Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 30 tháng 8 năm 2019 | 13:20

Thực hiện Chỉ thị số 40: Hà Nội đứng đầu cả nước về nguồn vốn ủy thác

Hà Nội là một trong số ít địa phương mà công tác lãnh đạo, triển khai Chỉ thị số 40 đúng nguyên tắc do Ban Thường vụ Thành ủy trực tiếp ban hành Chỉ thị.

Đó là đánh giá của Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh tại Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40 trên địa bàn TP. Hà Nội.

Là địa phương đứng đầu trong cả nước về nguồn vốn ngân sách ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), song, sau 05 năm triển khai, Hà Nội tiếp tục có bước đột phá khi các cấp chỉ đạo tổ chức thực hiện từ các quận, huyện, xã nhận thức sâu sắc được vai trò tín dụng chính sách xã hội.

Nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH vì thế không chỉ tăng mạnh từ cơ chế đặc thù của thành phố mà còn có sự chung tay của 100% quận, huyện để hỗ trợ người dân trên chính địa bàn của mình.

1.JPG
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh phát biểu tại Hội nghị

 Bước đột phá từ tầm nhìn


“Hà Nội là một trong số ít địa phương mà công tác lãnh đạo, triển khai Chỉ thị số 40 đúng nguyên tắc do Ban Thường vụ Thành ủy trực tiếp ban hành Chỉ thị”, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh cho biết qua các đợt khảo sát tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Cũng chính hướng đi đúng sau 05 năm triển khai Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chuyển đổi mạnh mẽ về nhận thức, thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội và đẩy lùi “tín dụng đen” trên địa bàn.

Chuyển thể sâu sắc của thành phố có thể nhìn thấy rõ qua các quyết sách như UBND quyết định về việc giao dự toán ngân sách địa phương hàng năm ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác hàng năm. Lãi thu từ nguồn ngân sách Thành phố ủy thác qua NHCSXH cũng được phân bổ trở lại cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay. Nguồn vốn ngân sách Thành phố còn được bổ sung từ nguồn dự phòng rủi ro và phí quản lý.

Đặc biệt, để đột phá “lõi nghèo” và thực hiện mục tiêu phát triển của thành phố, UBND thành phố đã bố trí ngân sách ủy thác sang NHCSXH thành phố để triển khai thực hiện một số chương trình tín dụng chính sách theo cơ chế đặc thù riêng của địa phương như: Cho vay phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020, cho vay giải quyết việc làm đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Hỗ trợ cho hộ nghèo làm nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg; Hỗ trợ chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn TP. Hà Nội.

Hà Nội cũng trở thành địa phương duy nhất trong cả nước có 100% quận, huyện, thị xã đều quan tâm chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Trong đó, nhiều đơn vị đã dành nguốn vốn lớn vốn như: Quận Cầu Giấy 47,9 tỷ đồng; Nam Từ Liêm 47 tỷ đồng; Hà Đông 39,7 tỷ đồng; Thanh Xuân 30,3 tỷ đồng; Hoàng Mai 27,1 tỷ đồng; Hai Bà Trưng 26,6 tỷ đồng; Ba Đình 24,1 tỷ đồng; Đống Đa 20,6 tỷ đồng; Bắc Từ Liêm 14,1 tỷ đồng; Long Biên 14 tỷ đồng; Tây Hồ 12 tỷ đồng. UBMTTQ các cấp không chỉ phát huy vai trò tuyên truyền, giám sát thực hiện chính sách mà còn huy động các nguồn lực khác để đưa qua NHCSXH ủy thác cho vay đạt 15 tỷ đồng.

05 năm qua, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương là 2.903 tỷ đồng, tăng 1.805 tỷ đồng (+164%) so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 36% tổng nguồn vốn. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách Thành phố đã lên tới là 2.505 tỷ đồng, tăng 1.514 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với trước giai đoạn khi có Chỉ thị; nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách quận, huyện, thị xã là 383 tỷ đồng, tăng 290 tỷ đồng.

Với việc triển khai hiệu quả của NHCSXH trong việc phối hợp cùng chính quyền xã và các hội, đoàn thể, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương hiện đang cho vay gần 81 nghìn khách hàng với dư nợ cho vay đến 30/6/2019 đạt 2.817 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 36% tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH Thành phố. Trong 05 năm qua, thông qua nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương, NHCSXH Thành phố đã giải ngân cho trên 134 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, thu hút, tạo việc làm ổn định cho trên 147 nghìn lao động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 3.906 căn nhà cho hộ nghèo.

