Sau nhiều năm thắng lớn, năm nay, người trồng bơ Booth trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lâm vào tình cảnh thất thu vì bơ mất mùa, rớt giá.
Đắk Lắk: Bơ Booth mất mùa, rớt giá
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho biết, từ giữa đến cuối tháng 3, thời điểm bơ Booth ra hoa đạt tỷ lệ trên 90% thì gặp mưa trái mùa khiến bơ không thể thụ phấn, đậu quả, dẫn đến mất mùa.
Không chỉ mất mùa, giá bơ Booth năm nay cũng rất thấp, khiến thiệt hại của nông dân càng lớn hơn. Cụ thể, giá thu mua tại vườn thời điểm này chỉ khoảng 40.000 – 45.000 đồng/kg (đầu mùa chỉ 30.000 đồng/kg), trong khi năm 2016, giá bơ đạt 70.000 – 80.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 100.000 đồng/kg. Theo lý giải của bà con, phần lớn sản lượng bơ Booth được xuất đi ngoại tỉnh, nhưng hiện tiêu thụ gặp khó khăn nên thương lái không muốn thu mua nhiều. Mặt khác, một số hộ trồng bơ muốn ký hợp đồng tiêu thụ lâu dài với doanh nghiệp nhưng không được vì các đầu mối thu mua lớn chỉ ký hợp đồng bao tiêu với số lượng từ 10 tấn trở lên.
Giá bơ Booth năm nay cũng rất thấp chỉ khoảng 40.000 – 45.000 đồng/kg
Theo quy hoạch, đến năm 2020, Đắk Lắk sẽ ổn định diện tích trồng bơ ở mức 10.000 ha, theo hướng trồng xen canh. Hiện, Sở NN-PTNT đang tham mưu UBND tỉnh đề xuất đặt hàng cho Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu cụ thể về quy trình kỹ thuật trồng xen, vùng trồng, loại giống, cũng như thị trường tiêu thụ bơ. UBND tỉnh cũng định hướng cho người nông dân phát triển loại cây này theo tiêu chuẩn VietGAP, GloboGAP để phát triển bền vững.
Lâm Đồng: Mùa vụ buồn ở “thủ phủ” cà chua Đơn Dương
Dịch bệnh xoăn lá xuất hiện và bùng phát dữ dội tại “thủ phủ” cà chua huyện Ðơn Dương, khiến hàng trăm nhà vườn điêu đứng.
Ông Bùi Văn Tú (xã Lạc Xuân) không khỏi bùi ngùi, rớm nước mắt giữa vườn cà chua rộng 1,5 ha sắp thu hoạch gần như mất trắng. Ông cho biết, cà chua xuất hiện bệnh khi đã lên dây thứ 3. Nhiều nông dân tiếc, thu hoạch bán rẻ cho thương lái nhưng không ai mua. Các chủ ruộng đành đem cà chua đổ, để cho bò ăn… Ông Tú tiếc rẻ “Nếu cà chua được mùa, nông dân chúng tôi sẽ trúng lớn vì giá cà chua tăng cao. Cây chưa kịp bung hoa thì lá đã dần chuyển vàng, nếu có quả thì cũng bị “sượng” hoặc hư hỏng không thể thu hoạch”.
Dịch bệnh xoăn lá xuất hiện ở cây cà chua khiến hàng trăm nhà vườn thiệt hại nặng
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Lập cho biết, địa bàn xã gieo trồng 170 ha cà chua nhưng đến thời điểm hiện tại gần như 100% diện tích đã nhiễm bệnh, trong đó 100 ha nhiễm nặng phải nhổ bỏ. “Đây là mùa vụ cà chua bị ảnh hưởng bệnh xoăn lá nặng nhất từ trước đến nay tại địa phương, gây thiệt hại lớn đối với nhà nông. Bởi khi vườn cà chua bị nhiễm bệnh thì trái bị sượng, nếu thu hoạch thì cũng không bán được. Theo dự đoán, giá cà chua có thể tiếp tục giữ giá cao, đây thật sự là mùa cà chua buồn của người nông dân”, ông Tuấn chia sẻ.
Hiện cà chua loại một có giá từ 18.000 đến 20.000 đồng/kg, cà chua loại hai cũng đang được thu mua 15.000 đồng/kg, tăng gấp ba lần so với vụ mùa những năm trước. Thế nhưng người trồng cà chua ở “thủ phủ” cà chua Đơn Dương thì không có cà chua để bán do dịch bệnh hoành hành.
Công bố các doanh nghiệp sản xuất và phân phối phân bón giả
Cùng với việc gửi văn bản đến các địa phương có cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vi phạm về chất lượng, tỉnh Lâm Đồng đã công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở trên để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành đã xác định sản phẩm phân bón Kẽm Sunphate do Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Xuất nhập khẩu Phân bón và Hoá chất Thiên Kim, địa chỉ tại Khu công nghiệp Hố Lai 3, xã Hố Lai, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai sản xuất là hàng giả, không có giá trị sử dụng. Tiếp đó là sản phẩm phân bón Trung lượng LT-HC02 của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Văn Nguyên, địa chỉ tại 19, đường số 6, Khu công nghiệp Thăng Long, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh cũng được xác định là hàng giả, không có giá trị sử dụng.
Tỉnh Lâm Đồng cũng công bố hàng loạt các loại phân bón là hàng hoá có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng như: phân bón NPK của Công ty cổ phần Phân bón Bình Tân; phân bón NPK của Công ty TNHH Phân bón Việt Hàn; phân bón Petrang của Công ty TNHH Thương mại Thôn Trang và phân bón Cymezeb của Công ty TNHH Hoá chất Đại Nam Á phân phối… Hầu hết các công ty đều ở TP. Hồ Chí Minh.
