Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 24 tháng 9 năm 2017 | 3:3

Tin tức Đông Nam Bộ: Bùng phát bệnh nấm tắc kè trên thanh long; nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao

Thời gian qua, bệnh nấm tắc kè trên thanh long có nguy cơ bùng phát thành dịch tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong đó tập trung tại huyện Trảng Bom. Nhiều hộ dân trồng thanh long chịu những thiệt hại nặng do bệnh nấm gây ra.

Đồng Nai: Bùng phát bệnh nấm tắc kè trên cây thanh long

Theo một số nông dân có kinh nghiệm trồng thanh long, nếu chủ động trong phòng trừ thì có thể ngăn dịch nấm tắc kè phát sinh. Thực tế, đây là dịch bệnh rất nguy hiểm, dễ lây lan, có khả năng bùng phát thành dịch lớn nhưng hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. Cùng với đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai cũng khuyến cáo các nhà vườn cần theo dõi kỹ vườn cây vì nếu chủ động trong phòng trừ vẫn có thể ngăn dịch nấm tắc kè phát sinh. Với vườn đã lây nhiễm, phải cắt bỏ ngay những chồi, nhánh bị bệnh, dọn vườn thông thoáng không để mầm bệnh lây lan.

Nhiều hộ dân trồng thanh long tại tỉnh Đồng Nai chịu thiệt hại do bệnh nấm tắc kè gây ra

Bình Phước: Mất mùa điều

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước, niên vụ 2016 – 2017, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 132.000 ha điều kinh doanh. Tuy nhiên, trong niên vụ này, theo thống kê, năng suất và sản lượng giảm gần 38% so với niên vụ 2015 - 2016. Trong đó, có những huyện bị thiệt hại nặng như: Bù Đăng giảm 46%, Bù Gia Mập giảm 51%.

Nguyên nhân được xác định là do đầu năm 2017 xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa trùng vào thời điểm cây điều ra hoa thụ phấn, đồng thời mưa nhiều làm tăng độ ẩm dẫn đến nấm gây bệnh thán thư, bọ xít, muỗi phát triển và phát tán mạnh gây hại trên chồi non, lá non làm giảm năng suất và chất lượng hạt điều.

Để kịp thời hỗ trợ người dân, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Phước đã ưu tiên nguồn vốn cho nông dân vay khắc phục vườn điều. Cùng với đó, ngành nông nghiệp sẽ thống kê lại diện tích, mức độ và số hộ có vườn điều bị thiệt hại để có chính sách hỗ trợ kịp thời.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Mô hình xen canh trồng cây đinh lăng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại huyện Xuyên Mộc xuất hiện mô hình trồng xen đinh lăng thương phẩm với một số loại cây ăn quả khác. Bước đầu đánh giá cây sinh trưởng tốt, thị trường và giá bán ổn định do đó nhiều hộ nông dân đã vươn lên làm giàu nhờ loại cây dược liệu này. Cụ thể, tất cả các bộ phận của cây đều có giá trị sử dụng và được các công ty dược liệu thu mua.

Mô hình xen canh trồng cây đinh lăng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Lá có giá khoảng 3.000 đồng/kg, thân từ 28.000 – 30.000 đồng/kg. Một số hộ không muốn bán sớm có thể đợi đến khi cây có củ, từ 2 - 3 năm tuổi sẽ có giá bán khoảng 50.000 đồng/kg. Trung bình mỗi hộ dân sau khoảng thời gian 3 năm trồng có thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng/ha đinh lăng. Do đó, thời gian qua, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư, mua giống và thuê đất để trồng loại cây này.

Tây Ninh: Gần 6.000 ha diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá mì

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, trên địa bàn toàn tỉnh diện tích mì (sắn) bị nhiễm bệnh tính đến ngày 18/9 là gần 6.000 ha, trong đó diện tích tiêu hủy chỉ mới đạt khoảng 27%. Hiện nay, diện tích mì nhiễm bệnh còn trên đồng chiếm khoảng 32% so với diện tích mì còn trên đồng. Trong đó có nhiều diện tích mì trước có tỷ lệ nhiễm dưới 30% nay đã tăng lên khoảng 70% do nguồn bệnh còn trên đồng tiếp tục lan sang các cây chưa nhiễm bệnh.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh trong vụ sau, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã khuyến cáo nông dân không nên tiếp tục trồng mì trên những diện tích đã nhiễm bệnh mà chuyển sang cây trồng mới hoặc trồng những giống mì ít bị nhiễm bệnh như, KM94, KM140, hạn chế trồng những giống nhiễm nặng như KM419, và tuyệt đối không trồng giống mì HL - S11, vì đây là giống nhiễm bệnh khảm lá nặng, rất mẫn cảm với bọ phấn trắng.

Lại Hùng (tổng hợp)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top