Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 3 năm 2020 | 15:7

Thương mại điện tử thời Covid-19: Xử lý nghiêm đối tượng lừa đảo

Trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số đối tượng đã “lợi dụng thời cơ” rao bán những mặt hàng phòng chống dịch bệnh online. Tuy nhiên, khi người mua nhận hàng thì mới biết mình bị lừa.

tr9.jpg
Đối tượng Lê Thị Liên đang khai báo với cơ quan công an.

 

“Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới”

Không phải đến bây giờ các thủ đoạn lừa đảo trên mạng mới xảy ra, mà nó đã được các cơ quan chức năng cảnh báo, nhiều đối tượng đã bị bắt, nhưng vẫn có  nhiều người bị “sập bẫy” do quá tin tưởng vào những lời “ngon ngọt”.

Chị Nguyễn Hồng V., nhà ở Ngọc Thụy (quận Long Biên - Hà Nội) cho biết: Xem trên các phương tiện thông tin đại chúng, thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên 100 nước và vùng lãnh thổ, gia đình rất lo lắng nên đã tìm mua khẩu trang y tế để sử dụng. Tuy nhiên, để mua được khẩu trang thì vô cùng khó khăn.

Xem trên facebook có trang fanpage “Khẩu trang 3M VogMask Việt Nam” bán khẩu trang 3M với giá 360.000 đồng/hộp, thấy có vẻ tin tưởng nên em đã để lại lời nhắn muốn mua để sử dụng. Phản hồi  đề nghị của em, họ yêu cầu em chuyển 30% tổng số tiền qua một ngân hàng, sau đó sẽ cho chuyển hàng đến tận địa chỉ của em.

Sau khi em đã chuyển tiền theo đúng số tiền đặt cọc vào tài khoản mà họ yêu cầu, đồng thời cho địa chỉ nhận hàng cùng số điện thoại để tiện liên hệ, vài giờ sau em có nhận được điện thoại của một nhân viên ship hàng thông báo hàng đã được chuyển đến, sau khi giao tiền về nhà giở gói khẩu trang đã được bọc “rất kỹ” ra, em  phát hiện khẩu trang mình đặt mua không phải là 3M mà là khẩu trang vải.

Tương tự như chị V., có nhiều người  “khóc dở, mếu dở” khi đặt mua khẩu trang, tiền đã trao nhưng hàng nhận được lại không đúng chủng loại, thậm chí không nhận được hàng.

Chị Kiều Thị B. ở Thạch Thất (Hà Nội) chia sẻ, em là người chuyên làm công việc từ thiện. Khi thấy nhiều người có hoàn cảnh khó khăn không có khẩu trang đeo để phòng dịch bệnh Covid-19, em mua qua mạng 5 thùng khẩu trang y tế sử dụng 1 lần để tặng họ. Thỏa thuận xong, em được người bán yêu cầu chuyển tiền đặt cọc trước vào một tài khoản do họ cung cấp, sau đó họ sẽ cho chuyển hàng đến đúng địa chỉ của em.

“Sau khi chuyển tiền qua tài khoản, em chờ mãi không nhận được hàng, liên hệ qua số điện thoại trước đó thì không thể liên lạc được, số tiền hơn 4 triệu của em coi như mất trắng”, chị B. chia sẻ.

Nhiều đối tượng đã bị bắt

Chiều 22/2/2020, thông tin từ Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết, đơn vị này vừa bắt giữ Lê Thị Lan Na (19 tuổi, ngụ xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) để điều tra hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cuối tháng 1 vừa qua, chị Nguyễn Thị H. (ngụ thành phố Hà Nội) đến Công an huyện Nghi Lộc trình báo: Trong thời gian làm việc tại địa bàn huyện này, chị H. thấy một phụ nữ rao bán khẩu trang y tế trên mạng với giá rẻ hơn giá thị trường nên đặt mua 5 thùng để sử dụng và làm từ thiện. Sau khi thỏa thuận, người này đề nghị chị H. chuyển tiền đặt cọc 4,6 triệu đồng. Chị H. đồng ý và chuyển khoản. Tuy nhiên, sau đó, người bán khóa tài khoản Facebook, không chuyển khẩu trang như cam kết.

Qua điều tra, Công an huyện Nghi Lộc xác định nghi phạm là Lê Thị Lan Na nên phối hợp với Công an huyện Nghĩa Đàn tiến hành bắt giữ.

Ngày 18/2, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Thanh Hóa đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Lê Thị Liên (SN 1992, trú tại xã Thọ Tân, huyện Triệu Sơn) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Thanh Hóa nhận được tin báo của người dân về việc bị một đối tượng lừa bán khẩu trang y tế trên mạng xã hội Facebook, chiếm đoạt gần 600 triệu đồng. Tiến hành điều tra, cơ quan chức năng xác định, Lê Thị Liên chính là đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Gần đây, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Bắc (SN 1989; trú tại TT Mậu A, Văn Yên, Yên Bái) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt 350 triệu tiền mua khẩu trang.

Cụ thể, ngày 9/2, Công an quận Cầu Giấy nhận được tin trình báo của chị T. (trú tại Nghĩa Tân, Cầu Giấy) về việc bị một đối tượng lừa đảo mua bán khẩu trang qua mạng xã hội Facebook. Ngay sau đó, Chỉ huy Công an quận Cầu Giấy đã chỉ đạo các lực lượng khẩn trương xác minh, truy tìm đối tượng gây án.

