Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 11 năm 2021 | 21:44

Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá phát triển ĐBSCL

Chiều ngày 19/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Lắng nghe, ghi nhận các kiến nghị của cử tri, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, triển khai các giải pháp tạo đột phá phát triển cho đồng bằng sông Cửu Long, giải quyết các vấn đề trước mắt và lâu dài, đáp ứng mong mỏi của cử tri.

Cùng tham gia buổi tiếp xúc cử tri được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Tại buổi tiếp xúc, đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ đã báo cáo với cử tri về kết quả Kỳ họp và kết quả hoạt động của đoàn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV; tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri để xử lý theo thẩm quyền và tổng hợp, báo cáo, gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Các cử tri đánh giá cao những nỗ lực, giải pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19, nhất là trong đợt bùng phát dịch thứ 4 và sau đó, chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cử tri Nguyễn Quốc Hải, quận Ninh Kiều cho rằng, chủ trương thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đã rất rõ và được người dân đồng tình, ủng hộ. Những ngày qua, mặc dù số ca nhiễm mới có tăng ở một số nơi, song cử tri cho rằng chúng ta đã có thêm kinh nghiệm trong phòng chống dịch, cần bình tĩnh, kiên trì với các biện pháp thích hợp, linh hoạt, không áp dụng các biện pháp cực đoan, cát cứ gây ách tắc lưu thông hàng hoá.

Cử tri cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền để thống nhất nhận thức và hành động thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ. Cử tri đồng tình và kiến nghị thực hiện hiệu quả các giải pháp, chủ trương như mạnh dạn mở rộng điều trị F0 và cách ly F1 tại nhà; chú trọng điều trị các ca bệnh nặng, người cao tuổi, có bệnh nền; tăng cường nhân lực và các phương tiện cho y tế cơ sở; đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine, tiêm vaccine cho trẻ em…

Cử tri cũng cho rằng, cần khẩn trương hỗ trợ cho doanh nghiệp hồi sức và sản xuất an toàn, doanh nghiệp trở lại sản xuất có tính quyết định cho phục hồi kinh tế. Đồng thời, thúc đẩy các công trình, dự án đầu tư công nhằm kích cầu, tạo việc làm, thu nhập cho lao động.

Ông Bùi Quốc Anh, cử tri huyện Vĩnh Thạnh và bà Nguyễn Thị Ngọc Thu, cử tri quận Ninh Kiều cho biết nhân dân, cử tri rất phấn khởi khi dịch bệnh được kiểm soát, các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả và các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội kịp thời, an ninh quốc phòng được bảo đảm, công tác tiêm vaccine triển khai nhanh, riêng tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 cho người trên 18 tuổi tại Cần Thơ đã đạt hơn 96%, đây là con số rất có ý nghĩa.

Các cử tri nêu nhiều kiến nghị liên quan tới đời sống nhân dân như đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông ĐBSCL; khắc phục tình trạng sạt lở trên một số tuyến sông; chính sách hỗ trợ nông sản sạch, chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị hàng Việt, nâng cao thu nhập cho nông dân; hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; bình ổn giá vật tư nông nghiệp, tăng cường kiểm tra xử lý các sai phạm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả…

Các đại biểu tại điểm cầu Cần Thơ lắng nghe phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi tiếp xúc cử tri - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Tinh thần đại đoàn kết tỏa sáng trong những thời khắc khó khăn nhất

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các phát biểu hết sức trách nhiệm, tâm huyết, thẳng thắn, sát tình hình địa phương và đất nước, đi thẳng vào các vấn đề mà Chính phủ và thành phố có trách nhiệm giải quyết trong thời gian tới đây. Thủ tướng bày tỏ chia sẻ với cử tri về những khó khăn, vất vả, mất mát do dịch bệnh gây ra trên cả nước nói chung và tại Cần Thơ nói riêng.

