Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 13 tháng 5 năm 2018 | 21:29

Tiếp xúc cử tri, Thủ tướng giải đáp nhiều băn khoăn

Sáng 13/5, tại Trung tâm Chính trị-Hành chính quận Hồng Bàng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Đại biểu cử tri quận Hồng Bàng bày tỏ phấn khởi về kết quả kinh tế-xã hội đạt được của cả nước và TP. Hải Phòng thời gian qua, đồng thời cũng bày tỏ một số băn khoăn về việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; khó thu hồi tài sản tham nhũng; vấn đề cải cách giáo dục còn nhiều bất cập, nhất là các kỳ thi chuyển cấp; việc chậm triển khai đường cao tốc ven biển; nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Hải Phòng-Hà Nội-Lào Cai; vấn đề thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; vấn đề năng suất lao động còn thấp; bất cập trong thu phí Quốc lộ 5; vấn đề mất an toàn giao thông; đề nghị sửa đổi một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương …

Về giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, cử tri Nguyễn Việt Hưng (phường Quán Toan) nêu vấn đề “việc thực hiện Luật Đầu tư công đã khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, nhưng lại nảy sinh bất cập mới, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Việc giải ngân vốn đầu tư có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng cần có những giải pháp quyết liệt để thúc đẩy đầu tư và giải ngân vốn đầu tư”.

Đồng tình với vấn đề cử tri nêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết việc giải ngân chậm trễ bởi hai lẽ, thứ nhất là thủ tục phức tạp và thứ hai là tinh thần trách nhiệm trong thực hiện còn thấp. Do đó, hiện tỷ lệ giải ngân mới đạt khoảng 20%.

Trước tình hình này ngày 20/4 vừa qua, Chính phủ đã tổ chức hội nghị toàn quốc để tháo gỡ vấn đề đặt ra trong xây dựng cơ bản, đưa ra nhiều nhóm giải pháp đối với từng bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ đang quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh.

 

Thủ tướng giải đáp ý kiến của cử tri. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Thủ tướng cũng thể hiện đồng tình với ý kiến của cử tri Tô Xuân Hồ về việc lãnh đạo các cấp, các đại biểu Quốc hội cần lắng những ý kiến trái chiều, thẳng thắn để nắm rõ bản chất của sự việc, vấn đề, từ đó đưa ra giải pháp tháo gỡ, xử lý kịp thời, phục vụ nhân dân được tốt hơn.

Nhân dịp này, trao đổi với Đảng ủy, chính quyền TP. Hải Phòng và quận Hồng Bàng, Thủ tướng yêu cầu phải gần dân, sát dân, lắng nghe kiến nghị để giải quyết các vấn đề nhân dân nêu ra, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và các cấp chính quyền. Trong đó phải chú trọng thúc đẩy Chính phủ điện tử ở Hải Phòng và quận Hồng Bàng, thúc đẩy các giao dịch trên nền tảng internet, rút ngắn hơn nữa thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân, nhất là khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới cũng nóng nhưng ở giữa còn lạnh”.

Cử tri Tô Xuân Hồ cũng nêu vấn đề thu phí Quốc lộ 5 không công bằng khi phí cả đoạn Hải Phòng-Hà Nội là 40.000 đồng, trong khi phí các đoạn ngắn hơn như Hải Dương đi Kinh Môn cũng 40.000 đồng; việc thu phí Quốc lộ 5 cũng cần xem xét lại khi mà người tham gia giao thông đã phải đóng phí bảo trì đường bộ. Ghi nhận ý kiến của cử tri, Thủ tướng cho biết sẽ giao Bộ Giao thông vận tải kiểm tra, xử lý để có mức phí hợp lý nhất.

Về việc xây dựng đường sắt tốc độ cao Hà Nội-Hải Phòng-Lào Cai để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía bắc mà cử tri Nguyễn Huy Ánh (phường Quang Trung) nêu, Thủ tướng nhấn mạnh đây là tuyến đường cần thiết và cần sớm triển khai nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế với phía nam của Trung Quốc và thúc đẩy phát triển hệ thống cảng ở Hải Phòng. Do đó, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo để nghiên cứu, sớm triển khai tuyến đường này.

