Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 18 tháng 12 năm 2017 | 2:14

Năng suất lao động: Chìa khóa của tăng trưởng

Năng suất lao động của Việt Nam đang thuộc hàng thấp nhất trong khu vực. Tuy nhiên, nếu so sánh năng suất lao động cụ thể của từng lao động thì người Việt không thua kém, thậm chí trong nhiều lĩnh vực tay nghề còn trội hơn. Điều này cho thấy, để thúc đẩy tăng năng suất lao động, ngoài việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động thì những vấn đề liên quan khác cũng cần được quan tâm.

Máy thu hoạch bắp, lúa (2 trong 1) được Cơ khí PhanTấn (Tháp Mười - Đồng Tháp) chế tạo thành công. Ảnh: Hồng Ly.

Bài 1: Vừa yếu, vừa thiếu

Mới đây, tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 2017, con số đưa ra khiến không ít người ngậm ngùi, đó là: năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Phillipines và bằng 87,4% của Lào. Điều này đã phản ánh đúng thực trạng yếu kém và bất cập mà chúng ta đang phải đối diện trong việc tăng năng suất lao động ở hầu hết mọi lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp.

Chỉ bằng 7% của Singapore

TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 92,1 triệu đồng/lao động (tương đương 4.118 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 5,9% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm.

Theo nhận định của ông Lâm, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, dù có cải thiện nhưng năng suất lao động Việt Nam vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Phillipines và bằng 87,4% của Lào. Đáng chú ý, theo ông Lâm, chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.

Về cơ cấu lao động, theo thống kê, số lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đang chiếm gần 68% với gần 40 triệu người; còn lao động phi chính thức lên đến hơn 58% tổng số lao động của Việt Nam. Năng suất lao động bình quân trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt thấp nhất với 33 triệu đồng/lao động; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 112 triệu đồng/lao động; khu vực dịch vụ đạt 103,5 triệu đồng/lao động.

Thủ tướng chỉ rõ: Ngành nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng năng suất thấp, tái cơ cấu nền kinh tế thời gian tới cần tập trung ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung tại phiên họp thứ 9 của ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào tháng 4/2017, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năng suất lao động phụ thuộc vào 3 yếu tố: lao động, vốn, và các nhân tố tổng hợp như: khoa học công nghệ công tác quản lý, quản trị… Năng suất hiện nay là 7,9 triệu đồng/lao động. Theo giá hiện hành năm 2016, ước tính 8,4 triệu đồng/lao động, tăng 5,31% so với năm 2015.

Bộ trưởng cho biết có các nguyên nhân cơ bản kìm hãm năng suất lao động. Đầu tiên là chất lượng nguồn lao động của chúng ta thấp. Trong các nghị quyết của Đảng, báo cáo của Quốc hội đều cho thấy chất lượng giáo dục thấp, chất lượng dạy nghề thấp, chất lượng đào tạo tại vùng đồng bào thiểu số còn khó khăn. Bên cạnh đó, lực lượng lao động phân bố không đều, tập trung vào nơi lao động năng suất thấp, chủ yếu là nông nghiệp, hơn 97%. Năng suất lao động của ngành kinh tế còn thấp, trong khi nông nghiệp chỉ bằng 1/3 công nghiệp, công nghiệp chỉ bằng 1/4 dịch vụ.

Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời mất cân đối giữa cung và cầu lao động, ứng dụng khoa học công nghệ chậm so với thế giới 10-20 năm. Do đó, Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp phải dành tỉ lệ nhất định đầu tư khoa học công nghệ, thay đổi cách thức làm việc từ truyền thống sang hiện đại.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB (Ngân hàng phát triển Châu Á) tại Việt Nam, khẳng định: “Ở Việt Nam, nông nghiệp vẫn là động lực quan trọng của tăng trưởng, giảm nghèo, an ninh lương thực và xuất khẩu kể từ khi chính phủ bắt đầu cải cách lĩnh vực này vào cuối thập niên 1980. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước sức ép cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng và năng suất lao động trong nước thấp, tăng trưởng của khu vực này đã chậm lại, chỉ khoảng 2%/năm kể từ năm 2011”.

Về số doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp, đây là nguồn lực quan trọng để phát triển, phân phối sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, nhưng theo thống kê của Ban Kinh tế trung ương, số doanh nghiệp nông nghiệp hiện giảm xuống chỉ còn 3.600. Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra 2 vấn đề của liên kết chuỗi trong nông nghiệp Việt Nam, bao gồm: không hợp tác mà tìm cách “chơi nhau” và sự đàng hoàng trong hợp đồng, thỏa thuận kinh tế giữa doanh nghiệp và nông dân hay bị xóa bỏ.

