Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 14 tháng 1 năm 2018 | 9:23

Tin tức Tây Nguyên: Nhà vườn chuẩn bị hoa cho vụ Tết; quất cảnh khô cành, người trồng buồn bã

Những người trồng hoa Tết đang tỉ mỉ chăm bón, tạo dáng để cho ra những sản phẩm hoa đạt chất lượng cao nhất phục vụ thị trường.

Đắk Lắk: Nhà vườn chuẩn bị hoa cho vụ Tết

Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhưng thời tiết không thuận lợi đã khiến nhiều nhà vườn trồng hoa tại tỉnh Đắk Lắk vất vả hơn trong chăm sóc, tạo dáng cho các chậu hoa, đảm bảo hoa đạt chất lượng, phục vụ thị trường Tết.

Làng hoa Hòa Thắng, xã Hòa Thắng, là một trong những làng hoa lớn nhất TP. Buôn Ma Thuột, những ngày này, người dân luôn bận rộn, tất bật với những luống hoa, chậu hoa các loại.

Người dân trồng hoa tạo dáng cho các chậu hoa, đảm bảo hoa đạt chất lượng, phục vụ thị trường Tết

Chính vì thời tiết mấy năm nay thay đổi thất thường nên nhiều nhà vườn dần nản lòng với nghề trồng hoa. Ông Quách Thùy Dương, Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột cho biết, với kinh nghiệm lâu năm, cùng sự tâm huyết của mình, những người trồng hoa Tết đang tỉ mỉ chăm bón, tạo dáng để cho ra những sản phẩm hoa đạt chất lượng cao nhất phục vụ thị trường. “Xã Hòa Thắng năm nay có 30 hộ trồng hoa với khoảng 15 ha, nhìn chung bà con chuẩn bị được giống hoa tốt nên dù có qua thời tiết lạnh kéo dài, nguồn hoa vẫn đảm bảo phục vụ Tết Nguyên đán”, ông Dương cho biết.

Kon Tum: Quất cảnh khô cành, người trồng héo rũ

Cả năm “gối đất nằm sương”, người trồng quất chăm chút, cắt tỉa, tạo dáng để cho ra những sản phẩm tuyệt vời nhất có thể, đáp ứng nhu cầu thưởng hoa, cây cảnh trong ngày tết của mọi người. Thế nhưng khi Tết cận kề, những cây quất lại sâu bệnh, khô cành, kém phát triển làm người trồng buồn bã…

Tháng Chạp là khoảng thời gian tất bật của người trồng hoa, cây cảnh, bởi đây là thời điểm quyết định cho ra những sản phẩm tuyệt vời nhất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của mọi người trong dịp tết cổ truyền.

Những cây quất lại sâu bệnh, khô cành, kém phát triển làm người trồng thiệt hại nặng

Ông Nguyễn Kim Tri, thôn Ia Hội, xã Đăk Năng (thành phố Kon Tum), một người có 20 năm kinh nghiệm trong nghề trồng và chăm sóc quất thở dài nói: Quất năm nay mất mùa, cây bị bệnh, nhiều cây chết rễ không phát triển được, có cây thì bị bệnh cuốn trái, vỏ dày… Trong 20 năm làm nghề trồng quất, đây là lần đầu tiên tôi gặp trường hợp cây bị thế này. Giờ tôi chỉ còn nước giữ tại vườn để làm giống, trồng cho năm sau, chứ không thể đưa ra thị trường bán được vì người mua chỉ chọn những cây đẹp, tán rộng, quả nhiều, to đều. Nếu quất đắt hàng, có ai đặt thì tôi sẽ bán theo từng chậu, thu lại được đồng nào thì hay đồng nấy…

Cũng như ông Tri, anh Duy vẫn tỏ ra khá lạc quan, chia sẻ: Năm sau tôi vẫn sẽ tiếp tục trồng quất, mở rộng thêm vườn của mình và có thể sẽ trồng thêm các loại cây khác, áp dụng các biện pháp giăng lưới và ngăn ngừa dịch bệnh cho cây…

Lâm Đồng: Sản xuất rau hữu cơ gặp nhiều thách thức

Rau hữu cơ được coi là hướng sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường và làm ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, tuy nhiên việc sản xuất rau hữu cơ vẫn còn gặp không ít trở ngại, nhất là đầu ra cho sản phẩm…

Theo đại diện Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt – một trong những đơn vị thu mua rau hữu cơ số lượng lớn trên địa bàn TP Đà Lạt, để có nguồn rau an toàn khoảng 40 tấn/tháng, cung ứng cho 17 chuỗi cửa hàng tại 8 địa phương như TPHCM, Cần Thơ, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Khánh Hòa…, đơn vị đã cung cấp thiết bị, vật tư nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ liên tục trong nhiều vụ cho người dân. Đồng thời, hợp tác xã cũng thỏa thuận với nông dân về cách thức sản xuất, quy trình trồng và chăm sóc cho tới khi thu hoạch phải đảm bảo được tiêu chí hữu cơ, tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn VietGAP, chăm sóc rau, củ bằng phân bón hữu cơ vi sinh, không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. “Khi người trồng tuân thủ các yêu cầu về rau an toàn, sản phẩm làm ra sẽ được thu mua toàn bộ với giá cao hơn sản phẩm hữu cơ ngoài thị trường khoảng 10%. Nhờ đó, người dân được lợi mà đơn vị cung ứng ra thị trường như chúng tôi cũng được đảm bảo nguồn hàng dồi dào”, ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt, cho biết.