Cũng về vấn đề hạ tầng, cử tri Lê Văn Bình (phường Hùng Vương) đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm tháo gỡ khó khăn, ưu tiên bố trí vốn cho dự án tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn TP. Hải Phòng để dự án sớm hoàn thành.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Thủ tướng cho biết ý tưởng xây dựng đường ven biển đã được ấp ủ từ lâu và đoạn qua TP. Hải Phòng, dài 29km, sẽ được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Ngày 4/5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 63 về đầu tư theo hình thức PPP với các cơ chế được xem là sẽ khơi thông dòng vốn tư nhân đầu tư cho kết cấu hạ tầng. Thủ tướng tin rằng, tại cuộc tiếp xúc lần tới, cử tri sẽ không còn băn khoăn các vướng mắc về dự án đường ven biển này nữa.

Đánh giá cao Đảng và Nhà nước quyết liệt phòng chống tham nhũng và đặc biệt việc xử lý không có vùng cấm, mang lại niềm tin cho nhân dân, nhưng cử tri Đồng Xuân Hiển (phường Hoàng Văn Thụ) bày tỏ, “việc thu hồi tài sản từ các vụ tham nhũng gặp khó khăn và còn hạn chế. Đề nghị Quốc hội khi xem xét sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng quy định toàn diện hơn, cụ thể hơn về biện pháp xử lý tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai tài sản, trách nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản; các khoản giao dịch có giá trị lớn; việc xử lý tài sản không rõ nguồn gốc; khai báo sai hoặc khai báo thiếu”.

Về vấn đề này, Thủ tướng cho biết Quốc hội lần này sẽ thảo luận về Luật Phòng chống tham nhũng. Luật này liên quan đến nhiều luật, thể chế khác, liên quan đến quyền con người, quyền công dân nên phải lấy ý kiến nhiều lần.

“Tôi lấy ví dụ những tài sản không kê khai, chưa kê khai kịp, chưa kê khai, thì có phải tài sản tham nhũng không? Đó chưa hẳn là tài sản tham nhũng nhưng cũng phải xử lý như thế nào, có nhiều người đề nghị tịch thu, có nhiều ý kiến nói phải đánh thuế 45% số tài sản này. Dù chưa phải là tài sản tham nhũng, nhưng tịch thu tài sản phải có tòa án. Chúng tôi đang tiếp thu các ý kiến này để sửa đổi toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng trình Quốc hội theo hướng cải cách”, Thủ tướng nói và nêu một số điểm sẽ được đưa vào dự thảo Luật sửa đổi sắp tới như việc cơ quan thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản; biện pháp kiểm soát thu nhập; thực hiện giải trình nguồn gốc thu nhập; bổ sung chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực, không chứng minh được nguồn gốc tài sản.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Về vấn đề năng suất lao động còn thấp, Thủ tướng cho rằng đây là điều Chính phủ đang nỗ lực khắc phục. “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số lần này phải được áp dụng mạnh mẽ ở mọi cấp mọi ngành. Tôi mong rằng quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng phải đi đầu trong việc này, từ y tế, giáo dục, quản lý dân cư, cho đến các lĩnh vực khác Việt Nam và Hải Phòng phải tiếp tục tiếp thu, áp dụng mạnh mẽ để năng suất lao động tốt hơn. Làm sao người dân ở nhà mà vẫn có thể kê khai tất cả các loại giấy tờ chứ không cần phải đến cơ quan, đến ủy ban phường, ủy ban quận, không phải đi đi lại lại mấy lần như trước đây”,  Thủ tướng yêu cầu.

 

 

 

Cũng trong buổi tiếp xúc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo với cử tri Hải Phòng về thành công của Hội nghị Trung ương 7 và những kết quả tích cực về  kinh tế- xã hội của đất nước.

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top