Đâu là nguyên nhân?

Ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp và còn khoảng cách xa so với các nước trong khu vực ASEAN.

Thứ nhất, cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong khu vực nông nghiệp còn lớn, trong khi năng suất lao động ngành nông nghiệp thấp.

Cụ thể, năm 2017, vẫn còn tới 21,7 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm trên 40% lao động của cả nước), trong khi năng suất của khu vực này chỉ bằng 38,5% mức chung của nền kinh tế; bằng 30,2% năng suất khu vực công nghiệp, xây dựng và bằng 31,3% các ngành dịch vụ.

“Nếu tính theo số giờ thực tế làm việc bình quân, năng suất lao động khu vực này cũng cải thiện không đáng kể, chỉ bằng 43,8% mức năng suất lao động chung; bằng 38,3% khu vực công nghiệp, xây dựng và bằng 37,6% năng suất của khu vực dịch vụ”, ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, khu vực nông thôn đang có sự chuyển dịch lao động từ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản sang các ngành phi nông, lâm nghiệp, thủy sản nhưng thực tế lao động di chuyển ra khỏi ngành nông nghiệp chủ yếu lại chuyển sang làm trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất thấp, hay các ngành dịch vụ có thu nhập thấp.

Ngoài ra, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn hạn chế, chưa tác động tăng năng suất nội ngành.

Như vậy, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản hiện có tới 40,3% lao động của cả nước nhưng khu vực này mới chỉ tạo ra 15,5% GDP. Đây có thể xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho năng suất lao động của Việt Nam thấp.

Thứ hai, chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động còn thấp. Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, đến cuối năm 2016, chỉ có 20,6% lao động cả nước đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, trong đó khu vực nông thôn chỉ có 12,8%. Cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo còn bất hợp lý, thiếu hụt nhân lực là kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao.

“Tình trạng thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ hoặc không phù hợp giữa công việc và trình độ đào tạo còn khá phổ biến. Việc khai thác, sử dụng lao động đã làm việc và học tập ở nước ngoài trở về nước còn nhiều hạn chế”, ông Lâm nói.

Thứ ba, khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng năng suất lao động của nền kinh tế. Qua tính toán từ kết quả điều tra doanh nghiệp cho thấy, năm 2014 năng suất lao động khu vực doanh nghiệp (giá hiện hành) gấp 3,8 lần mức của toàn nền kinh tế, nhưng tốc độ tăng lại thấp hơn.

Ngoài ra, ông Lâm cũng cho biết một số yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua như: Xuất phát điểm của nền kinh tế thấp; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập; tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp; còn một số “điểm nghẽn” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính…

Cũng tại VDF 2017, sau khi lắng nghe nhiều báo cáo của nhiều chuyên gia về thực trạng năng suất lao động, hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khá lo lắng về tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua.

Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ nền kinh tế Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, chất lượng tăng trưởng chậm, năng suất lao động chưa cao. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng bằng vốn, lao động giản đơn trong khi việc đổi mới công nghệ, cải tiến quản lý, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn hạn chế.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng: Nâng cao năng suất đang là thách thức lớn với Việt Nam, chúng ta có nhiều tiềm năng, dư địa nhưng chưa tận dụng được, trong khi các nhiệm vụ cần phải giải quyết ngày càng nhiều, trước hết là phân bổ hiệu quả sử dụng nguồn lực, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

“Việt Nam cần sự hỗ trợ, sự tham vấn của các đối tác phát triển, cộng đồng DN tìm ra giải pháp chính sách phù hợp trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0) đang lan tỏa nhanh chóng. Nhìn tổng thể, cải thiện năng suất không chỉ là nâng cao năng suất người lao động, mà còn là năng suất vốn, TFP. Cải thiện năng suất là nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Cải cách năng suất đi liền với xây dựng tiền lương, tiền công theo thị trường, tăng tiền lương cần theo năng suất lao động”.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, hiện Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do song và đa phương thế hệ mới (FTA và FTAs), điều này mở ra cho chúng ta nhiều thị trường rộng lớn cho đầu tư, cho thương mại hàng hoá. Tuy nhiên, đây cũng là sức ép để Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh và năng suất của DN.

Nguyễn Tố

Bài 2: Tăng năng suất lao động là tăng trưởng kinh tế

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top