Chiều 8/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính: "Chỉ cần tinh giản biên chế 2 năm, có hơn 20.000 tỷ GPMB sân bay Long Thành". |
ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cho rằng dự án Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, cho nên Quốc hội cần tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai trước, nếu chờ đến thời điểm Quốc hội phê duyệt tổng thể dự án thì e rằng sẽ rất chậm.
Đồng tình, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng trong mỗi dự án, giải phóng mặt bằng thường có đặc thù khó khăn và phức tạp hơn cả, thời gian cũng kéo dài hơn nên cần tách việc này thành dự án thành phần để sớm có “đất sạch” khởi công dự án một cách thuận lợi.
Tuy nhiên, vị ĐB này bày tỏ băn khoăn về kinh phí thực hiện dự án khi ngân sách mới bố trí được 5.000 tỷ đồng trong khi nhu cầu lên tới 23.000 tỷ đồng. “Kế hoạch đã phân bổ hết, vậy số kinh phí còn lại lấy ở đâu?” – ông Tiến đặt câu hỏi.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cũng có chung câu hỏi này. Ngoài băn khoăn về kinh phí, ông Phương cũng lưu ý việc triển khai phải công khai, minh bạch, không để lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân lợi dụng trục lợi, đồng thời, phải có cam kết để tránh khiếu kiện của người dân.
ĐB Trần Anh Tuấn (TP.HCM) kiến nghị Chính phủ cùng các Bộ, ngành có kế hoạch chi tiết để triển khai, cùng với đó, tập trung nguồn lực đẩy nhanh việc nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, xoá bỏ việc “sân golf thông thoáng bên cạnh sân bay quá tải”.
Trước băn khoăn của nhiều đại biểu về nguồn vốn lấy đâu ra 23.000 tỷ để giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành và đề nghị Chính phủ giải trình. Tranh luận lại, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính tán thành và đồng tình giải pháp Chính phủ đưa ra. "Chỉ cần tinh giản biên chế 2 năm, có hơn 20.000 tỷ GPMB sân bay Long Thành".
Ông Phạm Minh Chính đưa ra 2 giải pháp có tính khả thi và hiệu quả. Một là Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội cơ chế đặc biệt cho giải phóng mặt bằng, ổn định tái định cư. Thứ hai là tiết kiệm chi phí thường xuyên trên cả nước.
"Sau 2 năm triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị, biên chế của ta không giảm mà còn tăng, chi tiêu thường xuyên tăng lên con số tương đối là 62,3% năm 2015 và 65,7% năm 2016. Dự kiến năm 2017 là 64,9%, tăng con số tuyệt đối năm 2016 so với 2015 là trên 50.000 tỷ, năm 2017 tăng so với 2015 là 114.000 tỷ.
Riêng 2017 ta tiết kiệm chi 1% thôi là có trên 10.000 tỷ, năm 2018 tiết kiệm chi 1% thì có trên 10.000 tỷ nữa. Như vậy chúng ta có trên 20.000 tỷ. Muốn làm vậy chúng ta phải giảm đầu mối, giảm biên chế theo đúng tinh thần nghị quyết 39 của Bộ Chính trị là có thể giải quyết được việc này".
"Chúng ta cứ loay hoay nhưng tất cả chúng ta cùng giảm biên chế, giảm đầu mối theo tinh thần nghị quyết 39 thì giải quyết được việc này", Trưởng Ban Tổ chức T.Ư nhấn mạnh 1 lần nữa.
Tiếp sau đó, nhiều đại biểu cũng đồng tình triển khại dự án sân bay Long Thành. Một số đại biểu băn khoăn về số tiền tăng từ 5.000 tỷ lên 23.000 tỷ, con số này cần được thảo luận kỹ./.