Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 2 tháng 10 năm 2017 | 9:51

Tin tức Tây Nguyên: Lợi dụng khai thác rừng trồng, cán bộ xã đốn hạ rừng tự nhiên

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo giao Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Sơn Hòa và các đơn vị có liên quan kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền vụ việc một số hộ dân xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa chặt phá cây gỗ rừng tự nhiên nằm trong dự án rừng trồng.

Phú Yên: Lợi dụng khai thác rừng trồng, cán bộ xã đốn hạ rừng tự nhiên

Tại đây, lợi dụng khai thác gỗ rừng trồng thuộc Dự án Phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (gọi tắt là Flitch), một số người đã chặt phá một số lượng lớn cây rừng tự nhiên hàng chục năm tuổi gây bức xúc trong nhân dân.

Vụ việc trên đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa và UBND xã Sơn Hội kiểm tra hiện trường, lập biên bản tạm giữ 144,39 tấn cây rừng tự nhiên bị đốn hạ, gồm cồng, cốc, lành ngạnh, muồng... nằm rải rác trong rừng trồng thuộc dự án Flitch. Trong đó, hộ ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hội đã khai thác 92,71 tấn và ông Huỳnh Văn Thanh - con ông ông Huỳnh Văn Trọng, công an viên của xã Sơn Hội khai thác là 51,68 tấn.

Ông Phó Chủ tịch xã Sơn Hội Nguyễn Thanh Hà cho rằng, ông khai thác gỗ rừng tự nhiên trong rừng keo theo dự án Flitch để tận dụng làm củi và được xã cho phép.

Hiện trường vụ phá rừng

Còn ông Trần Ngọc Tây, Chủ tịch UBND xã Sơn Hội khẳng định rằng UBND xã chỉ cho phép tận dụng cành nhánh của cây keo sau khi khai thác từ Dự án Flitch để làm củi. Riêng cây rừng tự nhiên trong diện tích rừng này phải giữ lại.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, hai hộ này đều trú ở thôn Tân Lương, xã Sơn Hội và được UBND huyện Sơn Hòa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 20,017 hecta từ năm 2010; trong đó hộ ông Hà 13,327 ha, ông Trọng được 6,69 ha. Năm 2012, họ tham gia trồng rừng dự án Flitch và đến tháng 9-2017 đều làm đơn xin khai thác rừng trồng cây keo, được UBND xã Sơn Hội xác nhận. Lợi dụng việc khai thác rừng trồng, họ đã chặt luôn cây rừng tự nhiên nằm xen kẽ.

Lâm Đồng: Nhiều sai phạm trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Đức Trọng

Trong chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2014-2016, 25 công trình xây dựng do UBND các xã ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) làm chủ đầu tư có sai phạm với số tiền hơn 938 triệu đồng.

Đó là thông tin từ kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng trong việc thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2014-2016 vừa được Thanh tra tỉnh Lâm Đồng công bố.

Trong chương trình xây dựng Nông thôn mới do UBND các xã ở huyện Đức Trọng làm chủ đầu tư có sai phạm 

Cụ thể, việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng các công trình do UBND các xã làm chủ đầu tư còn một số tồn tại như: áp dụng định mức, đơn giá vật tư không đúng trong lập, thẩm định phê duyệt dự toán, một số nhà thầu thi công thiếu khối lượng dẫn đến sai phạm tại 25 công trình với số tiền 938,43 triệu đồng.

Trong đó, phải xử lý thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 897,06 triệu đồng; thu hồi hoàn trả lại nhân dân 41,37 triệu đồng.

