Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 17 tháng 9 năm 2017 | 4:2

Tin tức Tây Nguyên: Sầu riêng tăng giá, tư thương mua cả trái non; điều tra vụ 33.000m3 gỗ biến mất

Mặc dù có hàng tấn sầu riêng trong nhà nhưng những người thu mua không thể tìm được một trái sầu riêng ngon để ăn. Nguyên nhân là do giá tăng cao, thương lái đã thu hái sầu riêng non để bán, khiến chất lượng sầu riêng ở Đắk Lắk đang đi xuống.

Đắk Lắk: Sầu riêng tăng giá, tư thương mua cả trái non, tẩm thuốc nhanh chín

Theo người dân, nguyên nhân của tình trạng trên là khi thu hái, do sợ không đủ số lượng cho các đơn hàng trong khi đã nhận tiền cọc của thương lái nên bà con cắt đồng loạt chứ không phân loại để thu thành nhiều đợt. Chính vì thế mà trong lô hàng có trái non, trái già và cả trái đã chín.

Nếu như thời điểm này năm ngoái, giá sầu riêng dưới 40.000 đồng/kg, thì hiện nay sầu riêng tốt nhất có giá lên đến hơn 50.000 đồng. Với mức giá này, nông dân thu vài trăm triệu đến cả tỷ đồng/ha. Nhưng việc thương lái tranh thủ bán ngay để được giá cao, bất chấp non già đang làm sầu riêng Đắk Lắk bị giảm sút chất lượng.

Giá sầu riêng tăng cao, thương lái bất chấp thu mua non khiến sầu riêng Đắk Lắk bị giảm sút chất lượng và mất uy tín

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk lo ngại: “Tình trạng bán trái non và tẩm chất kích thích trái chín đang khiến chất lượng sầu riêng của Đắk Lắk bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nông dân không nên vì cái lợi trước mắt mà tự đánh mất thương hiệu uy tín của mình trong tương lai”.

Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 2.000ha sầu riêng được trồng chủ yếu tại các huyện Krông Pắk, Ea Kar, Krông Búk, thị xã Buôn Hồ, Krông Năng và Ea H’leo, trong đó diện tích sầu riêng ở huyện Krông Pắc chiếm gần một nửa.

Bệnh lở mồm long móng diễn biến phức tạp tại TP. Buôn Ma Thuột

Theo UBND TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), địa phương vừa ghi nhận 2 ổ bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc thuộc xã Cư Êbur và phường Tân Lập.

Ổ bệnh được phát hiện ngày 8/9 trên đàn lợn 50 con của hộ ông Trần Ngọc Quang, tổ dân phố 7, phường Tân Lập. Tiếp đó ngày 10/9, tại buôn Kdun, xã Cư Êbur cũng phát hiện bệnh lở mồm long móng trên đàn bò 20 con của 3 hộ dân.

Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm gia súc mắc bệnh của Cơ quan Thý y vùng VI cho thấy, đàn lợn của hộ ông Trần Ngọc Quang, phường Tân Lập và đàn bò của 3 hộ dân xã Cư Êbur dương tính với virút lở mồm long móng type 0.

Trạm Thú y TP. Buôn Ma Thuột và các phòng chức năng đã tiêu hủy toàn bộ số lợn bị mắc bệnh. Trước diễn biến phức tạp của bệnh lở mồm long móng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương phân công lực lượng, khẩn trương triển khai các biện pháp điều trị bệnh lở mồm long móng cho đàn gia súc.

 

Lâm Ðồng: Tái canh cà phê đứng đầu cả nước

Nhờ đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê, nhiều diện tích cà phê già cỗi đã được thay thế, tạo ra năng suất cao từ 5-8 tấn/ha, đưa Lâm Ðồng trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về tái canh cà phê, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân.

Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định, thông qua chương trình tái canh, cải tạo cà phê trên địa bàn tỉnh, đã trẻ hóa vườn cây cà phê già cỗi, góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 24,8 tạ/ha năm 2012 tăng lên 29,6 tạ/ha năm 2016, cá biệt có một số mô hình chuyển đổi giống cà phê đạt hiệu quả cao, năng suất vượt trội đạt từ 7-8 tấn/ha. Từ hiệu quả của chương trình, nhiều hộ dân đã tự bỏ vốn học tập, làm theo.

