Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2019 | 0:0

Tin ĐBSCL: Xâm nhập mặn đến sớm và khốc liệt

Tuy mới vào đầu mùa khô nhưng nhiều tỉnh ở ĐBSCL đã bị nước mặn xâm nhập ở mức kỷ lục. Dự kiến trong mùa khô 2019 - 2020, lượng nước từ thượng nguồn đổ về sông Mê Công ở mức thấp kéo theo đó xâm nhập mặn cũng nghiêm trọng, diễn ra trên diện rộng.

bơm-nước-ngọt-từ-ngoài-kênh-vào-mương-vườn-dự-trữ-tưới-cho-cây-ảnh-ttxvn.jpg
 Bơm nước ngọt từ ngoài kênh vào mương vườn dự trữ tưới cho cây (Ảnh TTXVN).

 

Xâm nhập mặn lộng hành

Tại Trà Vinh, năm nay tỉnh này đang phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn khắc nghiệt nhất. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, từ tháng 12/2019 ranh giới mặn 4‰ phía sông Cổ Chiên có chiều dài ảnh hưởng trên 60km.

Tong khi đó, tại cống Cái Hóp độ mặn cao nhất đạt 8,7‰ (cùng kỳ thời gian năm 2018 là 0.0‰). Phía sông Hậu, chiều dài ảnh hưởng trên 60km, tại Vàm Bông Bót độ mặn cao nhất 4,9‰ (cùng kỳ thời gian năm 2018 là 0,0‰).

Hiện, tỉnh Trà Vinh chỉ mới bước vào đầu mùa vụ Đông Xuân. Theo cảnh báo có hơn 37 nghìn ha lúa bị xâm nhập mặn, trong đó, huyện Trà Cú (9.500 ha), Cầu Ngang (5.000 ha), Duyên Hải (1.500 ha)... Có khoảng 8.662 hộ dân xa khu dân cư có khả năng thiếu nước khi bị hạn hán, xâm nhập mặn.

Tại tỉnh Vĩnh Long, trong 38 năm qua, chưa năm nào phải chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn như hiện nay. Nhưng những năm gần đây mặn xâm nhập sớm hơn và độ mặn cao hơn. Năm nay, mới tháng 12 nhưng xâm nhập mặn đã có diễn biến phức tạp, khó lường.

Theo các cơ quan chức năng tỉnh Trà Vinh đo được, độ mặn trên sông Cổ Chiên tại Vũng Liêm đo được từ 5,8 - 8,2‰, đặc biệt tại vàm Mang Thít độ mặn xấp xỉ 5,8‰. Trên sông Hậu tại vàm Tân Dinh độ mặn 6,3‰. Với độ mặn này có thể gây chết lúa và hoa màu nếu để nước tràn vào nội đồng.

Hiện nay, tại tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang) nước mặn có nồng độ hơn 2‰ đã xuất hiện, cách cửa Tiểu (sông Cửu Long đổ ra biển Đông) hơn 60km. Chính quyền địa phương đang tập trung ứng phó để bảo vệ hơn 24.000 ha lúa, hàng nghìn ha vườn cây thanh long ở vùng ngọt hóa Gò Công (huyện Gò Công Tây, Chợ Gạo, Gò Công Đông và Thị xã Gò Công). Huyện Chợ Lách (Bến Tre) cũng ghi nhận nước mặn tiến sâu vào sông cách biển hơn 60km…

Theo Đài Khí tượng thủy văn Bến Tre, dự báo diễn biến xâm nhập mặn cao nhất hằng ngày tiếp tục tăng dần và xâm nhập sâu hơn vào đất liền. Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bến Tre đã có công văn gửi nhiều đơn vị có liên quan yêu cầu khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó. Theo dự báo, tình hình xâm nhập mặn sẽ tiếp tục diễn biến rất nghiêm trọng ở tỉnh này, dẫn đến khó khăn về nguồn nước ngọt ngay từ tháng 1/2020.

 

nhiều-hộ-dân-chuyển-đổi-sang-nuôi-trồng-thủy-sản-nước-mặn-ứng-phó-với-hạn-mặn-gdtđ.jpg
Nhiều hộ dân chuyển đổi sang nuôi, trồng thủy sản nước mặn ứng phó với hạn, mặn (Ảnh: GDTĐ)

 

Ông Trần Thục, Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam cảnh báo, mùa khô năm 2019 -2020, tại vùng ĐBSCL nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng cửa sông. Tình trạng xâm nhập mặn có thể diễn ra rất sớm từ những tháng đầu năm 2020.

Nhiều giải pháp ngăn mặn

Trước tình trạng xâm nhập mặn nói trên, nhiều địa phương đã đề ra các biện pháp, phương án ứng phó kịp thời như: đóng cống ngăn mặn khi triều cường cao, ngừng bơm nước cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt. Khi thủy triều xuống, bơm nước vào vùng trữ ngọt để phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt cho người dân, kịp thời cảnh báo về xâm nhập mặn mới nhất và liên tục gửi cảnh báo đến người dân thông qua tin nhắn trên điện thoại.

Mới đây Bộ NN&PTNT cũng đã khuyến cáo các địa phương vùng ĐBSCL tổ chức xuống giống sớm vụ Đông Xuân để né hạn, mặn, đồng thời cũng có những chỉ đạo cụ thể cho các vụ mùa tiếp theo, đặc biệt là tích trữ nước trong hệ thống kênh rạch, ở các hộ gia đình. Cùng với đó, Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị quản lý các công trình thủy lợi phải chủ động trong vận hành để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra…

Theo ông Kỷ Quang Vinh, Nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, bà con nông dân cần theo dõi dự báo của cơ quan chức năng, có phương án ứng phó với tình trạng hạn, mặn. Trồng những cây cần ít nước; tưới tiêu khoa học, phù hợp để sử dụng nguồn nước hiệu quả nhất.

Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân dự trữ nước ngọt và tưới nước tiết kiệm cho cây trồng. Lưu ý phát huy tối đa các túi chứa nước ngọt, tận dụng hệ thống ao, hồ, kênh rạch trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất... 

 

người-dân-bến-tre-dùng-túi-nhựa-trữ-nước-ngọt-sggp.jpg
Người dân Bến Tre dùng túi nhựa trữ nước ngọt (Ảnh: sggp)

 

Tại Bến Tre, chính quyền địa phương vận động người dân dùng nhiều cách để tích trữ nước ngọt trong mương vườn, ao, hồ… Chia sẻ nguồn nước ngọt với các gia đình thiếu nước ngọt để cứu hoa kiểng, cây giống. Người dân Bến Tre cũng đang chủ động dùng các túi nhựa có dung tích chứa từ 15 - 30m3 nước ngọt để dự trữ.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết, ngành nông nghiệp đã yêu cầu các cán bộ thủy lợi trực chiến đo độ mặn gửi thông tin về lãnh đạo tỉnh Hậu Giang để kịp thời có những chỉ đạo ứng phó với diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn hiện nay. 

Trước tình trạng xâm nhập mặn như hiện nay, các địa phương ở ĐBSCL cần phải triển khai các biện pháp cấp bách và vận động người dân tập trung tích trữ nguồn nước ngọt tối đa ngay khi có nguồn nước ngọt trên sông, kênh. Chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ hợp lý.

Về lâu dài cần có chiến lược cấp nước ngọt cho các vùng xa nguồn ngọt ven biển để người dân sinh hoạt. Đặc biệt là các địa phương phải chủ động cập nhật thông tin về diễn biến của hạn mặn để có giải pháp kịp thời nhằm giảm những rủi ro, thiệt hại cho nông dân trong vùng.

 

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top