Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 29 tháng 1 năm 2018 | 9:31

Tin tức Tây Nguyên: Thanh tra Chính phủ đề nghị trồng lại 16ha rừng bị phá

Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Phú Yên giữ nguyên quy hoạch rừng, trồng lại 16 ha rừng bị phá.

Phú Yên: Buộc phục hồi 16ha rừng đặc dụng đèo Cả

Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo kết quả kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng 16 ha rừng đặc dụng tại xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) để khai thác đất phục vụ thi công dự án hầm đường bộ đèo Cả của Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch (Phú Yên).

Thanh tra Chính phủ xác định: Khu vực trên đang được quy hoạch là đất rừng đặc dụng, chức năng bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu vực cấm hoạt động khai khoáng. Khu rừng đặc dụng này đang được Ban quản lý rừng đặc dụng đèo Cả quản lý, ký hợp đồng giao khoán cho 11 hộ bỏ vốn trồng rừng.

Khu vực rừng đặc dụng đèo Cả bị phá

Từ đề xuất của Tập đoàn Hải Thạch, các cơ quan liên quan đã tham mưu UBND tỉnh Phú Yên bổ sung 16 ha rừng đặc dụng vào quy hoạch khoáng sản trong khi đây là khu vực cấm khai thác. Ngay sau khi mỏ đất được bổ sung vào quy hoạch khoáng sản, hồ sơ chưa hoàn chỉnh, chưa được phê duyệt nhưng Sở TN&MT vẫn kiến nghị UBND tỉnh cho phép Tập đoàn Hải Thạch vừa khai thác vừa hoàn tất thủ tục. Và dù Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Phú Yên đã có văn bản tạm thời cấm khai thác nhưng tỉnh Phú Yên vẫn cấp giấy phép khai thác khi chưa có quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng rừng…

Hiện, văn bản xin ý kiến Bộ NN&PTNT về chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng tại khu vực trên của Sở NN&PTNT vẫn chưa được trả lời nhưng tỉnh đã ra thông báo thu hồi đất, huyện Đông Hòa phê duyệt phương án bồi thường và cho các hộ dân tận thu lâm sản...

Từ kết luận trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân để xảy ra các vi phạm theo đúng quy định. Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên giữ nguyên quy hoạch rừng đặc dụng, không điều chỉnh sang đất khác đối với khu vực mỏ đất có diện tích 16 ha nêu trên. Đồng thời thực hiện ngay việc phục hồi môi trường, trồng lại rừng theo phương án đã được phê duyệt, đảm bảo chức năng bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh…

Đắk Lắk: Bất ngờ về hiệu quả của mô hình trồng chuối xen canh sầu riêng

Nói đến mô hình đa cây, người ta nghe nhiều đến cà phê xen tiêu, cà phê xen sầu riêng… Ở Đắk Lắk lại có mô hình trồng xen chuối trong vườn sầu riêng của HTX Nông nghiệp Ko Siêr, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột.

Ông Y Kuôm Niê Siêng, Chủ nhiệm HTXNN Ko Siêr, chia sẻ, trước đây, 97ha đất của HTX chỉ trồng thuần cây cà phê. Khi vườn cà phê đã già cỗi, thoái hóa, HTX quyết định chặt bỏ để thay thế bằng cây sầu riêng giống cơm vàng hạt lép. “Nhận thấy nếu chỉ trồng độc canh một loại cây sẽ có nhiều rủi ro, nên năm 2014, sau khi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, HTX đã trồng thí điểm 20.000 cây chuối xen trong vườn sầu riêng. Sau đợt thu hoạch đầu tiên thành công với sản lượng gần 100 tấn trái chuối, HTX đã triển khai trồng xen các giống chuối già hương, già lùn, chuối tiêu hồng trên toàn bộ diện tích”, ông Siêng nói.

Trung bình mỗi năm HTX thu hoạch được 150 tấn chuối quả các loại

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên toàn bộ diện tích chuối trồng xen sầu riêng của HTX đều phát triển tốt, trung bình mỗi năm HTX thu hoạch được 150 tấn chuối quả các loại, với giá bán ổn định tại vườn từ 2.500 – 3.000 đồng/kg.

Bà Võ Hoàng Như, cán bộ Hội Nông dân phường Tân Lập cho biết, nhờ đầu ra và giá cả ổn định, mô hình trồng xen chuối trong vườn sầu riêng không chỉ tận dụng được khoảng đất mà còn góp phần nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích đất. Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, sản xuất theo hướng tập trung là cách giúp mô hình kinh tế HTXNN Ko Siêr phát triển có hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Lâm Đồng: Thu nhập cao từ mô hình giống rau mới nhập nội – cải xoăn Kale

Một số nông dân tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đã đưa cây cải xoăn Kale, một giống rau mới từ nước ngoài về gieo trồng cho thu nhập cao hơn so với rau truyền thống.

