Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, Thường trực Ban Bí thư cho rằng cuộc vận động dùng hàng Việt cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực.
Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 2/8, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng đại diện một số bộ, ngành, cơ quan trung ương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh cách đây 10 năm Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng, sản xuất nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu.
Cuộc vận động đã được sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp, ngành công thương, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp đã chú trọng cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý, tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học-công nghệ trong sản phẩm, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý.
Nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam, thực sự chinh phục được người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tới một số nước trên thế giới. Những kết quả đó đã góp phần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây, bảo đảm cân đối cung-cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, thiếu hàng vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ.
Theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động, với nỗ lực của hệ thống chính trị các cấp, Cuộc vận động đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt tỷ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây. Nền kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu (năm 2010 Việt Nam nhập siêu 12,5 tỷ USD; năm 2018 Việt Nam xuất siêu gần 7,2 tỷ USD).
Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học-công nghệ trong sản phẩm, như tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày chiếm khoảng 40-50%.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ghi nhận, đánh giá cao Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp đã tích cực, chủ động quán triệt, vận động các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động, góp phần phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; sản xuất ra nhiều hàng Việt có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền về Cuộc vận động đã được đẩy mạnh, nhất là trên hệ thống báo chí cả nước với nội dung phong phú, đổi mới, hình thức hấp dẫn, qua đó nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân về Cuộc vận động trong bối cảnh mới, quan tâm giới thiệu hàng Việt Nam với đông đảo người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp, người sản xuất đã đề cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng; chú trọng ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; coi trọng quảng bá sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng. Nhiều thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao chiếm thị phần khá lớn trong hệ thống phân phối.
Tuy nhiên, theo Thường trực Ban Bí thư, việc triển khai Cuộc vận động vẫn còn nhiều hạn chế và gặp khó khăn, thách thức. Cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước ngày càng phức tạp hơn, nhất là khi thực hiện theo các thỏa thuận, hiệp định đa phương, song phương mà Việt Nam đã ký kết. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức, tạo sức ép cạnh tranh lớn về sản xuất, thương mại.
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và nhân dân. Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, yêu cầu cao hơn đối với hàng hóa Việt về quy chuẩn, chất lượng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, Thường trục Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng trong thời gian tới Cuộc vận động cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực hơn nữa.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, để người tiêu dùng trong nước tin và yêu thích dùng hàng Việt, đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh các doanh nghiệp, người sản xuất cần không ngừng đổi mới, triệt để ứng dụng khoa học-công nghệ; khơi dậy bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh; chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt, phấn đấu hàng hóa Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, an toàn, chất lượng cao, giá thành hạ, tính cạnh tranh lớn, chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước, thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, việc tổng kết, nhìn lại kết quả 10 năm qua trong thực hiện Cuộc vận động là hết sức cần thiết, từ đó rút ra những kinh nghiệm, bài học, xác định chính xác mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới để Cuộc vận động ngày càng được triển khai rộng rãi, thiết thực.
Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định và các văn bản chỉ đạo điều hành để tổ chức thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Cuộc vận động là động lực, yêu cầu khách quan để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích mọi loại hình doanh nghiệp; mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt.
Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới các cấp, ngành, doanh nghiệp cần chung tay tập trung thực hiện các giải pháp xúc tiến thương mại trong nước, lành mạnh hóa mạng lưới phân phối, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa phù hợp với cam kết quốc tế nhằm từng bước kiểm soát nhập khẩu và trật tự thị trường. Đặc biệt, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi mua bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu trái phép...
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Tại Hội nghị các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận, đưa ra các đề xuất, giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh, đối phó với thách thức, khó khăn khi Việt Nam đã chính thức tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới; triển khai hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường, liên kết, hợp tác đầu tư;
Giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các vi phạm; bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng...
Nhân dịp này 82 tập thể, 147 cá nhân đã được khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động trong những năm qua./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.