Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 7 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP.
Đắk Lắk: Xây dựng 7 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP
Cụ thể: mô hình nuôi heo của Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại cám Fukoku Tây Nguyên, DNTN Hoàng Minh Phát; mô hình rau của các Công ty TNHH H.T FARM, TNHH MTV giống cây trồng Văn Nhân, Cổ phần nông nghiệp CNC Agrieco Việt Nam; bơ của Công ty TNHH Vinacado; cam, quýt của HTX Nông nghiệp thương mại, dịch vụ vận tải Thành Công.
Đã có 3 mô hình (Fukoku Tây Nguyên, Hoàng Minh Phát, H.T FARM) đã được kết nối theo chuỗi, sản phẩm đang được bày bán tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại TP. Buôn Ma Thuột. Các mô hình còn lại đang tập trung sản xuất để duy trì nguồn hàng ổn định nhằm hướng đến sự kết nối theo chuỗi với các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trên địa bàn.
Đắk Lắk xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP
Theo đánh giá, việc sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP đã thay đổi nhận thức của nông dân về sản xuất nông sản thực phẩm, đồng thời tạo nguồn hàng ổn định để cung cấp cho các điểm bán thực phẩm sạch, giúp người tiêu dùng tiếp cận được nguồn thực phẩm an toàn.
Lâm Đồng: Công Thành - thành công từ rau củ baby
Hợp tác xã Su Su Công Thành với các loại rau củ quả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được thu hái ở độ phát triển non ngọt, đậm đà, sâu chưa kịp làm tổ, vi khuẩn chưa kịp sinh sôi… đang thu hút sự quan tâm của thị trường và được người tiêu dùng lựa chọn.
Giám đốc HTX Su Su Công Thành, anh Nguyễn Thành Công, cho biết Công Thành có gần 50 mã hàng rau củ quả cao cấp sản xuất theo quy trình HACCP, tập trung vào các sản phẩm baby và các loại rau củ su su, dưa leo, bông bí, bí bao tử, tiêu xanh, củ cải đỏ, cà chua, mướp non, bầu đất, trà dây, xà lách thủy canh… Sản phẩm của Công Thành đủ tiêu chuẩn vào siêu thị, nhà hàng, cửa hàng tiện ích ở khu vực phía Nam, với khoảng 3-4 tấn/ngày…
Gia đình anh Nguyễn Duy Hướng (thôn Nam Hà, xã Nam Hà) mỗi ngày thu khoảng 250 tạ dưa và 1 tấn su su quả, trên diện tích 1,5 sào dưa nhà lồng và 6 sào su su chia làm 3 lốc trồng gối đầu. Mỗi lốc su su có vòng đời khoảng 7 tháng, xoay vòng để luôn có một lốc vừa tàn, một lốc đang thu và một lốc chuẩn bị thu. Còn 1,5 sào dưa leo baby vừa thu được 10 ngày, lúc rộ có thể đạt 5-6 tạ/ngày và thu trong vòng 30-40 ngày.
Sản phẩm của Công Thành đủ tiêu chuẩn vào siêu thị, nhà hàng, cửa hàng tiện ích ở khu vực phía Nam
Nhà anh Hướng mới liên kết với HTX Su Su Công Thành từ đầu năm 2017, cũng là lần đầu tiên và là người đầu tiên của thôn Nam Hà chuyển đổi diện tích từ cà phê sang rau. Đến lúc này, anh đã chuyển đổi hết diện tích mình có để làm 6 sào su su và 3 sào nhà lồng. Trung bình mỗi tháng anh có doanh thu khoảng 50 triệu đồng. Xác định, rau củ quả có biên độ hao hụt lớn, dễ dập hỏng, khô héo…; ngành rau cũng rủi ro không ít do cạnh tranh, thời tiết, rau chính vụ - trái vụ… nên Công Thành khuyến khích các hộ dân liên kết xây dựng kế hoạch sản phẩm cho mỗi giai đoạn của thị trường, với các mặt hàng và sản lượng rau hợp lý.
Gia Lai: Giá mía rẻ, nông dân Đắk Pơ điêu đứng
Thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện Đắk Pơ đã bắt đầu thu hoạch mía niên vụ 2017-2018. Tuy nhiên, giá mía năm nay chỉ dao động ở mức 700-780 đồng/kg mía 10 chữ đường, tức là giảm gần bằng một nửa so với năm ngoái. Điều này, khiến người dân trồng mía điêu đứng.
