Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 7 tháng 3 năm 2021 | 20:31

Tiếp xúc cử tri, Thủ tướng nhớ lại một lần lỡ hẹn

Chiều 7/3, tiếp xúc cử tri Hải Phòng trước kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng nhớ lại câu chuyện một lần lỡ hẹn với bà con, cử tri Thành phố.

nqh-9454.jpg

Quang cảnh cuộc tiếp xúc cử tri TP. Hải Phòng của Đoàn ĐBQH Thành phố. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Nêu rõ trách nhiệm của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), nhất là trách nhiệm tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đây là cuộc tiếp xúc cử tri lần thứ 25 trong 5 năm qua.

Thủ tướng bày tỏ cảm ơn tình cảm mà Thành ủy, UBND, HĐND, MTTQ Thành phố, đặc biệt là nhân dân Thành phố đã dành cho đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng và cá nhân Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng nói: “Chúng tôi luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của ĐBQH mà nhân dân Thành phố giao phó” và cho rằng, đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng với ý thức trách nhiệm của mình, đã có nhiều hoạt động rất phong phú, xuất sắc, thực hiện đúng quy định pháp luật của người đại biểu nhân dân, nhất là việc “tất cả các ĐBQH chúng tôi đều tổ chức tiếp xúc cử tri một cách nghiêm túc”.

Nhớ lại câu chuyện một lần lỡ hẹn với cử tri Hải Phòng, Thủ tướng nói: “Buổi tối hôm đó, tôi đã xuống Hải Phòng để sáng ngày mai tiếp xúc cử tri thì xảy ra mưa lũ lớn, có khả năng vỡ đê sông Hoàng Long, Ninh Bình. Rạng sáng hôm sau, tôi đã rời Hải Phòng để về Ninh Bình, thị sát tình hình, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai, không để xảy ra tình trạng vỡ đê. Rất may trời dừng mưa, còn chỉ mấy phân nữa có thể gây vỡ đê Hoàng Long”.

“Lần đó, chúng tôi đã lỡ hẹn với bà con (cử tri Hải Phòng)”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh “cho nên tôi muốn nói ý thức trách nhiệm dù cán bộ cấp nào, khi được nhân dân bầu ra với tư cách là người đại biểu nhân dân thì phải thực hiện nghiêm túc pháp luật về lắng nghe tiếp xúc cử tri”.

Về thành quả của Hải Phòng trong 5 năm qua, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng trước quy mô kinh tế của Thành phố Cảng khi đầu nhiệm kỳ chỉ chiếm 3,5% GDP cả nước và cuối nhiệm kỳ, con số này là trên 5,3%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp 2 lần so với năm 2015. Đời sống nhân dân được nâng lên. Cơ sở hạ tầng có sự thay đổi rất lớn.

Thành phố Hải Phòng cũng làm tốt công tác phòng chống COVID-19, ngăn chặn mạnh mẽ 3 đợt dịch xuất hiện. Mới đây, có ca dương tính COVID-19 trên chuyến bay từ TPHCM đến sân bay Cát Bi, Thủ tướng đánh giá cao Hải Phòng đã có biện pháp thần tốc không để dịch lây lan ra cộng đồng.

 

Thủ tướng phát biểu với cử tri Hải Phòng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Nếu chủ quan sẽ trả giá trong phát triển

Nhấn mạnh thành quả của Hải Phòng rất đáng trân trọng, tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý không được chủ quan, không được dừng lại vì nếu chủ quan sẽ phải trả giá trong phát triển. Hải Phòng cần phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa, cao hơn nữa để thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, đưa các lĩnh vực của Thành phố có bước phát triển toàn diện hơn nữa, không được quan liêu, xa dân, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong phát triển.  

Cho biết sắp tới đây sẽ có dự án lớn, nhiều tỷ USD ở Hải Phòng, Thủ tướng nhấn mạnh Thành phố phát triển mạnh mẽ 3 trụ cột là: Kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao và du lịch, qua đó phát huy tối đa tiềm năng, xây dựng Hải Phòng là một thành phố cảng quan trọng, điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia và là trung tâm du lịch chất lượng cao tầm quốc tế. Phấn đấu là trung tâm giáo dục - đào tạo, kinh tế của vùng duyên hải Bắc Bộ; trọng điểm phát triển khoa học - công nghệ của cả nước; nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam kết hợp hài hòa với những giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại.

Xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, hiện đại, đáng sống, là “Thành phố gương mẫu của nước ta” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chú trọng bảo vệ môi trường đô thị, bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển bền vững. Tập trung giải quyết tốt các vấn đề về nhà ở đô thị; xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp, nhất là nhà ở cho công nhân.

Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Tuyệt đối không để các đối tượng lợi dụng tình hình gây mất an ninh trật tự. Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, tín dụng đen, xâm hại phụ nữ, trẻ em...

Nhắc lại việc chủ trì “Đối thoại 2045” với các doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu vào ngày 6/3 tại TPHCM, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đến 2045, còn một phần tư thế kỷ nữa, Hải Phòng phải phấn đấu mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu những thành tựu quan trọng của đất nước trong 5 năm qua. Quy mô nền kinh tế từ thứ hạng 55 thế giới vào đầu nhiệm kỳ đã tăng lên thứ 44 trong năm qua, đứng thứ 4 khu vực ASEAN. Vị thế, vai trò quốc tế của Việt Nam được nâng lên.

Không chỉ kiểm soát bội chi ngân sách dưới 4% như Quốc hội yêu cầu, tỷ lệ nợ công so với GDP được giảm xuống, ở mức khoảng 55%, trong khi quy mô nền kinh tế tăng lên. Đây chính là dưa địa để có thể tăng đầu tư phát triển đất nước. Nội lực của nền kinh tế tăng lên, trong đó dự trữ ngoại hối lớn nhất từ trước đến nay. Kim ngạch thương mại hai chiều đã ở mức 544 tỷ USD, năm 2020 xuất siêu đạt 20 tỷ USD. Cùng với đó, khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân tiếp tục được quan tâm. Đặc biệt nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của nhân dân trong vùng và cả nước.

Tại cuộc tiếp xúc, ông Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Thành phố đã báo cáo nội dung, chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH Thành phố toàn khóa XIV.

Theo đó, kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV dự kiến khai mạc vào ngày 24/3/2021, bế mạc vào ngày 7/4/2021.

Quốc hội sẽ nghe Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến tháng 3/2021; thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác, trong đó dự kiến sẽ kiện toàn một bước tổ chức bộ máy Nhà nước sau Đại hội Đảng lần thứ XIII.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Nhiệm kỳ qua, tính đến kỳ họp thứ 11, Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng đã tổ chức 165 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp với tổng số trên 20.000 cử tri tham dự, kịp thời tổng hợp gần 1.000 kiến nghị của cử tri gửi tới Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và Thành phố trên các lĩnh vực.

“Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Hải Phòng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, một thành viên quan trọng của Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng. Trong 5 năm qua, trong thành tựu đổi mới trong mỗi công trình, dự án trọng điểm của Thành phố được khởi công và khánh thành luôn ghi dấu ấn đậm nét về vai trò của đồng chí Thủ tướng Chính phủ, người luôn truyền cảm hứng, kiến tạo về khát vọng đổi mới, phát triển đối với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố và với mỗi ĐBQH TP. Hải Phòng”, ông Bùi Thanh Tùng nói và nhấn mạnh đó chính là động lực quan trọng để Hải Phòng tiếp tục vươn lên về mọi mặt sớm hoàn thành các mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI đã đề ra.

Đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều tăng trưởng cao, vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân 5 năm 2016-2020 đạt hơn 14%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 5.863 USD. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 408.498 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 120.698 tỷ đồng, gấp 2,65 lần giai đoạn 2011-2015.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, dịch vụ-du lịch đều có bước phát triển đột phá, điển hình như Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Tập đoàn LG có tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD, Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, hệ thống cáp treo Cát Hải - Cát Bà của Tập đoàn Sungroup.

Về tình hình kinh tế-xã hội 2 tháng đầu năm 2021, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng báo cáo các chỉ tiêu kinh tế hầu hết duy trì mức tăng trưởng cao. Sản lượng hàng hoá thông qua cảng ước đạt 23,53 triệu tấn, tăng 15,46% so với cùng kỳ. Tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 913 triệu USD, gấp 525% lần so với cùng kỳ năm 2020.

Thành phố đã có chủ trương và sẵn sàng nguồn lực để mua vaccine tiêm phòng dịch COVID-19 cho toàn bộ nhân dân Thành phố khi Chính phủ cho phép, ông Tùng nói.

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top