Rau hữu cơ được coi là hướng sản xuất bền vững, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng

Ông Võ Văn Lập, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng nhận định, sản xuất rau hữu cơ là hướng đi bền vững đối với người trồng và vì sức khỏe cộng đồng. Dù vậy, trở ngại lớn nhất của sản xuất rau hữu cơ chính là thay đổi nhận thức người trồng về lợi ích bền vững của sản xuất rau an toàn.

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, sản xuất rau hữu cơ đòi hỏi quỹ đất sạch, giàu dinh dưỡng, tránh xa các khu vực gây ô nhiễm. Hiện nay, diện tích canh tác rau theo hướng hữu cơ tại Lâm Đồng còn nhỏ lẻ, khó khăn trong việc liên kết tiêu thụ.

Gia Lai: Nông dân Hà Tây được mùa mì

Nhờ mì được mùa, được giá nên vụ thu hoạch này, nhiều nông dân xã Hà Tây (huyện Chư Pah) có nguồn thu nhập đáng kể. Bà con phấn khởi vì có điều kiện đầu tư sản xuất vụ mới và sắm sửa cho gia đình khi Tết đang tới gần.

Theo thống kê của UBND xã Hà Tây, năm 2017, nhân dân trong xã trồng gần 140 ha mì. Ông Thaoh – Chủ tịch UBND xã, đánh giá: Mì là loại cây trồng tỉnh đã có chủ trương không mở rộng diện tích. Tuy nhiên, với những vùng đất khô cằn, luôn thiếu nước tưới vào mùa khô như Hà Tây, khi chưa tìm được cây trồng khác hiệu quả và ít hại đất hơn để thay thế thì mì là lựa chọn cần thiết. Bởi vậy, xã vận động nhân dân hạn chế mở rộng diện tích trồng mì, đặc biệt nghiêm cấm tuyệt đối người dân phát rừng làm rẫy trồng mì.

Người dân phấn khởi vì được mùa mì

Thay vào đó, bà con áp dụng canh tác những giống mì cao sản cho năng suất, chất lượng cao hơn. Đi liền với đó, chính quyền và ngành chuyên môn tăng cường hướng dẫn giúp người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mì sao cho hiệu quả. Vài năm gần đây, nhờ các cơ sở thu gom, chế biến mì tươi hoạt động trên địa bàn nên người dân không còn vất vả bóc vỏ, xắt thành mì lát phơi khô như trước đây mà có thể bán tươi ngay tại rẫy. “Nhìn chung được mùa mì, bà con phấn khởi do có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống, đầu tư tái sản xuất, chăm lo con cái học hành và đón cái Tết sắp tới” – ông Thaoh nhấn mạnh.

Đắk Nông: Sẽ tiếp tục xử lý cán bộ, đảng viên nhận đất trái quy định

Ông Trương Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết trong năm 2017 tại Đắk Nông có nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm trong việc cấp đất theo kế hoạch 437 (cấp sổ đỏ từ nguồn gốc đất lấn chiếm) và nhận đất theo chương trình 135 của Chỉnh phủ không đúng quy định.

Sau khi có dư luận về tình trạng cấp đất theo chương trình 135 có nhiều sai phạm, trong đó, tỉnh xác định có nhiều cán bộ, đảng viên các cấp nhận đất sai quy định, tỉnh đã lập đoàn kiểm tra thí điểm tại huyện Tuy Đức. Tại đây, đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều vi phạm, đúng như dư luận phản ánh nên đã điều tra mở rộng ra huyện Đắk Glong và tiếp tục phát hiện sai phạm.

Trong năm 2017 tại Đắk Nông có nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm trong việc cấp đất theo kế hoạch 437

“Tuy nhiên do phân cấp cán bộ nên phải giao các ngành chức năng xác minh, xử lý theo quy định. Hiện Ban thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh cũng lập hai đoàn kiểm tra, xác minh để xử lý từng trường hợp cụ thể, không thể nói chung sẽ giải quyết như thế nào. Về xử lý sai phạm, vẫn tiếp tục có nhiều xử lý vi phạm hành chính, hình sự”, ông Tùng nói./.

Quốc Hùng (tổng hợp)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top