 

Bức tranh tín dụng với nhiều gam màu sáng


Chia sẻ một trong những kinh nghiệm đưa Chỉ thị số 40 thực sự đi vào cuộc sống, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH TP. Hà Nội Nguyễn Hồng Dân nhấn mạnh phải phát huy hiệu lực, hiệu quả, phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan và nhanh chóng triển khai sâu rộng tới cơ sở. Ví như sự vào cuộc của Sở LĐTB&XH cùng chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể và các đơn vị dạy nghề, trong 05 năm qua đã giúp 116 nghìn lao động nông thôn được đào tạo nghề. Đồng thời, giới thiệu và tạo việc làm cho 100 nghìn các đối tượng sau đào tạo nghề có việc làm thu nhập ổn định, chiếm tỷ lệ 86% tổng số lao động được đào tạo.

quyetsachdotpha1.jpg
Ảnh minh họa. 


Một kinh nghiệm khác được Phó chủ tịch Hội LHPN TP. Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương nhấn mạnh: “Cấp ủy, chính quyền địa phương ở nơi nào quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tốt Chỉ thị số 40 thì nơi đó tín dụng chính sách xã hội được triển khai có hiệu quả, đạt được kết quả tích cực về mọi mặt, qua đó, góp phần giúp địa phương thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội”.

Như ở xã Chương Dương (huyện Thường Tín), sau Chỉ thị 40, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã rõ nét từ tuyên truyền đến việc chủ động rà soát các hộ dân trên địa bàn để kịp thời bổ sung vào danh sách đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo mới phát sinh, đảm bảo họ được quan tâm giúp đỡ, được hưởng đầy đủ các quyền lợi khi vay vốn tín dụng chính sách để tổ chức sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững.

“Xác định khâu bình xét cho vay tại cơ sở là khâu quan trọng nhất để đảm bảo an toàn, hiệu quả của vốn tín dụng chính sách, UBND xã đã chỉ đạo việc bình xét phải được thực hiện một cách dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch có sự giám sát của cấp ủy, MTTQ cũng như mọi người dân trên địa bàn từng thôn”, Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Chương Dương Huỳnh Ngọc Huệ cho biết. UBND xã đã tổ chức 40 lớp tập huấn kỹ thuật, 14 lớp đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ gắn với hoạt động cho vay vốn. Trong vòng 30 ngày sau khi giải ngân, các chị em hội, đoàn thể vừa kiểm tra hộ gia đình sử dụng vốn vừa tư vấn, góp ý trao đổi với các hộ vay về việc sử dụng vốn, cách thức đầu tư làm ăn.

Kết quả là từ khi thực hiện Chỉ thị đến nay, trên địa bàn xã đã thực hiện cho vay được 962 lượt hộ, với số tiền là gần 23 tỷ đồng, trong đó 239 lượt hộ nghèo, cận nghèo; 23 lượt hộ trang trải học phí cho HSSV đi học; 340 lượt lao động được vay vốn để giải quyết việc làm; 43 lượt hộ nghèo vay để xây, sửa nhà... Những hiệu ứng từ tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao chất lượng sống nhân dân, đưa Chương Dương chính thức được công nhận nông thôn mới đầu 2017.

Ở quy mô cấp huyện, lại càng cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của việc triển khai tốt Chỉ thị số 40. Theo Phó chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám thì phải gắn việc thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội với việc thực hiện các chương trình, đề án trọng điểm của huyện. Hàng năm, HĐND, UBND huyện đều kịp thời bố trí nguồn vốn từ ngân sách huyện chuyển sang để NHCSXH tăng thêm nguồn vốn vay. Tính đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH huyện đạt 8,6 tỷ đồng, chiếm 2,5% tổng nguồn vốn cho vay, trước năm 2014 chưa thực hiện được việc bố trí nguồn vốn của huyện.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền huyện và sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp, sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40 doanh số cho vay đạt 654 tỷ đồng, với trên 21.800 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn toàn huyện đã được vay vốn; trong đó có 1.954 lượt hộ nghèo, 3.367 lượt hộ cận nghèo được vay vốn tạo điều kiện để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống; với trên 7.250 lao động tạo được việc làm; hơn 1.526 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; đầu tư xây dựng trên 13.000 công trình NS&VSMTNT; trợ giúp 292 hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố, thoát khỏi cảnh nhà tạm bợ...