Phân tích tình hình thế giới và đất nước thời gian qua, Thủ tướng nêu rõ, khi bắt đầu đợt bùng phát dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta nguy hiểm hơn nhiều so với chủng cũ, trong khi quy mô nền kinh tế  và năng lực hệ thống y tế đều có hạn, chưa có đủ vaccine và thuốc điều trị, chưa có nhiều kinh nghiệm, chúng ta buộc phải dùng các biện pháp hành chính nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh, từ đó ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội. Cũng trong thời gian qua, công tác bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống người dân được Đảng và Nhà nước rất quan tâm với 3 Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 15 nghị định, nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đến nay, nhờ sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, nhất là sự đồng lòng, nhất trí của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của nhà nước, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đã tỏa sáng trong những thời khắc khó khăn nhất của đất nước. Chúng ta cũng rút ra được các bài học kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện lý thuyết, phương châm phòng chống dịch với các trụ cột về cách ly, xét nghiệm, điều trị, trên cơ sở cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch, không hốt hoảng, lo sợ, cũng không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh.

Sau hơn 1 tháng triển khai, Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, phù hợp, đang được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực thực hiện, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc rõ rệt.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta không có lựa chọn hoàn hảo, chỉ có lựa chọn tối ưu. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh một số giải pháp như đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm vaccine trên toàn quốc; chủ động chuẩn bị thuốc điều trị; tập trung tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở, triển khai trạm y tế lưu động tại những nơi dịch diễn biến phức tạp.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ triển khai các giải pháp theo hướng sử dụng đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, điều hành một cách nghệ thuật và khoa học giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cùng với các biện pháp phi tài chính về xây dựng, hoàn thiện thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả đầu tư công, tập trung cho tuyến cao tốc Bắc – Nam…

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, triển khai các giải pháp tạo đột phá phát triển cho ĐBSCL về hạ tầng giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp hàng hóa… trên cơ sở phát huy các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng và các địa phương. 

 

Các cử tri phát biểu, nêu nhiều kiến nghị với Thủ tướng và các đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Tìm giải pháp hiệu quả để đáp ứng mong mỏi của cử tri

Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời những nhóm vấn đề cụ thể đáp ứng mong mỏi của cử tri. Theo đó, thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục phân bổ vaccine để triển khai tiêm bao phủ vaccine cho người dân tại Cần Thơ và các địa phương trên toàn quốc.

Về giá cả, cung cầu hàng hóa bị tác động bởi tình hình thế giới, nhất là giá xăng dầu, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa và phối hợp, tham mưu điều hành hiệu quả giá cả các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, bảo đảm các mục tiêu chung đã đề ra.

Trước kiến nghị của cử tri về tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP bổ sung nhiều quy định. Thủ tướng giao các Bộ ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai một số giải pháp tiêu thụ nông sản như tăng cường hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn, phối hợp với các địa phương để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường; đẩy mạnh kết nối cung cầu trực tuyến, mở rộng các điểm cầu kết nối trực tuyến quốc tế, thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030”… Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm rất tích cực và sẽ tiếp tục cố gắng hơn, cùng với chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng cho biết.

 

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, triển khai các giải pháp tạo đột phá phát triển cho ĐBSCL - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Về cơ chế quản lý, có giải pháp, chính sách hỗ trợ nông sản sạch, xây dựng thương hiệu nông sản sạch, chất lượng cao, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và nhiều chính sách khác như Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 về thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19… Thời gian tới, Chính phủ và các bộ ngành sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện để các cơ chế, chính sách tiếp tục đi vào cuộc sống.

Về vấn đề sạt lở trên các tuyến sông, Thủ tướng cho biết đây là trăn trở của Chính phủ, Thủ tướng qua nhiều thời kỳ. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu tổng thể để tháo gỡ về mặt thể chế, nguồn lực, có giải pháp căn cơ hơn trong tổng thể ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL.

Thủ tướng cũng cho biết đã chỉ đạo Bộ Công Thương đang rà soát các giấy phép xuất khẩu gạo theo hướng chống tiêu cực, cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm uy tín, chất lượng sản phẩm gạo của Việt Nam.

Bên cạnh các ý kiến được trả lời trực tiếp, Thủ tướng sẽ trả lời các ý kiến khác bằng văn bản để gửi đến cử tri./.

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top