Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 4 năm 2020 | 14:50

Thường trực Chính phủ họp về chương trình mục tiêu dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Cả nước có hơn 14,1 triệu người dân tộc thiểu số, chiếm 14,7% dân số cả nước. Mặc dù kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển mạnh trong những năm qua nhưng vẫn là vùng khó khăn nhất cả nước.

Sáng nay (24/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và báo cáo về việc hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng về danh mục doanh nghiệp thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, hiện cả nước có hơn 14,1 triệu người dân tộc thiểu số, chiếm 14,7% dân số cả nước. Mặc dù kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển mạnh trong những năm qua nhưng vẫn là vùng khó khăn nhất cả nước. Thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực.

Theo báo cáo đề xuất của Ủy ban Dân tộc trình, Chương trình thực hiện đối với các xã, thôn có thể lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên, theo 2 giai đoạn. Tổng vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 là khoảng 204.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 là hơn 210.500 tỷ đồng, gồm nhiều nguồn như ngân sách Trung ương, địa phương, vốn tín dụng chính sách, các nguồn lực khác. Mục tiêu đến năm 2025 là giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số hằng năm trên 3%, tăng thu nhập hộ gia đình dân tộc thiểu số gấp trên 2 lần so với năm 2019 và đến năm 2030, tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%. Ủy ban Dân tộc đề xuất 10 dự án thuộc một số lĩnh vực khác nhau.

Ủy ban Dân tộc cho rằng, bên cạnh việc bố trí đủ, kịp thời nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, cần quan tâm bố trí vốn tín dụng chính sách xã hội cho vay theo dự án quy mô vừa và nhỏ, tạo sinh kế cho người dân theo phương châm “vừa cho cần câu, vừa cho cá” tiến tới “chỉ cho cần câu, phải tự câu cá”.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các ý kiến tại cuộc họp, việc đề xuất thực hiện Chương trình là cần thiết; cho rằng một số bộ liên quan phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc để rà soát nội dung các chương trình, bảo đảm không trùng lắp, bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Đánh giá cao Ủy ban Dân tộc đã chuẩn bị công phu, trách nhiệm, Thủ tướng cho rằng, đây là một trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia lớn, thể tình cảm, trách nhiệm đối với đồng bào dân tộc thiểu số, để đồng bào có đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn. Ủy ban Dân tộc tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, hoàn thiện thiện hồ sơ, báo cáo về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình này, lấy ý kiến của Chính phủ để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thủ tướng nêu rõ yêu cầu không trùng lặp với 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, “tận dụng được những nguồn vồn khác nhau để phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì càng quý”, chứ không chỉ dựa vào ngân sách. Chương trình cần bám sát mục tiêu, nội dung trong Nghị quyết 88 của Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Thủ tướng nhất trí nội dung Chương trình nên tập trung vào hỗ trợ sinh kế, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, “cho cần câu là chính nhưng cũng cho con cá trong một số trường hợp”. Đối với các công trình kết cấu hạ tầng khác như điện, đường, trường, trạm… cần rà soát kỹ, chỉ đầu tư những công trình thực sự cần thiết mà chưa được đầu tư trước đây. Chương trình cần nghiên cứu đưa vào các giải pháp cụ thể hơn để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Chương trình cũng cần căn cứ vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội các vùng theo quy hoạch để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Chương trình nên có cơ chế đặc thù, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả.         

Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về việc hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng về danh mục doanh nghiệp thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 thay thế Quyết định 1232/QĐ-TTg.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng đề nghị rà soát, tính toán chặt chẽ việc thoái vốn trong một số lĩnh vực; nhấn mạnh tinh thần công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực.   

Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top