trong nhiều năm, sau nhiều năm phát triển. Ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất đai ngày càng nghiêm trọng, nhất là các khu cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông khu đô thị, ngay cả khu vực nông thôn. Thủ tướng lo ngại tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra trên diện rộng chứ không chỉ trong một lĩnh vực. Trong khi đó, đã xảy ra nhiều nhiều vụ khiếu kiện đông người về môi trường diễn ra gay gắt ở nhiều nơi, xuất hiện nhiều điểm nóng môi trường, mà nếu không kịp thời xử lý, giải quyết sẽ gây mất an ninh trật tự.
Trước thực trạng đó, Thủ tướng cho rằng, cần phải thay đổi tư duy phát triển, theo hướng tăng trưởng kinh tế gắn phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và nhất là kiên quyết không vì lợi ích trước mắt mà làm tổn hại môi trường, bảo vệ lợi ích và cuộc sống bình yên của người dân.
Cho biết thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xử lý tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhưng Thủ tướng cũng cho rằng, do nhiều nguyên nhân, thực trạng quản lý môi trường vẫn còn yếu kém, chưa có giải pháp tập trung ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là các địa phương, là cơ quan trực tiếp cấp phép các dự án đầu tư và quản lý các lưu vực sông.
Thủ tướng đề nghị nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong quản lý Nhà nước để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường |
Do vậy, tại hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thẳng thắn nhìn vào thực tế tình trạng ô nhiễm môi trường, nhằm nhận thức rõ hơn, có cách làm phù hợp hơn, xử lý bước đầu tình trạng ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là nhìn nhận về những hạn chế, yếu kém trong quản lý Nhà nước để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo đó, phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan cấp phép, đặc biệt là vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương cùng trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Cho rằng đây là một bộ máy đồ sộ về quản lý môi trường, Thủ tướng nhấn mạnh cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường; người đứng đầu các cơ quan phải có sự phân công trách nhiệm rõ hơn chứ không phải tình trạng cha chung không ai khóc.
Thủ tướng cũng nêu lên thách thức, khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường, khi Việt Nam là nước đang phát triển, có nhiều vấn đề đặt ra về kinh phí, công nghệ, tìm ra nguyên tắc kết hợp giữa vấn đề môi trường với phát triển sao cho phù hợp nhất. Do đó, cần bàn những giải pháp trước mắt và lâu dài, đặc biệt là quan điểm xử lý những vấn đề môi trường đặt ra. Và dù giải pháp nào thì Thủ tướng cũng lưu ý, phải thực hiện tốt Luật Bảo vệ Môi trường và bảo vệ đời sống của người dân.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm nước ta có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; có 615 cụm công nghiệp, trong đó chỉ khoảng 5% số này có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong hơn 500.000 cơ sở sản xuất đang hoạt động thì có nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu. Ngoài ra, có 787 đô thị với 3 triệu mét khối nước thải/ngày đêm, nhưng hầu hết chưa được xử lý. Bên cạnh đó, với 43 triệu mô tô và trên 2 triệu ô tô đang lưu hành, cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.
Lo ngại hơn, mỗi năm cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp và hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại.
Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng chuyển đổi đất rừng, khai thác khoáng sản, xây dựng thủy điện, khai thác tài nguyên đa dạng sinh học, đã dẫn đến thu hẹp diện tích các hệ sinh thái tự nhiên, chia cắt các sinh cảnh, suy giảm đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, mặc dù các doanh nghiệp FDI đang đóng góp 70% tốc độ tăng trưởng của nước ta, nhưng các doanh nghiệp này đang có xu hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường, như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu… Một số dự án FDI vi phạm pháp luật ô nhiễm môi trường như Công ty Vedan, Miwon, Formosa, khói bụi ô nhiễm của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Men…/.