Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 18 tháng 10 năm 2018 | 9:37

Tín hiệu tích cực về EVFTA từ chuyến thăm của Thủ tướng

Trong chương trình hoạt động dày đặc từ ngày 14/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Bộ trưởng và Đoàn công tác của Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các đối tác song phương và Lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU).

Một trong những nội dung nổi bật là việc hai bên cùng nỗ lực thúc đẩy sớm ký kết, phê chuẩn và đưa vào hiệu lực Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA).

Kết quả rất tích cực là 12h trưa ngày 17/10, Ủy ban châu Âu đã kết thúc phiên họp và thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức EVFTA (dự kiến cuối năm 2018) và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn (đầu 2019). Ngay chiều ngày 17/10, Uỷ ban châu Âu đã họp báo chính thức công bố thông tin tích cực này và khẳng định cam kết sẽ thúc đẩy đưa Hiệp định này vào thực thi trong thời gian sớm nhất.

Đây là kết quả của cả quá trình phối hợp tích cực những nỗ lực về chính trị, đối ngoại, đàm phán, hợp tác… của cả hai bên, là tin vui cho toàn thể người dân và cộng đồng doanh  nghiệp Việt Nam và EU.

Ngay trong chuyến công tác này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc hội đàm cấp cao với Thủ tướng Cộng hoà Áo, quốc gia hiện đang là Chủ tịch EU; hội đàm với Thủ tướng Vương quốc Bỉ - nơi đặt trụ sở các cơ quan thuộc EU và rất nhiều cuộc gặp với chính giới, Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp, tham dự và phát biểu tại các diễn đàn doanh nghiệp với thông điệp nổi bật và được trao đổi sôi nổi là việc sớm ký, phê chuẩn và thực thi EVFTA, IPA do đây là lợi ích quan trọng của cả Việt Nam và EU.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (EP). Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Ngay sau khi Uỷ ban châu Âu thông qua EVFTA, đầu giờ chiều 17/10, Thủ tướng đã tiếp ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (EP), cơ quan có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy EVFTA.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò và những đóng góp tích cực của cá nhân ông Chủ tịch trong việc tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU nói chung và giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu nói riêng. 

Ông Bernd Lange bày tỏ vui mừng trước việc EVFTA đã được Uỷ ban châu Âu thống nhất trình Hội đồng châu Âu để ký, đây là bước quan trọng để Nghị viện châu Âu bắt đầu quá trình xem xét phê chuẩn, đáp ứng được sự mong đợi của cả hai bên, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa EU và Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương. Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của EP khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam-EU trên tất cả các lĩnh vực.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Antonio Tajani. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Cùng ngày 17/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Antonio Tajani. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện châu Âu; khẳng định Việt Nam luôn coi hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và EP là trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-EU. Trên cơ sở việc Uỷ ban châu Âu đã thông qua EVFTA, Thủ tướng đề nghị EP sớm xem xét tiến trình phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) từ đầu năm 2019. 

Chủ tịch EP đặc biệt vui mừng trước việc Ủy ban châu Âu đã thông qua việc trình EVFTA lên Hội đồng châu Âu và nhấn mạnh EP sẽ nỗ lực để hoàn tất việc phê chuẩn các hiệp định EVFTA và IPA ngay trong đầu năm 2019, khẳng định đây là lợi ích quan trọng của cả hai bên và có ý nghĩa lớn đối với thương mại châu Âu và châu Á.

Chủ tịch Antonio Tajani cũng khẳng định EP ủng hộ tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác phát triển giữa EU và Việt Nam, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của Việt Nam đồng thời hoan nghênh hợp tác đa phương và phối hợp giữa EU và Việt Nam trên các diễn đàn và tổ chức quốc tế; khẳng định ủng hộ các nỗ lực duy trì hoà bình, an ninh, tránh leo thang căng thẳng, tôn trọng lợi ích của các bên ở Biển Đông trên cơ sở của luật pháp quốc tế.

Việc Ủy ban châu Âu thông qua EVFTA ngay trước khi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu lần thứ 12 (ASEM 12), nơi quy tụ sự tham dự của nguyên thủ 53 quốc gia châu Á và châu Âu là một thông điệp mới, mạnh mẽ và là hành động cụ thể khẳng định với cộng đồng quốc tế về nỗ lực đẩy mạnh kết nối, hợp tác liên khu vực giữa châu Âu và châu Á.

Trong thông báo của EU cũng đã nêu ý kiến của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Jean Claude Junker nhấn mạnh Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam là ví dụ điển hình thể hiện chính sách thương mại hiện nay của EU, mang lại những lợi ích chưa từng có đối với doanh nghiệp và người dân châu Âu và Việt Nam. Chủ tịch EC nêu rõ việc Ủy ban Châu Âu thông qua việc trình EVFTA lên Hội đồng Châu Âu ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 12  là sự khẳng định cam kết của EU mở cửa thương mại với châu Á và đề nghị Nghị viện châu Âu cũng như các nước thành viên thực hiện các bước cần thiết để hiệp định này nhanh chóng có hiệu lực.

Cao ủy Thương mại EC, bà Cecilia Malstrom nhấn mạnh Việt Nam là một nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và một thị trường tiềm năng đối với doanh nghiệp và các nhà đầu tư châu Âu, bày tỏ tin tưởng Nghị viện Châu Âu và các nước thành viên EU sẽ nhanh chóng thông qua Hiệp định này để cho phép doanh nghiệp và người dân hai bên có thể sớm hưởng lợi những lợi ích từ EVFTA.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top