 

Gia Lai: Điều tra vụ gần 33.000m3 gỗ biến mất

Đã có 418ha rừng do hai ban quản lý rừng phòng hộ (Ban QLRPH) Bắc An Khê và Ya Hội quản lý để mất. Tương tự, số đất lâm nghiệp do 2 ban này quản lý bị thất thoát lên đến 2.150ha.

UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh vào cuộc làm rõ. Kết quả: “Trong 1.266,3ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, Ban QLRPH Bắc An Khê để mất hơn 251,9ha rừng và Ban QLRPH Ya Hội để 882,6ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, trong đó mất 166,7ha rừng”.

Trong số hơn 418,6ha rừng bị mất, có đến 329,5ha là rừng tự nhiên, với trữ lượng gỗ ước từ hơn 16.000 - 33.000m3. UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh Gia Lai điều tra về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong số hơn 418,6ha rừng bị mất, trong đó có đến 329,5ha là rừng tự nhiên, với trữ lượng gỗ ước từ hơn 16.000 đến gần 33.000m3

Ngày 14/9, Sở NN&PTNT Gia Lai cho biết, đã thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Trương Duy Sinh, Trưởng ban QLRPH Ya Hội và khiển trách đối với ông Đỗ Hữu Long, Phó trưởng ban QLRPH Bắc An Khê vì đã để mất rừng tự nhiên, rừng trồng và đất lâm nghiệp.

 

Đắk Nông: Trách nhiệm của doanh nghiệp sẽ được làm rõ sau khi cơ quan công an điều tra

Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông đã lập hồ sơ từng vụ việc trong vụ phá 53ha rừng, trong đó sẽ chuyển cho cơ quan công an 16 vụ phá rừng có tính chất hình sự.

Để mất rừng và bị thanh tra là Hợp tác xã Hợp Tiến, doanh nghiệp được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê hơn 1.200 ha rừng ở xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong vào tháng 2/2016.

Theo kết luận của Thanh tra Sở Tài Nguyên và Môi trường Đắk Nông, sau hơn 1 năm được bàn giao đất trên thực địa (từ tháng 3/2016 đến nay), ngoài 53ha bị phá, 270ha khác trong dự án này đang bị tranh chấp phức tạp. Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp ngày càng phức tạp là ranh giới đất giữa người dân và hợp tác xã chưa rõ ràng; người dân lấn chiếm, canh tác trên đất đã nhiều năm nhưng các ngành chức năng không xử lý dứt điểm.

Ông Lê Quang Dần, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, trên cơ sở kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông đã lập hồ sơ từng vụ việc trong vụ phá 53ha rừng tại đây, trong đó, sẽ chuyển cho cơ quan công an 16 vụ phá rừng có tính chất hình sự.

Ông Lê Quang Dần cho rằng, trách nhiệm của hợp tác xã Hợp Tiến cũng sẽ được làm rõ sau khi cơ quan công an làm sáng tỏ các vụ việc.

 

Kon Tum: Xem xét khởi tố vụ án gỗ lậu vùng biên giới

UBND huyện Ia H’Drai (Kon Tum) đã có văn bản gửi cơ quan công an huyện xem xét khởi tố vụ án vụ phát hiện nhiều gỗ lậu dọc biên giới huyện. Được biết, 1 trong 3 bãi gỗ trong vụ việc đã bị kẻ gian đốt nhằm phi tang nhưng bất thành.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch UBND huyện Ia Hdrai, khi thấy có hiện tượng đó, lực lượng biên phòng, UBND xã đã tiến hành canh giữ 24/24 để phục vụ công tác điều tra. Hiện tượng đốt gỗ là có nhưng gỗ chỉ mới bị cháy xém.

Trước đó, từ ngày 3/9, người dân ở khu vực biên giới xã Ia Đal phát hiện nhiều bãi tập kết gỗ lậu dọc tuyến biên giới với Campuchia, nên trình cáo với UBND xã. Qua kiểm tra khu vực cột mốc 13 và 14, cách đường tuần tra vùng biên chừng 15m, lực lượng đã phát hiện có 3 bãi tập kết gỗ chứa khoảng 30m3 gỗ từ nhóm II – VIII. Đây là khu vực thuộc Đồn Biên phòng Suối Cát quản lý.

Quốc Hùng (tổng hợp)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top