Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 9 tháng 6 năm 2022 | 9:9

Thực hiện Dự án cao tốc Bắc – Nam, Hà Tĩnh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua Hà Tĩnh được xác định là dự án trọng tâm, cấp bách. Trước yêu cầu đặt ra, Hà Tĩnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có quy mô lớn, là dự án trọng tâm, cấp bách, được quan tâm chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực thực hiện. Đoạn Bãi Vọt - thị xã Kỳ Anh có chiều dài  gần 103 km. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án, trong đó yêu cầu phải hoàn thành bàn giao 70% diện tích mặt bằng trước ngày 20/11/2022 và hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ Dự án vào quý II năm 2023. Để đảm bảo tiến độ triển khai dự án theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh, trọng tâm là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
1-thứ-trưởng-bộ-gtvt-lê-đình-thọ-kiểm-tra-một-số-vị-trí-đang-gặp-khó-khăn-vướng-mắc-liên-quan-đến-hướng-tuyến-của-dự-án-thành-phần-hàm-nghi-vũng-áng.jpg
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ kiểm tra một số vị trí đang gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến hướng tuyến của dự án thành phần Hàm Nghi - Vũng Áng - Ảnh Báo Hà Tĩnh

 

Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về mục tiêu đầu tư dự án, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để người dân hiểu rõ và nhận thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong phối hợp triển khai Dự án. Quán triệt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng với tinh thần trách nhiệm cao nhất; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai thực hiện Dự án.
 
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ triển khai Dự án; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả với các ban quản lý dự án trong công tác cắm mốc giải phóng mặt bằng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương có tuyến cao tốc đi qua chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn diện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng tiến độ phục vụ Dự án. Chủ động đề ra các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, không để xảy ra điểm nóng trong quá trình thực hiện Dự án, giữ vững tình hình ổn định trên địa bàn.
 
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành về quy hoạch, xây dựng, quản lý đất đai; khẩn trương quy hoạch, bố trí tái định cư, triển khai thủ tục xây dựng các khu tái định cư, thu hồi đất, lập và trình duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đúng quy định. Quản lý chặt chẽ phạm vi giải phóng mặt bằng, không để xảy ra tình trạng xây dựng, cơi nới dưới mọi hình thức để đòi đền bù khi giải phóng mặt bằng. Thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch thông tin về Dự án. Thường xuyên tổ chức đối thoại, kịp thời giải quyết các kiến nghị, khiếu nại liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định. Các huyện, thành phố, thị xã, các xã, phường có tuyến cao tốc đi qua phải thành lập ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban; ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thành lập tổ giải quyết khiếu nại, tố cáo do đồng chí Phó chủ tịch ủy ban nhân dân phụ trách lĩnh vực tài nguyên môi trường làm tổ trưởng.
 
Khẩn trương khảo sát, cấp phép, khai thác các mỏ khoáng sản đảm bảo các quy định để cung cấp vật liệu xây dựng phục vụ Dự án. Tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh thủ tục cấp hoặc gia hạn giấy phép khai thác mỏ vật liệu cho các nhà đầu tư, các nhà thầu thi công dự án. Thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, hỗ trợ bình ổn giá, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng đầu cơ trục lợi, tăng giá bất hợp lý trên địa bàn tỉnh.
 
Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương với các cơ quan chức năng của các Bộ, Ban, ngành Trung ương trong quá trình triển khai Dự án. Kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp, tham mưu giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Dự án. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong giám sát và phối hợp với các cơ quan nhà nước phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức tốt việc lấy ý kiến Nhân dân theo quy định của Luật đầu tư công, đảm bảo kịp thời, khách quan. Tổ chức lực lượng tình nguyện hỗ trợ các hộ gia đình thực sự khó khăn trong việc di dời, tái định cư thực hiện Dự án.
 
Quá trình tổ chức thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tiến độ cụ thể, gắn với trách nhiệm các Sở, Ban, ngành, địa phương để thực hiện hiệu quả Chỉ thị; Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp có trách nhiệm tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và xây dựng chương trình, kế hoạch, đề ra các giải pháp cụ thể thực hiện Chỉ thị phù hợp với từng địa phương, cơ quan, đơn vị; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị, chỉ đạo các cơ quan báo chí thường xuyên tuyên truyền các nội dung về triển khai thực hiện Dự án.
 