 

Sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, chotot… đã xử lý trên 30.000 gian hàng kinh doanh khẩu trang y tế, nước rửa tay khô với gần 48.000 sản phẩm vi phạm. Như vậy, cứ hơn 7 người bán thì có 1 người bán lợi dụng tình hình để tăng giá bất thường các mặt hàng cấp thiết trong mùa dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), các sàn thương mại điện tử đã phối hợp tích cực với Cục Thương mại điện tử rà soát và thông báo đến các gian hàng trên mạng về “việc không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá các sản phẩm hàng hóa phục vụ phòng dịch, gây mất ổn định thị trường”, đồng thời gỡ bỏ các sản phẩm tăng giá bất thường.

Các sàn đã rà soát tổng số 223.597 gian hàng và hơn một triệu mặt hàng, sản phẩm và xử lý trên 30.000 gian hàng với gần 48.000 sản phẩm vi phạm.

 

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an quận Cầu Giấy xác định Nguyễn Văn Bắc (SN 1989; trú tại TT Mậu A, Văn Yên, Yên Bái) là đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị T.. Ngày 11/2, Công an quận Cầu Giấy đã bắt giữ Nguyễn Văn Bắc khi đối tượng đang lẩn trốn tại khu vực đường Hoàng Tăng Bí, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm.

Cảnh báo về tội phạm công nghệ cao

Hình thức thanh toán qua mạng hiện nay vẫn còn tồn tại nguy cơ rủi ro, gian lận với một số phương thức, thủ đoạn của tội phạm có ứng dụng công nghệ cao như: Phishing để lấy thông tin nhằm chiếm đoạt tiền trên tài khoản của khách hàng; cài đặt phần mềm, mã độc lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng khi khách hàng giao dịch thanh toán, mua sắm trực tuyến, lắp đặt thiết bị để sao chép, trộm cắp dữ liệu thẻ ngân hàng (thiết bị skimming) tại các ATM nhằm lấy cắp thông tin thẻ và mã PIN; mua, thuê người hoặc sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản để nhận, chuyển tiền lừa đảo, cá độ trực tuyến, rửa tiền…; cung cấp dịch vụ, chấp nhận thanh toán thẻ tại các cửa hàng phục vụ khách du lịch nước ngoài trái quy định (sử dụng POS, QR Code của ngân hàng nước ngoài để thanh toán tại Việt Nam);...

Từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều ngân hàng phát đi các cảnh báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.

Ngoài ra, hacker còn lợi dụng cung cấp thông tin liên quan đến Covid-19. Các nội dung lừa đảo được gửi qua e-mail, tin nhắn dù có tiêu đề và nội dung liên quan đến dịch bệnh Covid-19 nhưng sau đó yêu cầu người dùng nhấn vào đường link đính kèm trong e-mail. Khi truy cập vào đường link hoặc đơn giản chỉ cần nhấp chuột mở e-mail, tin nhắn là thiết bị của người dùng có khả năng cao bị mã độc thâm nhập và đánh cắp thông tin cá nhân. Đối tượng lừa đảo cũng có thể gọi điện thoại để lừa “gây quỹ” cho các nạn nhân của dịch bệnh, thậm chí có thể sử dụng các ứng dụng giả mạo giọng nói của chủ tài khoản, người thân để thực hiện hành vi như yêu cầu chuyển tiền, cung cấp mã PIN, chuyển tài liệu mật.

Đối tượng lừa đảo cũng yêu cầu người dùng đăng nhập tài khoản bằng các thông tin cá nhân/cung cấp các thông tin cá nhân liên quan đến tài khoản, mã PIN để chiếm đoạt quyền truy cập tài khoản và tiền trên tài khoản của khách hàng.

“Do những đường link này có thể chứa virus hoặc là trang giả mạo nên nếu lỡ bấm vào link, tuyệt đối không đăng nhập tài khoản ngân hàng trên các link này, chỉ đăng nhập bằng cách tự nhập tên website ngân hàng hoặc vào các trang mà mình đã tự lưu trước đó”,  một ngân hàng khuyến cáo.

Cần xử lý nghiêm đối tượng lừa đảo

Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hải Chi (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, sự việc những cá nhân nêu trên khi đặt mua khẩu trang y tế qua tài khoản Facebook, sau khi chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho đối tượng thì không được giao hàng và đối tượng tắt máy, xóa hoặc chặn tài khoản Facebook, có dấu hiệu phạm tội, theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử, tại Điều 4 quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động thuơng mại điện tử (điểm 3, khoản a):  Thực hiện các hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử.

Theo quy định của pháp luật, hành vi phạm tội của đối tượng đã cấu thành Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 290, Bộ luật Hình sự.

“Để có căn cứ xử lý, người dùng Facebook cần thu thập các chứng cứ chứng minh bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền như chụp lại Facebook, các tin nhắn giao dịch, thỏa thuận mua bán, sao kê tài khoản ngân hàng đã chuyển tiền cho tài khoản đối tượng. Sau đó, người dùng Facebook làm đơn tố cáo đối tượng gửi đến các cơ quan chức năng”, luật sư Thắng nói.

Trong khi cả nước đang ra sức thực hiện các biện pháp ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh Covid-19, việc một số đối tượng lợi dụng thời điểm  này để trục lợi, lừa đảo là hành vi vô nhân đạo, rất cần phải được các cơ quan pháp luật điều tra, xử lý nghiêm minh. 

 

 

Tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm… của từng trường hợp cụ thể, hành vi lừa đảo qua mạng có thể được xử lý theo một trong các quy định sau:

  1. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội:

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, đối với cá nhân có hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.

  1. Xử lý theo quy định của pháp luật hình sự:

Trong trường hợp hành vi vi phạm có đủ điều kiện cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, tùy thuộc vào hành vi, mức độ vi phạm cụ thể, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm/phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tối đa phạt tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.


 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top