Với gần 2.500ha bị nhiễm bệnh, hơn 140ha bị nhổ bỏ, hiện người dân Lâm Đồng – vùng trồng cà chua lớn nhất nước đang khốn đốn bởi cây trồng nhiễm bệnh.
Lâm Đồng: Virus lạ làm cà chua chết hàng loạt
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (CCTT-BVTV) Lâm Đồng vừa phối hợp với các chuyên gia Trung tâm Rau thế giới (AVRDC – trụ sở tại Đài Nam, Đài Loan, Trung Quốc) tiến hành lấy mẫu tại vườn ở một số khu vực đang bị nhiễm bệnh nặng thuộc các huyện Đơn Dương, Đức Trọng và TP Đà Lạt. Bước đầu, các chuyên gia nhận định ngoài một số loại virus gây bệnh cho cà chua đã biết, có loại virus mới, chưa được nói tới ở Việt Nam.
Tiến sĩ Lawrence cho biết, ông khá bất ngờ vì phần lớn virus trên đồng thuộc một loại mới, đã được phát hiện tại các nước trong khu vực cách đây vài năm, lâu nay chưa thấy nói có ở Việt Nam. Ông cũng cho rằng đa số các loại virus này không lây lan qua hạt giống, trừ virus TMV sẽ định danh sau. Tỷ lệ cây bị hại phải nhổ bỏ lên tới trên 50%, thậm chí có những diện tích mới 40 ngày tuổi đã phải nhổ bỏ hoàn toàn. Có nhiều con đường lây lan virus, từ các phương tiện vận chuyển, hoa quả nhập khẩu đến con người qua lại giữa các ruộng, các vùng và thậm chí giữa các nước…
Virus lạ làm cà chua chết hàng loạt tại Lâm Đồng
Định danh các loại virus hiện có trên cà chua ở Lâm Đồng là một trong những việc quan trọng trong việc xác định các biện pháp trước mắt và lâu dài để bảo vệ vùng rau Lâm Đồng. Dự kiến khoảng trung tuần tháng 1-2018, AVRDC sẽ giúp Lâm Đồng lập danh mục kèm hình ảnh triệu chứng bệnh trên đồng ruộng của các loại virus, để giúp cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân nhận dạng và những biện pháp phòng trừ bệnh hiệu quả hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chi cục trưởng CCTT-BVTV Lâm Đồng, mỗi năm tỉnh này có trên 12.000ha rau họ cà, tập trung tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương và TP Đà Lạt. Trong đó, riêng cây cà chua mỗi năm có trên 6.500ha, cá biệt năm 2013 lên tới 9.300ha. Ngoài tiêu thụ trong nước, rau họ cà của Lâm Đồng còn được xuất đi nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Cà chua là loại cây trồng hay gặp sâu bệnh, trong đó bệnh xoăn lá virus gây hại cây trồng nói chung và cây rau họ cà nói riêng đã xuất hiện tại Lâm Đồng từ lâu. Từ tháng 7-2016, bệnh đột biến gia tăng trên cây rau họ cà, ban đầu chỉ gây hại 30ha tại các xã Ka Đơn, Tu Tra (Đơn Dương), xã Phú Hội (Đức Trọng), sau đó lan rộng và trong năm 2017 đã có trên 2.500ha bị nhiễm, phải nhổ bỏ 140ha.
Tìm đường xuất khẩu cho hạt ca cao Đắk Lắk
Là một trong những cây công nghiệp giàu tiềm năng ở Đắk Lắk, những năm gần đây, cây ca cao đã khẳng định được vị thế của mình bằng việc liên kết sản xuất theo chứng nhận quốc tế, nâng cao giá trị sản phẩm thông qua mô hình HTX.
Ở Đắk Lắk, cây ca cao có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, từ khí hậu thổ nhưỡng đến cây giống, kỹ thuật và chính sách quy hoạch. Đặc biệt, các HTX sản xuất ca cao sớm được hình thành đã giúp nông dân giữ được vùng nguyên liệu, duy trì mô hình liên kết sản xuất thông qua các HTX để hình thành chuỗi giá trị.