Niêm vụ 2017 - 2018 giá mía giảm mạnh khiến người dân trồng mía điêu đứng
Theo ông Nguyễn Hoàng Phước – Phó giám đốc nhà máy đường An Khê, thì năm nay, do giá đường giảm mạnh, nên giá mía cũng bị kéo giảm theo… Khác với năm trước, năm nay nhà máy tiến hành quản lý việc cấp phiếu và quản lý đầu xe chặt chẽ hơn. Ưu tiên chặt những diện tích mía chín sớm, mía năm ba trở lên để cày phá, trồng lại cho kịp thời vụ. Đồng thời khuyến cáo bà con nông dân chặt mía sạch, bỏ hết ngọn non để đảm bảo giảm tạp chất và tăng chữ đường cho bà con.
Kon Tum: Xây dựng Vườn bảo tồn và phát triển dược liệu quý hiếm
Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Sài Gòn (SMI) vừa ra mắt Phân viện Tây Nguyên tại Khu du lịch sinh thái Măng Đen, xã Đắk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Sài Gòn hiện đã có 10 sản phẩm là những thực phẩm sản xuất từ các chế phẩm của đông trùng hạ thảo, sâm dây, sâm Hàn Quốc, yến sào… Các sản phẩm này gần gũi với thiên nhiên, được SMI nâng cao giá trị thương mại và dinh dưỡng.
Việc xây dựng Vườn bảo tồn và phát triển dược liệu quý hiếm tại Măng Đen, Kon Tum của SMI nhằm chọn lọc các loài dược liệu đặc trưng quý hiếm từ những vườn quốc gia, khu bảo tồn của Tây Nguyên để đội ngũ khoa học của Viện khảo nghiệm và phát triển thành ngân hàng mô, ngân hàng giống cung cấp và hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng cho các nông trường và bà con đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Khi phát triển rộng, SMI sẽ thu mua tất cả các sản phẩm của người dân để chế biến thành thực phẩm chức năng, nguyên liệu bào chế các loại thuốc mới chữa bệnh, nâng cao sức khỏe, sắc đẹp…
Đắk Nông: TX.Gia Nghĩa phát triển mạnh diện tích rau xanh
Thống kê mới đây của UBND thị xã cho thấy, diện tích rau xanh hiện đã vượt xa quy hoạch. Theo quy hoạch, thị xã đặt mục tiêu đến năm 2020, diện tích trồng rau an toàn là 36 ha, năng suất đạt 264 tạ/ha và sản lượng đạt 2.853 tấn, đáp ứng khoảng trên 32% nhu cầu sử dụng rau an toàn của thị xã. Đến năm 2030, thị xã sẽ tăng diện tích đất canh tác rau an toàn lên 55 ha, năng suất đạt 273 tạ/ha, nâng sản lượng lên 5.400 tấn, cơ bản bảo đảm đáp ứng nhu cầu rau an toàn. Thế nhưng, hiện nay, diện tích rau xanh của thị xã ước đạt 170 ha, sản lượng đạt trên 1.922 tấn. So với năm 2016, diện tích rau xanh tăng gần 8% và trên 9% về sản lượng.
Hiện nay, diện tích rau xanh của thị xã Gia Nghĩa ước đạt 170 ha
Diện tích quy hoạch trồng rau an toàn chủ yếu tập trung ở các xã Đắk R’moan và Đắk Nia, nhưng hiện nay nông dân ở các phường Nghĩa Phú, Nghĩa Đức, Nghĩa Trung đã trồng nhiều và hàng năm tăng nhanh. Mặc dù diện tích trồng rau đã vượt quy hoạch nhưng giá rau vẫn ổn định và các hộ đều có thu nhập cao.
Ông Vũ Tá Trọng, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Gia Nghĩa cho biết: Nhằm khai thác lợi thế về điều kiện đất đai và thị trường tiêu thụ, nhiều nông dân đã chủ động chuyển đổi một số cây trồng hiệu quả thấp sang trồng rau xanh và mang lại hiệu quả cao. Thời gian qua, Hội nông dân và các tổ chức đoàn thể, cơ quan chuyên môn đã tập trung tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân trồng rau. Với định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020, thị xã cũng đã hỗ trợ nhiều nông dân kinh phí làm nhà lồng, nhà kính để trồng rau và sản xuất theo các tiêu chuẩn rau an toàn, VietGAP.
Quốc Hùng (tổng hợp)
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.