Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 6 năm 2017 | 8:50

Thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Belarus

Nhận lời mời của Tổng thống Belarus, ông A. Lukashenko, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Belarus từ ngày 26-28/6.

Đây là chuyến thăm chính thức Belarus đầu tiên của Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ sau Đại hội XII.

Chuyến thăm Belarus lần này của Chủ tịch nước nhằm góp phần tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, củng cố và tăng cường mối quan hệ với các nước bạn bè truyền thống.

thuc day quan he huu nghi truyen thong viet nam belarus hinh 1
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân

Ngày 24/1/1992, Việt Nam và Belarus đã ký Hiệp định về thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Tuy nhiên, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã có từ lâu đời.

Trải qua nhiều thập kỷ với những thăng trầm của lịch sử, quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa Việt Nam và Belarus đã luôn được Nhà nước, Chính phủ và nhân dân hai nước vun đắp và phát triển, đem lại nhiều thành quả trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh....

Mối quan hệ tốt đẹp này được khẳng định trong lĩnh vực chính trị-ngoại giao với việc hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao Nhà nước, Chính phủ và các đoàn của các Bộ, ngành và địa phương.

Gấn đây nhất, vào tháng 11/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Belarus. Tháng 12/2015, Tổng thống Belarus Lukashenko thăm chính thức Việt Nam.

Trước đó vào tháng 5/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và tháng 5/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm Belarus. Và tháng 11/2011, Thủ tướng Belarus cũng đã thăm Việt Nam.

Cùng với đó, hai bên duy trì phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế như: Liên Hợp quốc và Phong trào Không liên kết, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia của mỗi nước, cùng nhau phấn đấu vì một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Belarus ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2016 - 2018, Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2017-2021.

Cùng với hợp tác về chính trị, lĩnh vực kinh tế-thương mại cũng được hai nước đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, kim ngạch thương mai hai chiều luôn tăng cao.

Nếu như năm 2006, kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt hơn 49 triệu USD, đến năm 2016 đã đạt gần 95 triệu USD. Trong đó, Việt Nam xuất sang Belarus thủy hải sản, đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, gạo, cao su tự nhiên, hạt điều, lạc, hạt tiêu, chè, rau quả đóng hộp, dược phẩm, máy tính....

Việt Nam nhập khẩu từ Belarus chủ yếu là phân bón, máy móc, thiết bị, linh kiện phụ tùng ô-tô, máy kéo, ô tô tải, hóa chất...

Để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - Belarus về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật được thành lập và duy trì họp thường niên. Gần đây nhất, khóa họp 12 đã diễn ra tại Belarus từ ngày 26-27/10/2015.

Ngày 15/12/2014, tại Việt Nam dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã tổ chức Lễ tuyên bố về việc kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Hải quan gồm Nga, Belarus, Kazakhstan.

Tháng 5/2015, Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do tại Kazakhstan.

Việt Nam và các nước Liên minh Kinh tế Á - Âu đã phê chuẩn Hiệp định, Hiệp định có hiệu lực từ 5/10/2016.

Bên cạnh đó, hợp tác trong an ninh quốc phòng, giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ, hợp tác lao động luôn được hai nước quan tâm, thúc đẩy.

Về giáo dục-đào tạo, Belarus đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao.

Hiện nay, khoảng 70 sinh viên Việt Nam đang theo học ở Belarus. Hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước được duy trì và phát triển, các tổ chức khoa học và công nghệ hai nước hợp tác chặt chẽ, nhiều dự án đã được triển khai và có kết quả tốt. Ủy ban hợp tác về khoa học và kỹ thuật Việt Nam-Belarus đã tiến hành được 8 khóa họp.

Trong đó, hợp tác lao động là hướng hợp tác mới triển vọng giữa hai nước. Các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng với công ty xây dựng của Belarus đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại công trình xây dựng khu thể thao giải trí tại thủ đô Minsk.

Đồng thời hai bên đã ký Hiệp định liên Chính phủ về làm việc có thời hạn của công dân hai nước trên lãnh thổ của nhau ký 29/11/2011 có hiệu lực từ 6/6/2013.

Cộng đồng Việt Nam ở Belarus có khoảng 600 người được chính quyền tạo điều kiện tương đối thuận lợi trong học tập, cư trú và kinh doanh theo pháp luật sở tại.

Tháng 12/2006, Tổng thống A. Lukashenko cho phép những công dân Việt Nam đã lao động, học tập tại Belarus trước năm 1992 được định cư hợp pháp, lâu dài.

Đồng thời hai bên đều thành lập Hội hữu nghị đoàn kết. Thông qua Hội hữu nghị của mỗi bên, sự hiểu biết, chia sẻ giữa nhân dân hai nước ngày càng củng cố và phát triển.

Chuyến thăm Belarus lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhằm khẳng định coi trọng việc phát triển và củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với Belarus, tăng cường quan hệ chính trị tốt đẹp, tạo nền tảng mở rộng và làm sâu sắc quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực./.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top