Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và UBND tỉnh Bến Tre sẽ phối hợp tổ chức Diễn đàn Mekong Connect 2017 (dự kiến diễn ra trong 2 ngày 25 và 26/10/2017) tại TP. Bến Tre.
Bến Tre: Sắp tổ chức Diễn đàn Mekong Connect 2017
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm BSA, cho biết, trong buổi họp báo vừa diễn ra tại TP Cần Thơ. Diễn đàn năm nay có chủ đề: “Phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ”.
Diễn đàn Mekong Connect 2017 có quy mô cấp vùng (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp, gọi tắt là ABCD Mekong), với nhiều nội dung như: Ra mắt nhóm chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp ABCD Mekong; lồng ghép 4 phiên thảo luận chuyên đề và thảo luận về các tài nguyên thiên nhiên (dừa, gạo, cá, sen).
Diễn đàn Mekong Connect 2017 là cầu nối cho các doanh nghiệp làm nông nghiệp
Bên cạnh đó, diễn đàn còn có hoạt động kết nối giao thương và đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà phân phối ASEAN, các hệ thống siêu thị lớn Việt Nam; giữa các nhà đầu tư quốc tế và các nhà quản lý các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cùng các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực năng lượng tái tạo…
Theo bà Vũ Kim Hạnh, mỗi địa phương trong vùng ĐBSCL đều có những thế mạnh khác nhau. Trong đó riêng 4 địa phương gồm An Giang có thế mạnh về con cá tra, Bến Tre được mệnh danh là xứ dừa, Cần Thơ là trung tâm thương mại, du lịch và Đồng Tháp bên cạnh thế mạnh lúa gạo còn có sản phẩm sen nổi tiếng với thương hiệu “đất sen hồng”. Tuy nhiên, thời gian qua thế mạnh của các địa phương chưa được phát huy đúng mức, sản phẩm nông sản có chất lượng rất tốt nhưng do các khâu chế biến, bảo quản, xúc tiến thương mại còn hạn chế nên giá trị gia tăng rất thấp.
Diễn đàn lần này hướng đến thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế - xã hội giữa nhóm các tỉnh ABCD Mekong, Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao. Đối với các doanh nghiệp, đây là dịp để tiếp cận và nắm bắt được những cơ hội, thách thức khi tham gia thị trường quốc tế; tăng cường hợp tác để cùng phát triển.
Long An: Tăng cường giám sát an toàn thực phẩm nông sản và thủy sản
Nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm bảo đảm sức khỏe cho người dân, ngay từ đầu năm, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch về thu mẫu giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) nông sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh Long An đối với một số loại thực phẩm.
Tính đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã thu 1120 mẫu nông sản, thủy sản, tập trung vào các loại sản phẩm có lượng tiêu thụ nhiều và có nguy cơ mất an toàn thực phẩm như: rau, thịt gà, thịt heo, thủy sản nuôi nước ngọt, thủy sản khô, gạo, thanh long và thực phẩm chế biến tại các huyện, thành phố/thị xã trên địa bàn tỉnh Long An.
Long An tăng cường giám sát an toàn thực phẩm nông sản và thủy sản
Chỉ tiêu giám sát an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản tập trung vào các loại hóa chất, kháng sinh, phụ gia thực phẩm cấm sử dụng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất tạo nạc…. Qua kết quả giám sát, Chi cục đã phối hợp các đơn vị liên quan thuộc Sở và các ngành liên quan thực hiện điều tra nguyên nhân, cảnh báo và có biện pháp hướng dẫn các cơ sở khắc phục hoặc xử lý theo quy định.
Đây là hoạt động thường xuyên, liên tục của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản nhằm đánh giá mức độ an toàn thực phẩm của một số thực phẩm nông lâm thủy sản để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng
Vĩnh Long: Sạt lở nhiều vùng trồng cây ăn trái dọc sông Tiền
Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, cho biết những ngày qua sạt lở nhiều đoạn đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái của người dân dọc theo bờ sông Tiền, qua xã An Bình, huyện Long Hồ (Vĩnh Long).
Ông Lưu Nhuận, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, đoạn đê bao cặp sông Tiền, qua xã An Bình xảy ra sạt lở với chiều dài khoảng 50m. Sạt lở đã làm nước tràn bờ đê bao vườn cây ăn trái của người dân, ăn sâu vào khoảng 10m (tính từ bờ sông). Do điểm sạt lở giáp sông Tiền nên người dân không thể gia cố lại được.
Nhiều vùng trồng cây ăn trái dọc sông Tiền bị sạt lở
Theo Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Long Hồ Nguyễn Hữu Phước, địa phương vừa phát hiện 2 điểm sạt lở mà nguyên nhân chính do sụt lún đất và khu vực này chưa có bờ bao. Chính quyền địa phương đang tích cực hỗ trợ người dân gia cố hoặc đắp mới các tuyến đê bao, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Tiền Giang: Xây dựng vùng chuyên canh màu trên đất thuần nông
Nằm trong chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nông dân ổn định cuộc sống, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) đã mở rộng diện tích rau màu lên gần 10.000 ha, mỗi năm đạt sản lượng khoảng 200.000 tấn rau màu các loại cung ứng thị trường.
Đáng chú ý, địa phương đã xây dựng được những vùng chuyên canh màu hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao như: cây ớt ở Bình Ninh và vùng lân cận lên đến 500 ha; cây hẹ và hành ở các xã Bình Phan, Bình Phục Nhứt, Long Bình Điền… với 150 ha; cây ngò gai ở Phú Kiết với hàng trăm ha...
Tiền Giang đang xây dựng vùng chuyên canh màu trên đất thuần nông
Ông Trần Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo cho biết, địa phương coi cây màu là cây trồng quan trọng đưa vào cơ cấu cây trồng luân vụ hoặc chuyên canh trên chân ruộng giúp nông dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Để hỗ trợ nông dân, từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng huyện Chợ Gạo đã tổ chức trên 380 cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây trồng, vật nuôi, thu hút trên 11.000 lượt nông dân.
Vừa qua, các loại màu chủ lực của huyện như: ớt, hành, hẹ, ngô ăn… đều có giá cao, nông dân lãi gấp 3 – 4 lần so với trồng độc canh cây lúa truyền thống. Nhờ đó, đời sống nhân dân cải thiện, diện mạo nông nghiệp – nông thôn thay đổi hẳn.
Giang Nam (tổng hợp)
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.