9.JPG

Nhân dịp này, các cá nhân, tập thể cũng đã được nhận danh hiệu khen thưởng của Thành ủy Hà Nội và NHCSXH. 


Đến 30/6/2019, tổng dư nợ nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 346,9 tỷ đồng, tăng 58,2% so với năm 2014, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,02% tổng dư nợ; 22/24 xã, thị trấn không có nợ quá hạn đạt. Nền tảng kinh tế của huyện được bồi đắp vững thêm từ tín dụng chính sách đưa Đông Anh đạt huyện đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2016, trở thành huyện thứ 2 của Hà Nội, thứ 7 trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Đây cũng là nền tảng tạo đà cho huyện triển khai thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận và các xã, thị trấn thành phường trong tương lại không xa.

Tựu chung lại nhiều “điểm sáng” như xã Chương Dương hay huyện Đông Anh tạo nên một bức tranh tín dụng trên toàn thành phố đầy màu sắc ấm áp sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40. Tổng doanh số cho vay của Thành phố từ cuối năm 2014 đến nay đạt 13.226 tỷ đồng với hơn 487 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Nguồn vốn cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vay của hộ nghèo, trong đó, nguồn vốn tập trung nhiều cho các xã vùng khó khăn, những nơi còn nhiều hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội.


Dư nợ cho vay đến 30/6/2019 đạt 7.913 tỷ đồng, tăng 3.192 tỷ đồng so với năm 2014 với trên 289 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 0,16% cuối năm 2014 xuống còn 0,05% thời điểm cuối tháng 6/2019.

Nguồn vốn giải ngân qua NHCSXH thành phố sau 05 năm đã giúp cho trên 487 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, trong đó có gần 170 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, góp phần giúp cho 57 nghìn hộ thoát khỏi ngưỡng nghèo; cho vay gần 170 nghìn lượt khách hàng vay vốn GQVL, góp phần thu hút, tạo việc làm cho trên 186 nghìn lao động; giúp cho trên 17 nghìn lượt HSSV được vay vốn học tập, cho vay xây dựng mới và cải tạo gần 250 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây mới, sửa chữa cải tạo 3.906 căn nhà cho hộ nghèo.

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của Thành phố, hiện nay, đã có 4/18 huyện, thị xã và 325/386 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt kế hoạch trước 02 năm so với mục tiêu đề ra, đồng thời, góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, đẩy lùi “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, thay đổi nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả hơn, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

“Đảng ta đã chọn đúng và trúng khi triển khai thực hiện tín dụng chính sách. Đây là một chương trình mang đậm tính nhân văn và càng thêm sâu sắc với sự chỉ đạo lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị - xã hội”, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tâm đắc.

Chính vì vậy, Hà Nội tiếp tục đặt quyết tâm thực hiện có hiệu quả hơn nữa những chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 40. Đặc biệt, tiếp tục tập trung mọi nguồn lực ngân sách cho NHCSXH thông qua hoạt động ủy thác các hội, đoàn thể; kiểm tra, giám sát những khó khăn người dân để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Đồng thời chủ động gắn kết các chương trình dự án đầu tư các mô hình kinh tế về nông nghiệp công nghiệp; đặc biệt phát huy tối đa tiềm năng lợi thế các làng nghề truyền thống để tạo việc làm, thoát nghèo.

“Hà Nội luôn coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng mang tính nhân văn sâu sắc phù hợp với thực tiễn của thành phố. Sau khi sáp nhập Hà Nội có 30 quận, huyện; 584 xã, phường, thị trấn; trong đó 18 quận huyện và 386 xã, phường có tỷ lệ hộ nghèo cao và không đồng đều. Vì vậy, Thành ủy nhận thức sâu sắc việc triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40 góp phần quan trọng trong thực hiện các chủ trương, chính sách, các mục tiêu nhiệm vụ mà Đảng bộ đã đề ra; đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khẳng định./.


Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top