Tham quan vườn ca cao trên địa bàn Đắk Lắk
Đắk Lắk hiện có khoảng 2.000ha ca cao, năng suất đạt 12 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 1.400 tấn khô. Đặc biệt, dự án “Phát triển ca cao bền vững bắt đầu từ mô hình HTX” do Trung tâm Thương mại quốc tế Bỉ (BTC) và tổ chức mạng lưới những nhà sản xuất Châu Á – Thành Bình Dương (NAPP) tài trợ, Liên minh HTX Việt Nam đã triển khai thực hiện tại địa bàn 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Sau hơn 1 năm triển khai, dự án đã kiện toàn xây dựng năng lực cho 2 HTX trên địa bàn tỉnh là HTX nông nghiệp, dịch vụ và thương mại Thành Đạt; HTX nông nghiệp sản xuất, thu mua và chế biến ca cao Ea Kar để sản xuất ca cao theo tiêu chuẩn Thương mại Công Bằng (Fairtrade); khảo sát, hỗ trợ thành lập mới 1 HTX sản xuất ca cao tại tỉnh Đắk Nông.
Ông Nguyễn Thiên Văn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, ở các đơn vị được cấp chứng nhận Fairtrade, sản phẩm của họ đã bán được với một mức giá ổn định hơn, đồng thời, bên mua cũng trả thêm một khoản tương ứng gọi là quỹ phúc lợi. Từ nguồn quỹ này, các đơn vị cũng đã đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, kho bãi, trường học… nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt và sản xuất cho người dân.
Gia Lai: Tiêu chết, kéo nhau trồng nghệ, nông dân méo mặt
Cây tiêu chết, nông dân kéo nhau trồng nghệ và giờ hàng trăm hecta nghệ trên địa bàn huyện Chư Sê và huyện Chư Pưh (Gia Lai) dù đã đến thời kỳ thu hoạch, nhưng không có thương lái đến thu mua.
Đầu năm 2017 nhiều hộ dân nghe thông tin sẽ thu được lợi nhuận “khủng” từ cây nghệ. Tưởng có thể thoát khỏi cây hồ tiêu và sẽ phất lên nhanh chóng khi triển khai mô hình trồng cây nghệ. Nhưng chưa kịp vui mừng thì thêm một lần nữa họ lại “khóc đứng, khóc ngồi” với hàng trăm ha nghệ đã đến thời điểm thu hoạch nhưng không có một bóng dáng thương lái nào đến thu mua.
Hàng trăm hecta nghệ trên địa bàn huyện Chư Sê và huyện Chư Pưh (Gia Lai) dù đã đến thời kỳ thu hoạch, nhưng không có thương lái đến thu mua
Ông Lê Quang Vang, Phó chủ tịch xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh cho hay, từ khi tiêu chết, đất trống nhiều nên nông dân họ chuyển qua trồng nghệ và trồng theo phong trào tự phát. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn xã Ia Blứ có khoảng gần 100ha nghệ của các hộ dân. Hiện, trên địa bàn vẫn chưa thấy ai vào thu mua, vấn đề này bên xã đã liên hệ với công ty dưới TP.Hồ Chí Minh để tìm đầu ra cho bà con nhưng họ vẫn chưa phản hồi?
Kon Tum: Phát hiện 44 con bò mắc bệnh lở mồm long móng
Cơ quan chức năng đã phát hiện dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn bò tại thôn 2, xã Ia Dal, huyện Ia H’Drai với 44 con bò trong tổng đàn bò 64 con của 14 hộ chăn nuôi. Công tác phòng chống dịch bệnh đang được tích cực triển khai.
Phát hiện 44 con bò mắc bệnh lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Ngay sau khi nhận được thông tin dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã triển khai và hướng dẫn các biện pháp xử lý ổ dịch, phòng chống dịch, bệnh theo quy định; chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh và chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả, nhằm sớm khống chế dập tắt ổ dịch không để lây lan thành dịch; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh để người chăn nuôi biết và chủ động trong công tác phòng chống...
Quốc Hùng (tổng hợp)
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.