Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 4 tháng 8 năm 2020 | 21:1

Tình hình ở Đà Nẵng, Quảng Nam đang được kiểm soát

Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định tình hình ở Đà Nẵng và Quảng Nam đang được kiểm soát

Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định tình hình ở Đà Nẵng và Quảng Nam đang được kiểm soát, nhưng dự báo trong những ngày tới đây sẽ tiếp tục phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng qua xét nghiệm và nhiều khả năng sẽ còn các ca tử vong là những bệnh nhân nặng đang điều trị tại các khoa chạy thận nhân tạo, hồi sức cấp cứu, tim mạch.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Dịch bệnh ở thành phố Đà Nẵng thời gian qua là lời cảnh báo rất nghiêm khắc. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Ngày 4/8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đã họp triển khai công tác phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Dịch bệnh bùng phát từ khi nào? Ổ dịch ở đâu?

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trên địa bàn Đà Nẵng, Viện đã tiến hành xét nghiệm kháng thể 5.000 mẫu trên tổng số 7.000 mẫu đã được thu thập ở các khu cách ly và trong cộng đồng.

Trên cơ sở kết quả thu được, có căn cứ để xác định các mẫu bị nhiễm vào khoảng đầu tháng 7 và ổ dịch ở Đà Nẵng khởi phát vào đầu tháng 7/2020. Thời gian tới, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ tiếp tục thu thập mẫu, xét nghiệm để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. 

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, căn cứ trên xét nghiệm các mắc và qua điều tra dịch tễ, có thể thấy số ca lây lan ra ngoài cộng đồng chưa nhiều. Đến thời điểm hiện tại, mới phát hiện 6 ca cộng đồng, hiện chưa có các trường hợp nào bị lây từ các bệnh nhân này. Về cơ bản tất cả các ca đều liên quan đến khối 3 bệnh viện ở Đà Nẵng. Các trường hợp lây nhiễm chủ yếu liên quan đến 3 bệnh viện này.

Đến thời điểm hiện tại, qua xét nghiệm ở thành phố Hà Nội, TPHCM và một số cơ sở y tế lớn cũng chưa phát hiện các ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng, trừ các ca liên quan đến Đà Nẵng. Như vậy, chưa có bằng chứng để khẳng định dịch bệnh lây nhiễm rất mạnh ngoài cộng đồng.

Đánh giá về thời điểm khởi phát dịch bệnh, Nhóm phân tích dữ liệu và truy vết dịch tễ cho biết, mô hình dự đoán dựa trên các dữ liệu về số lượng người ra vào Bệnh viện Đà Nẵng, hệ số lây nhiễm,… đối chiếu với diễn biến thực tiễn và thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua, có thể nói dịch bắt đầu từ tuần đầu tháng 7. Ổ dịch cơ bản tập trung vào khu 3 bệnh viện, đã được phong tỏa,…

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, qua điều tra dịch tễ, căn cứ vào các mô hình dự đoán và tham khảo ý kiến các chuyên gia, ngay từ đầu Bộ đã dự báo dịch bắt đầu từ đầu tháng 7 hoặc từ ngày 8-12/7;… Trên cơ sở các kết quả xét nghiệm, phân tích dữ liệu đã thu thập được về các ca mắc COVID-19 thời gian qua càng có thêm sở cứ để khẳng định điều này.

Đặc biệt, qua phân tích gen của virus gây bệnh trên các bệnh nhân, có thể khẳng định đây là nguồn mới xâm nhập, từ 1 điểm phát ra (khu 3 bệnh viện ở Đà Nẵng),… Do virus lần này đã đột biến, dẫn tới tình trạng lây nhiễm trong gia đình, lây nhiễm chéo cao.

Tình hình Đà Nẵng, Quảng Nam đang được kiểm soát

Về công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới, theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, căn cứ những diễn biến mới về tình hình dịch bệnh Quảng Nam, tới đây Bộ Y tế sẽ tập trung chỉ đạo, hỗ trợ chống dịch cho Quảng Nam như đã làm với Đà Nẵng.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục “tăng quân” vào khu vực này, để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ truy tìm các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng để kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch, nhanh chóng kiểm soát tình hình, giảm thiểu tối đa tử vong.

Sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia, các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận và thống nhất nhận định tình hình và đưa ra các biện pháp ứng phó dịch bệnh trong thời gian tới.

