Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 3 tháng 10 năm 2020 | 6:40

Tin NN ĐBSH: Tập trung sản xuất thắng lợi vụ đông

Để triển khai thắng lợi sản xuất vụ đông, cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích cây hàng hoá có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; tăng cường chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

vp.jpg
Dưa chuột vụ đông, cây trồng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã An Hòa (Tam Dương).

 

Vĩnh Phúc: Tập trung sản xuất vụ đông

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích cây hàng hoá có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; tăng cường chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; làm tốt công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp gắn liền với phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất…, Vĩnh Phúc đang tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất, quyết tâm giành vụ đông 2020 thắng lợi.

Vụ đông năm 2020, toàn tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu gieo trồng trên 16 nghìn hecta cây hàng năm, tăng trên 5% so với vụ đông năm 2019, với giá trị sản xuất đạt trên 1.200 tỷ đồng, bao gồm: Cây ngô 7.500 ha sử dụng các giống NK4300, P4199, LVN4, NK6654, ngô nếp…;

Cây rau các loại 5.000 ha; cây khoai lang 1.700 ha; cây đậu tương 900 ha, sử dụng các giống DT84, DT96, DT2001…; cây lạc 200 ha, sử dụng các giống L14, L15, L18, Sen lai...

Cùng với đó, thực hiện đa dạng hoá cây trồng, tăng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Rau, hoa, quả, cây ưa lạnh, cây trung tính, tăng diện tích đậu tương, mở rộng diện tích ngô sinh khối... kết hợp áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.

Theo Sở NN&PTNT, sản xuất vụ đông năm 2020 dự kiến đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Hiện tượng ENSO từ tháng 7-12/2020, khiến nhiệt độ có xu hướng giảm dần, nhưng vẫn có khả năng duy trì ở trạng thái trung tính và nghiêng về pha lạnh trong những tháng cuối năm 2020.

Do tác động của pha lạnh nên thời tiết, khí hậu có sự thay đổi đáng kể, cụ thể: Mưa, bão gia tăng từ tháng 9-12/2020, khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: Dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn tỉnh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp là rất lớn.

Bên cạnh diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, thiên tai là sự gia tăng của các loại sâu, bệnh gây hại cây trồng; thị trường nông sản vốn dĩ đã bấp bênh nay dưới tác động của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu càng khiến việc tiêu thụ nông sản và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn hơn.

Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo của các cấp chính quyền; công tác thông tin tuyên truyền và tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sinh vật hại cây trồng trong vụ Đông năm 2020 cho bà con nông dân.

Tập trung khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, Sở NN&PTNT tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đồng thời chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện đúng cơ cấu giống, thời vụ; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cân đối, hợp lý và phòng chống sinh vật hại kịp thời để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo, thông báo định kỳ 7 ngày/lần và thông báo tháng (1 lần/tháng); theo dõi, giám sát và phát hiện sớm các đối tượng sinh vật hại trên đồng ruộng. Dự tính, dự báo chính xác về thời gian phát sinh, diễn biến mật độ, quy mô và mức độ gây hại; đề xuất các biện pháp tổ chức chỉ đạo phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Mở rộng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật được đánh giá có hiệu quả vào sản xuất như: Quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP),... nhằm tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái do lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh của tỉnh gắn với nâng cao chất lượng nông sản bằng việc khuyến khích dán tem nhận diện sản phẩm, đăng ký mã vạch, mã số cho sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc và thị hiếu của người tiêu dùng.

Tập trung thực hiện các biện pháp đồng bộ kiểm soát an toàn thực phẩm, nhất là kiểm soát nguồn vật tư đầu vào: Giống, phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật,… quy trình kỹ thuật canh tác để sản phẩm sản xuất ra đảm bảo an toàn thực phẩm, mở rộng diện tích sản xuất áp dụng theo quy trình VietGAP.

Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, dịch vụ cung ứng giống và vật tư phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở chấp hành tốt các quy định của pháp luật…

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT đến thời điểm hiện tại, song song với chỉ đạo khẩn trương thu hoạch lúa mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; các nội dung theo kế hoạch sản xuất vụ Đông đang được triển khai tích cực, cơ bản đảm bảo tiến độ đề ra.

 

Hưng Yên: Nông dân trồng dưa lưới thu lãi tiền tỷ

Với mức thu từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/ha mỗi năm, mô hình trồng dưa lưới và dưa vàng thơm trong nhà màng ở Hưng Yên đang mở ra triển vọng lớn trong sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là điểm sáng đang thu hút nông dân nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp theo công nghệ hiện đại.

t6b.jpg
Trồng dưa lưới theo công nghệ cao thu tiền tỷ.

 

Mô hình do Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên triển khai theo dự án “Ứng dụng công nghệ cao để trồng dưa vàng, dưa lưới tỉnh Hưng Yên phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2017 - 2020”. Địa điểm thực hiện tại các xã Tiên Tiến, Tống Trân (Phù Cừ) và Thiện Phiến (Tiên Lữ). Các hộ tham gia dự án được Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên hỗ trợ 100% giống dưa, 30% kinh phí làm nhà màng, giá thể cùng hệ thống tưới, thuốc bảo vệ thực vật.

