Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 7 năm 2017 | 1:44

Tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn

Tích tụ, tập trung ruộng đất là điều kiện để phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là phải nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp (giữa) Nguyễn Văn Công tại buổi Tọa đàm.

Tọa đàm về “Tích tụ, tập trung đất đai, phục vụ phát triển nông nghiệp sản xuất lớn, công nghệ cao” vừa diễn ra tại Đồng Tháp.

Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp trực tiếp thuê đất tăng quy mô sản xuất và san phẳng mặt ruộng phù hợp với quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Cường (huyện Tam Nông) đã thực hiện 70 ha, Hợp tác xã nông nghiệp Đức Huệ (huyện Tháp Mười) thuê đất sản xuất tại huyện Tháp Mười là 100ha và 400ha ở huyện Tam Nông.

Tỉnh cũng đang nghiên cứu triển khai thực hiện Đề án Thành lập Công ty trong Hợp tác xã. Đây là cơ sở để thực hiện có hiệu quả việc tích tụ ruộng đất. Thông qua hoạt động của công ty, các thành viên hợp tác xã, người nông dân sẽ góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc công ty sẽ thuê đất của nông dân để sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó là mô hình tích tụ ruộng đất từ việc các thành viên trong hộ gia đình, dòng tộc giao đất lại cho thành viên có nhu cầu và điều kiện sản xuất. Những người giao đất sẽ chuyển sang ngành nghề khác. Như hộ ông Nguyễn Văn Khanh (xã Phú Cường, huyện Tam Nông) tích tụ được 120ha để trồng lúa.

Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ hoạt động của hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực điều hành, vận động thành viên sản xuất cùng một loại giống, cùng quy trình trên cùng một diện tích theo yêu cầu của doanh nghiệp. Đây cũng có thể xem là một hình thức tích tụ ruộng đất.

Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, để tăng quy mô tích tụ đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp sản xuất lớn, công nghệ cao, cần sự thay đổi đầu tiên từ Trung ương, đó là thay đổi chính sách hạn điền, có quy định cụ thể về tích tụ đất đai để hạn chế tình trạng tự phát ở mỗi địa phương; quy định phù hợp về thời gian giao đất nhằm đảm bảo tính ổn định, lâu dài cho người thuê. Tích tụ đất đai không chỉ là vấn đề của ngành nông nghiệp, ngành kinh tế mà là vấn đề cả xã hội và an ninh quốc phòng. Việc tích tụ không nên nóng vội và áp đặt cho người dân mà phải tiến hành từng bước, tuyên truyền, vận động để nông dân tự quyết định.

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Văn Thạo cho rằng, việc tích tụ đất đai tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng như Đồng Tháp đã diễn ra nhiều năm, với quy mô khá lớn và đem lại hiệu quả tích cực. Tích tụ đất đai có 03 hình thức, đó là chuyển nhượng, cho thuê, đóng góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, tích tụ ruộng đất phải bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân, trong đó quan trọng nhất là lợi ích của nông dân.

Tích tụ, tập trung ruộng đất là điều kiện để phát triển nông nghiệp sản xuất lớn, công nghệ cao nhưng mục tiêu cuối cùng của nó là phải nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Và muốn làm được “cuộc cách mạng” trong nông nghiệp, cơ quan lãnh đạo, quản lý Nhà nước phải tâm chuyển đổi cơ cấu sản xuất để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích và quan tâm, hỗ trợ các hợp tác xã và thu hút doanh nghiệp vào đầu tư nông nghiệp – ông Thạo nhấn mạnh.

Nguyệt Ánh

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top