Đây là loại rau được đánh giá khá phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Đà Lạt nên rất hiếm khi xuất hiện sâu bệnh. Cây cải Kale từ khi xuống giống cho tới ngày được thu hoạch lá là 2,5 tháng. Đây là loại cây trồng dài ngày nhưng cho sản phẩm quanh năm. Do chỉ thu hoạch lá nên cây đạt chiều cao tối đa lên tới hơn 1m, năng suất lá tăng dần theo độ tuổi của cây.

Người dân Lâm Đồng đưa cây cải xoăn Kale, một giống rau mới từ nước ngoài về gieo trồng cho thu nhập cao

Theo người dân, mỗi ngày gia đình chị đang thu hoạch khoảng 40kg lá rau cải xoăn Kale. Đến nay, trên thị trường, loại cải này vẫn còn khá hiếm nên vào thời gian cao điểm, 1kg cải xoăn Kale có giá tại vườn lên tới 70.000 đồng. Với giá bán trung bình từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, loại rau này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại rau khác.

Hiện cải xoăn kale đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, có giá bán tại vườn khá cao, ổn định, là cơ hội làm giàu cho nhà nông Đà Lạt.

Gia Lai: Giá tiêu giảm không phanh, ‘thủ phủ hồ tiêu’ thành ‘thủ phủ nợ nần’

Huyện Chư Sê và Chư Pưh (Gia Lai) từng được mệnh danh là ‘thủ phủ hồ tiêu’ của Tây Nguyên, khi có thời ở đây rất nhiều nông dân trở thành tỷ phú, xây nhà lầu, tậu xe hơi dễ dàng nhờ trồng tiêu. Tuy nhiên, do giá tiêu liên tục giảm sâu, lại thêm tình trạng tiêu chết hàng loạt nên nhiều hộ lâm vào cảnh thua lỗ, phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn đi tha hương làm ăn. Tết nay, chuyện buồn vẫn chưa hết…

Ông Nguyễn Long Khánh, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Pưh cho biết: “Diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện là 2.800ha, những năm qua do thời tiết diễn biến thất thường, nắng hạn, cộng thêm việc người dân mở rộng diện tích ồ ạt, đẩy mạnh thâm canh… nên dịch bệnh trên cây hồ tiêu xuất hiện tràn lan. Hàng nghìn ha tiêu bị chết trắng, giá thì giảm mạnh, thua lỗ khiến nhiều hộ nông dân trở thành con nợ, bỏ xứ đi làm ăn xa… Tháng 12/2017, chúng tôi đã đề nghị ngân hàng rà soát, khoanh nợ và giảm lãi cho bà con. Hiện, Phòng NN-PTNT đang xây dựng dự án hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, khuyến cáo nông dân luân chuyển sang cây bơ, cam, sầu riêng…, đợi hết mầm bệnh trong đất rồi mới trồng tiêu trở lại.”.

Tình trạng tiêu chết hàng loạt nên nhiều hộ lâm vào cảnh thua lỗ

Hiện nay, một số hộ dân đang lâm nợ vì giá tiêu giảm ở huyện Chư Pưh nhưng họ vẫn đang có ý định tiếp tục trồng tiêu nếu như giá lên cao.

Công ty CP Đường Kon Tum chậm thu mua mía: Mía trổ bông, nông dân gặp khó khăn

Đã quá thời gian thu hoạch 2 tháng nhưng Công ty Cổ phần Đường Kon Tum vẫn rất chậm trong thu mua mía. Trước thực trạng trên, không chỉ thấp thỏm lo sợ trọng lượng mía giảm, người trồng mía tại thành phố Kon Tum còn mất ăn mất ngủ, xót xa nhìn hàng trăm héc ta mía trổ cờ trắng đồng, xốp ruột, và có nguy cơ cháy trước nắng nóng.

Theo thời vụ, cứ đến giữa tháng 11 hàng năm, người trồng mía đã thu để bán cho Công ty CP Đường Kon Tum. Năm nay, gần đến tháng 2/2018, người dân vẫn nhấp nhổm lo sợ nhìn mía trổ cờ trắng đồng.

Công ty thu mua mía chậm, mía trổ bông, nông dân Kon Tum gặp khó khăn

Ông Nguyễn Thành Cơ, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trãi bày tỏ niềm lo lắng cho bà con trồng mía trong phường. “Thời tiết hanh khô, mía rất dễ cháy trên diện rộng nên chúng tôi rất lo lắng. Việc thu mua chậm như hiện nay còn ảnh hưởng đến việc sản xuất vụ sau của bà con, có thể phường sẽ không đạt kế hoạch được giao”.

Trước tình hình trên, nhiều hộ dân bức xúc cho biết, trong thời gian đến sẽ chuyển diện tích trồng mía sang trồng mì. “Gần 40 năm gắn bó với cây mía nhưng với đà này, sắp tới tôi sẽ chuyển sang trồng mì. Trồng mì đỡ lo lắng hơn, nhiều công ty, nhiều người thu mua, hợp giá thì mình bán, còn trồng mía, lệ thuộc vào 1 công ty nên rất khó”, một người dân cho biết./.

Quốc Hùng (tổng hợp)

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top