Hiện nay, trên địa bàn huyện vẫn còn nợ đọng xây dựng cơ bản với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách Nhà nước là hơn 2,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, huyện Đức Trọng chưa thực hiện hoàn thành huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2016 theo lộ trình đã đăng ký và đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Gia Lai: Chư Pưh sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP

Huyện Chư Pưh là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn (khoảng 3.000 ha) nhưng số hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết, không cho năng suất cao chiếm hơn nửa diện tích. Vì vậy, thay đổi cách canh tác theo mô hình sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP là giải pháp hữu hiệu giúp nông dân ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tháng 3/2017, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh đã xây dựng mô hình sản xuất tiêu theo hướng VietGAP kết hợp sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước quy mô 3 ha/6 mô hình với tổng kinh phí 350 triệu đồng. Theo đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã chọn 6 hộ trồng tiêu thực hiện mô hình tại các xã Ia Dreng, Ia Le, Ia Phang và thị trấn Nhơn Hòa. Những hộ tham gia được các chuyên gia khảo sát, theo dõi định kỳ và hướng dẫn điều chỉnh kịp thời khi có những thay đổi trên vườn cây, từ đó đưa ra hướng điều chỉnh, chăm bón vườn hồ tiêu theo cách hợp lý nhất. Ngoài ra, các hộ còn được cấp phát chế phẩm sinh học và bộ điều áp trung tâm, hệ thống van khu vực. Đồng thời, nông dân cũng được tập huấn lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, các quy trình sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng các chế phẩm sinh học kết hợp với quy trình bón phân qua hệ thống tưới nước tiết kiệm...

Gia đình anh Cao Văn Hiếu (thôn Plei Dj Riết, thị trấn Nhơn Hòa) đã đầu tư trồng mới gần 2 ngàn trụ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP và hệ thống tưới tiết kiệm. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã hỗ trợ kỹ thuật và các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ trong quá trình chăm sóc vườn. “Áp dụng mô hình cây tiêu theo hướng Việt GAP tôi thấy cây tiêu ít bệnh tật hơn, màu xanh của lá ổn hơn. Trồng hồ tiêu theo kinh nghiệm truyền thống thấy cây tiêu nhanh yếu, xuất hiện bệnh nhiều. Làm theo hướng VietGAP thì cây tiêu ổn định và bền vững hơn”, anh Hiếu chia sẻ.

Đắk Nông: Cơ quan chức năng khẳng định không có sự cố bùn đỏ

Nghi ngờ hồ chứa bùn đỏ của nhà máy Alumin Nhân Cơ bị vỡ, người dân trình báo cơ quan chức năng và được chính quyền địa phương dẫn vào kiểm tra thực tế trong nhà máy để xác minh.

Ông Đàm Quang Trung, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông xác nhận, đã kiểm tra khu vực nhà máy Alumin Nhân Cơ (huyện Đắk  R’lấp) và khẳng định không có “sự cố vỡ hồ bùn đỏ nhà máy Alumin Nhân Cơ”.

Nhà máy Alumin Nhân Cơ

Theo ông Trung, mấy ngày nay trên địa bàn có mưa lớn khiến nước trên suối Đắk Dao chạy qua địa bàn xã Nhân Cơ dâng cao. Nước đã làm ngập một số tuyến đường khiến người dân không thể đi lại. Nước cũng làm ngập văn phòng làm việc của nhà máy.

Ngày 29/9, lãnh đạo xã Nhân Cơ cùng khoảng 40 người dân đã trực tiếp vào nhà máy kiểm tra thực tế và khẳng định không có chuyện vỡ hồ bùn đỏ.

Kon Tum: Lùng mua cau non bán sang Trung Quốc

Gần đây, nhiều thương lái đã đổ xô đến các huyện Ngọc Hồi, Đắk Glei (tỉnh Kon Tum) lùng mua cau non với giá từ 18.000 – 25.000 đồng/kg.

Nhiều thương lái đã đổ xô đến các huyện Ngọc Hồi lùng mua cau non

Theo một số thương lái, họ mua cau non rồi gom hàng chuyển ra TP Đà Nẵng để xuất sang Trung Quốc, chứ không biết thương lái Trung Quốc mua để làm gì. Trong khi đó, nhiều hộ dân thấy cau bán được giá đã có ý định chuyển sang trồng cau. Tuy nhiên, theo TS. Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, việc phá bỏ các loại cây trồng khác để chuyển đổi trồng cau là nguy hiểm vì mặt hàng này khá bấp bênh, đầu ra phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Vì thế cần khuyến cáo nông dân không nên chuyển đổi ồ ạt sang trồng cau./.

Quốc Hùng (tổng hợp)

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top