Đắk Nông: Cần một quy trình chuẩn, phù hợp trong sản xuất hồ tiêu
Để phát triển cây hồ tiêu bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông cần định hướng cho từng vùng trồng hồ tiêu thực hiện theo một quy trình thích hợp để phát huy hiệu quả loại cây trồng này.
Theo Thạc sỹ Đào Thị Lan Hoa, Phó Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên thì hiện nay, ngành sản xuất hồ tiêu vẫn tồn tại không ít nghịch lý. Hầu hết người trồng hồ tiêu đều chạy theo thị trường để đầu tư phát triển trên diện rộng. Hiện nay chưa có một quy trình chuẩn cho nông dân áp dụng cũng như định hướng sản phẩm đầu ra là sẽ bán ở đâu và tình hình tiêu thụ như thế nào? Nông dân chủ yếu làm theo kiểu cứ thấy giá cao, có lợi nhuận là ồ ạt phát triển diện tích. Còn vấn đề chăm sóc, phòng trị bệnh thì phần lớn khi thấy có dấu hiệu bệnh là bà con hỏi thăm nhau để mua thuốc bảo vệ thực vật về tự trị bệnh chứ không có một quy trình phù hợp nào cả.
Nhiều chuyên gia cho rằng ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông cần định hướng cho từng vùng trồng hồ tiêu
Ông Trần Đình Mạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Đắk Nông cho rằng: Các bộ tiêu chuẩn như: Viet GAP, GlobalGAP, Rainforest Alliance (RA), Susainable Arriculture Network (SAN)… cần có một cách ứng dụng linh hoạt chứ không thể áp dụng chung cho tất cả. Đơn cử, quy trình sản xuất hồ tiêu an toàn sinh học ở Lâm Đồng nhưng không thể mang sang áp dụng rập khuôn cho xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song. Bởi mỗi vùng trồng tiêu đều có những đặc thù về khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau nên đó chỉ là bộ quy trình chuẩn để tham chiếu mà thôi. Do đó, để giúp nông dân tránh rủi ro trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hồ tiêu, các doanh nghiệp cùng với các đơn vị chuyên môn cần phối hợp chặt chẽ và có những định hướng chuyển giao các quy trình, quy chuẩn phù hợp đến từng vùng, từng nông hộ.
Kon Tum: Nhiều thương lái tỉnh Quảng Ngãi bị lỗ vốn khi ồ ạt thu mua cau non bán sang Trung Quốc.
Sau khi báo chí phản ánh thời gian vừa qua, nhiều nhiều thương lái từ tỉnh Gia Lai, Quảng Ngãi ... đã đến một số địa bàn huyện ở tỉnh Kon Tum để thu mua cau non với giá cao ngất ngưởng - từ 18.000 đ tới 24.000 đ/kg.
Thấy giá cao, nhiều người dân đi lùng mua. Từng tốp thương lái chạy xe máy ùn ùn kéo lên các xã biên giới thuộc 2 uyện Ngọc Hồi và Đăk Tô để lùng mua cau. Đáng chú ý, phần lớn cau những người này thu mua đa phần là cau còn non.
Tuy nhiên, hiện nay các thương lái thu mua cau non với giá cao tới 25.000 đ/kg bán sang Trung Quốc, nhưng bất ngờ phía Trung Quốc không nhập hàng như đã cam kết. Kết cục đã có nhiều thương lái bị thiệt hại nặng về kinh tế vì phải đổ bỏ số cau đã thu mua.
Qua đây, mong bà con nông dân cũng như các thương lái trong tỉnh Kon Tum cần hết sức cảnh giác với những hiện tượng này, để tránh thiệt hại về kinh tế.
Phú Yên: Đưa công trình hồ chứa nước Lỗ Ân vào sử dụng trong năm 2017
UBND tỉnh Phú Yên vừa yêu cầu đơn vị thi công phải đảm bảo đúng tiến độ dự án hoàn thành và đưa công trình hồ chứa nước Lỗ Ân vào sử dụng trong năm 2017.
Chỉ đạo tại công trường khi đi thị sát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiến đã chỉ đạo các đơn vị rà soát lại các thủ tục liên quan đến dự án đảm bảo đúng theo quy định và yêu cầu đơn vị thi công là Công ty TNHH MTV Đông Sơn, phải đảm bảo đúng tiến độ dự án hoàn thành và đưa công trình hồ chứa nước Lỗ Ân vào sử dụng trong năm 2017.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiến chỉ đạo các đơn vị rà soát lại các thủ tục liên quan đến dự án, đảm bảo đúng tiến độ và đưa công trình hồ chứa nước Lỗ Ân vào sử dụng trong năm 2017
Dự án hồ chứa nước Lỗ Ân là công trình trọng điểm của tỉnh Phú Yên, có tổng mức đầu tư khoảng 107 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 90 tỷ đồng, ngân sách địa phương 17 tỷ đồng. Hồ chứa nước Lỗ Ân chính thức khởi công xây dựng từ tháng 3/2016 với 3 gói thầu xây lắp đập đất, tràn xả lũ và hệ thống kênh tưới, do Công ty TNHH MTV Đông Sơn thi công.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên (chủ đầu tư) thì đến nay, công trình đã thi công cơ bản hoàn thành hạng mục đập đất và tràn xả lũ. Hiện nay, đang tiến hành thi công đường lên mặt đập và trồng cỏ phía hạ lưu, tổng khối lượng thực hiện hai hạng mục nêu trên đạt khoảng 95%; đối với hệ thống kênh chính và kênh N2 đã thi công cơ bản hoàn thành, riêng kênh N1 thi công đổ bê tông chiều dài 1.300/2.900m./.
Quốc Hùng (tổng hợp)
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.