Theo ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên, trồng dưa lưới và dưa vàng thơm trong nhà màng áp dụng công nghệ theo tiêu chuẩn VietGAP với hệ thống tưới tự động. Yếu tố quyết định thành công của mô hình là kiểm soát chặt chẽ hạt giống từ đầu vào, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để cung cấp các nguồn chất dinh dưỡng cho cây phát triển. Qua đó, giúp cây sinh trưởng tốt, năng suất và hiệu quả cao. Cùng đó là việc kiểm tra nghiêm ngặt nhằm hạn chế các tác hại của sâu bệnh, giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Chị Đoàn Thị Gấm, xã Thiện Phiến cho biết, phương pháp trồng dưa trong nhà màng cho năng suất cao gấp 2 lần so với canh tác theo cách bình thường ngoài đồng ruộng, đạt bình quân 50 tấn/ha/vụ. Với giá bán dưa lưới tại vườn dao động từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, mỗi vụ đạt khoảng 50 tấn/ha, thu lãi trung bình hơn 500 triệu đồng/ha/vụ. Mỗi năm có thể trồng 3 vụ nên mức lãi từ 1,5 đến 2 tỷ đồng. Mặt khác trồng dưa lưới trong nhà màng và trên giá thể còn giúp cách ly nguồn bệnh từ đất và côn trùng từ môi trường bên ngoài, từ đó hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không gây nguy hại cho môi trường.

Về thị trường đầu ra, bà Trần Thị Hằng xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) cho hay, sản phẩm được Trung tâm Khuyến nông tỉnh kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu, mua tại vườn với giá ổn định nên không bảo giờ bị ế đọng. Với các hộ dù không tham gia dự án nhưng nếu trồng dưa lưới vẫn được cán bộ khuyến nông hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật, giới thiệu doanh nghiệp đến thu mua. Dưa lưới, dưa vàng thơm hiện được tiêu thụ mạnh tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn và nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Còn với nông dân các xã Tống Trân, Tiên Tiến, Thiện Phiến cho biết, từ hệ thống nhà lưới với tổng diện tích 8.000 m2 ban đầu, dự án đã có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút nông dân. Thâm canh dưa lưới và dưa vàng thơm trong nhà màng đã từng bước làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con về sản xuất nông nghiệp sạch theo công nghệ mới. Trồng dưa lưới đòi hỏi kỹ thuật thâm canh cao, cách làm thận trọng, tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình, nhưng mang lại nguồn thu lớn gấp nhiều lần so với các cây ăn quả khác. Hiện sản phẩm đã kết nối được với chuỗi giá trị nông sản sạch trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên khẳng định, dự án trồng dưa lưới công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm an toàn cho người sử dụng, là tiền đề để người dân mở rộng sản xuất thâm canh theo xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại. Hiện dưa lưới đang được nhân rộng tại các huyện Khoái Châu, Yên Mỹ, Phù Cừ, Tiên Lữ và nhiều địa phương trong tỉnh.

Tỉnh Hưng Yên cũng khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, tạo điều kiện thuận lợi để bà con học hỏi, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; đồng thời tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm đầu ra ổn định để cây dưa lưới trở thành nông sản hàng hóa phát triển bền vững.

 

Hà Nội: Đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, Nghị định 98/2018/NĐ-CP ra đời đã tạo động lực rất lớn để phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, như: Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hạ tầng phục vụ liên kết; khuyến nông, đào tạo, tập huấn; giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm... Đối với thành phố Hà Nội, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mang lại giá trị bền vững và thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển.

hn.jpg
Hợp tác xã Rau, quả sạch Chúc Sơn (Chương Mỹ) đã xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất - tiêu thụ nông sản.

 

Dự kiến, trong 3 tháng cuối năm, thành phố sẽ thẩm định, xét duyệt hỗ trợ cho 3-5 dự án liên kết chuỗi; đồng thời, tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại lập kế hoạch liên kết…

Đối với cấp huyện, một số huyện đã chỉ đạo xây dựng các mô hình liên kết, đề án liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương giai đoạn 2015-2020 trước khi Nghị định số 98/2018/NĐ-CP được triển khai. Tiêu biểu như huyện Thanh Trì đã triển khai 2 chuỗi liên kết trong sản xuất rau an toàn và thịt lợn; huyện Thường Tín đã xây dựng 16 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 12 chuỗi liên kết trong trồng trọt, chăn nuôi và giết mổ; huyện Chương Mỹ xây dựng Đề án “Phát triển chuỗi giá trị nông sản an toàn, bền vững huyện Chương Mỹ giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”...

Các mô hình liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản giúp người sản xuất thuận lợi, tránh rủi ro “được mùa - mất giá”. Bên cạnh đó, triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, các huyện, thị xã cũng đã niêm yết quy trình thủ tục hành chính; xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định cấp huyện để thẩm định hồ sơ các dự án đề nghị hỗ trợ…

Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ là chính sách mới, các cấp tổ chức triển khai thực hiện còn lúng túng. Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình có liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp còn chưa tích cực, chủ động nghiên cứu, tiếp cận chính sách hỗ trợ theo Nghị định trên nên hiệu quả còn hạn chế. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Nghị định này trên địa bàn thành phố còn chậm.

Theo ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã Rau, quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), các điều kiện để được hưởng hỗ trợ từ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP đối với hợp tác xã còn những bất cập. Ví dụ, để được hỗ trợ, các bên tham gia liên kết phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; có giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh nên quỹ đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp và quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp bị điều chỉnh; nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hiệu quả không được phê duyệt quy hoạch sản xuất…

Để tháo gỡ khó khăn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về việc triển khai thực hiện các nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND thành phố liên quan đến việc khuyến khích, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tăng cường tuyên truyền, tập huấn Nghị định số 98/2018/NĐ-CP tới các doanh nghiệp, hợp tác xã được đánh giá phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và thực hiện tốt liên kết chuỗi trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, coi đây là lực lượng nòng cốt triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top