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Dự án; Đảng ủy Công an tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thực hiện Dự án; Ban Thường vụ các huyện, thành, thị ủy tại các địa phương có đường cao tốc đi qua chỉ đạo thực hiện và báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này trong chương trình họp của các cấp ủy định kỳ; Các Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tại các địa phương, cơ sở có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo đúng tiến độ đề ra; Các ban đảng, Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm theo dõi, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
hà-tĩnh-huy-động-cả-hệ-thống-chính-trị-vào-cuộc-để-hoàn-thành-các-phần-việc-nhất-là-công-tác-bàn-giao-mặt-bằng-cho-chủ-đầu-tư-khởi-công-dự-án-đúng-tiến-độ-mà-chính-phủ-đ.jpg
Hà Tĩnh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để hoàn thành các phần việc, nhất là công tác bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư khởi công dự án đúng tiến độ -Ảnh Báo Hà Tĩnh

 

Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua Hà Tĩnh gồm có 3 đoạn với tổng chiều dài khoảng 102,5 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 20.230 tỷ đồng, đi qua địa bàn 6 huyện, thị xã: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh.
Cụ thể, đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi có chiều dài khoảng 34,5 km, tổng mức đầu tư 7.403 tỷ đồng, đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng có chiều dài khoảng 55 km, tổng mức đầu tư 10.185 tỷ đồng, do Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, còn đoạn Vũng Áng – Bùng, trong đó đoạn qua Hà Tĩnh dài 13 km, tổng mức đầu tư 2.642 tỷ đồng, do Ban QLDA 6 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
 
Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Tĩnh, tính đến hết ngày 3/6, Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 6 chủ đầu tư 3 dự án nói trên đã bàn giao mốc thực địa GPMB cho hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 6 huyện, thị xã có tuyến cao tốc đi qua được 94,28/102,44 km, đạt 92,3%.
 
Trong số 6 địa phương, các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh đã nhận bàn giao 100% mốc thực địa GPMB dự án. 2 địa phương còn lại, huyện Thạch Hà tiếp nhận 12,61/18,27 km (đạt 69%), huyện Cẩm Xuyên tiếp nhận 24,53/27,03 km (đạt 90,75%).
Căn cứ vào cọc mốc thực địa GPMB mà chủ đầu tư đã bàn giao, 6 huyện, thị xã đang thực hiện công tác kiểm kê, kiểm đếm diện tích đất, công trình, kiến trúc nằm trong phạm vi dự án. Theo đó, huyện Đức Thọ đã thực hiện kiểm đếm tài sản, kiến trúc, cây cối của 26 hộ dân với diện tích 4.790 m2; đất nông nghiệp 226 hộ, diện tích 17,73 ha và 3 ngôi mộ; huyện Can Lộc kiểm đếm được 234 hộ bị ảnh hưởng đất nông nghiệp, diện tích 114.245 m2, phần đất ở, đất khác đang triển khai thực hiện.
 
Huyện Thạch Hà, đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi đã kiểm đếm đất nông nghiệp 96 hộ, diện tích 832.000 m2, các loại đất khác chưa thực hiện; đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng kiểm đếm được đất ở của 9 hộ, diện tích 2.531 m2, đất nông nghiệp của 380 hộ, diện tích 360.111 m2; huyện Cẩm Xuyên kiểm đếm đất ở của 128 hộ, diện tích 28,44 ha, 2 nhà thờ 400m2 và 39 ngôi mộ, còn đất nông nghiệp đang triển khai thực hiện; huyện Kỳ Anh, đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng đã nhận đủ 20,74 km mốc GPMB, hiện đang thực hiện trích lục bản đồ địa chính; đoạn Vũng Áng – Bùng đã kiểm đếm đất ở 1 hộ, đất nông nghiệp 45 hộ, đất rừng 53 hộ và 2 ngôi mộ; thị xã Kỳ Anh đã kiểm đếm đạt 100% với đất ở 14 hộ, đất nông nghiệp 35 hộ, đất rừng 80 hộ và 3 ngôi mộ.
 
 
Xuân Hoàng
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top