Theo Ban Chỉ đạo ngay từ lúc phát hiện ca bệnh đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế đã khẩn trương chỉ đạo thành phố Đà Nẵng tập trung chống dịch. Sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, của Ban Chỉ đạo, sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Y tế, của Đà Nẵng trong công tác phòng chống dịch, kết quả đạt được đến nay cho thấy những chính sách, quyết định đó là đúng.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định tình hình ở Đà Nẵng và Quảng Nam đang được kiểm soát. Dự báo trong những ngày tới đây sẽ tiếp tục phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng và nhiều khả năng sẽ còn các ca tử vong là những bệnh nhân nặng đang điều trị tại các khoa chạy thận nhân tạo, hồi sức cấp cứu, tim mạch.

 

Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực, phải thiết lập trạng thái bình thường mới

Về công tác phòng, chống dịch bệnh trên cả nước, Ban Chỉ đạo và các chuyên gia nhấn mạnh với gần 100 triệu dân, đường biên giới dài hơn 4.000 km nên nguy cơ có dịch luôn thường trực trong cộng đồng. Vì vậy, phải thiết lập trạng thái bình thường mới với từng người dân, gia đình, tổ chức và toàn xã hội.

Ban Chỉ đạo cho rằng, đất nước vẫn phải sản xuất, kinh doanh, vẫn phải giải trí, làm những việc cần thiết trong cuộc sống, nhưng phải trong điều kiện mới, cách làm mới để bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch.

Theo đó, phải phát hiện thật nhanh, khoanh thật sớm ở quy mô nhỏ nhất có thế. Các cơ sở y tế phải luôn sẵn sàng vì các ca bệnh chỉ dẫn ban đầu đều được phát hiện tại các cơ sở y tế. Người dân phải thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Vừa qua trong hệ thống có lúc, có nơi chủ quan. Trong xã hội cũng có tâm lý chủ quan. Do vậy phải siết lại, không phải siết lại theo thời điểm mà phải có giải pháp để thực hiện liên tục cho đến khi thế giới hết dịch.

Phát hiện ngay mọi rò rỉ, nhất là nơi xung yếu và bịt lại

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong thời gian tới, một mặt phải tập trung dập dịch nhanh nhất có thể. Mặt khác cũng phải siết chặt lại kỷ cương, “lên dây cót” cả hệ thống, trước hết trong ngành y tế.

“Cuộc chiến này còn dài đến khi nào có vaccine, thuốc đặc trị. Chúng ta mới thắng từng trận đánh, từng chiến dịch chứ chưa thắng cả cuộc chiến”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên thế giới, rất nhiều nước do lơi lỏng, dịch bệnh đã quay lại, bùng phát thành làn sóng mới, đe dọa rất nghiêm trọng. Dịch bệnh ở thành phố Đà Nẵng thời gian qua là lời cảnh báo rất nghiêm khắc cho tất cả các bệnh viện, các địa phương, các ngành, các cấp.

Theo Phó Thủ tướng, “giống như bảo vệ tuyến đê trong mùa lũ, điểm xung yếu nhất phải được canh giữ cẩn trọng nhất. Mọi rò rỉ, nhất là ở nơi xung yếu, phải được phát hiện ngay và bịt lại. Khu vực yếu nhất trong phòng, chống dịch là các bệnh viện, nhà dưỡng lão. Chỗ xung yếu của xung yếu là các khoa điều trị bệnh nhân nặng, bệnh nhân nguy kịch, bệnh nhân có các bệnh nền điều trị dài ngày như hồi sức cấp cứu, chạy thận nhân tạo. Các cấp chính quyền, ngày y tế phải tập trung vào các khâu, điểm xung yếu”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta phải thực hiện triệt để các chỉ đạo về quản lý sức khỏe của người dân, đặc biệt người cao tuổi, có bệnh nền, siết lại kỷ cương trong các bệnh viện, thực hiện nghiêm, triệt để quy định phòng dịch đối với mọi người đến khám bệnh và nhân viên y tế. Mỗi một sự cố xảy ra là một bài học và không được để bài học đó thành vô nghĩa nếu để lặp lại”.

Quyết không để câu chuyện giãn cách xã hội trên diện rộng quay trở lại

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại toàn bộ các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch. Các cơ quan truyền thông sử dụng tối đa các phương tiện, hình thức truyền tải để lan truyền những hướng dẫn, chỉ định chuyên ngành cho phù hợp với tình hình mới. Các địa phương phải tăng cường chỉ đạo, kiểm tra.

Nếu thực hiện tốt, chúng ta hoàn toàn có lòng tin sẽ chống được dịch bệnh, có cuộc sống, sản xuất kinh doanh bình thường mới, phát triển được.

“Ở đâu đó có làn sóng dịch bệnh thứ hai nhưng Việt Nam quyết tâm không để xảy ra. Không để câu chuyện quay lại giãn cách xã hội trên diện rộng, ở quy mô toàn quốc. Chúng ta phải khoanh vùng nhỏ nhất có thể, còn những nơi khác phải ở trong trạng thái bình thường mới để phát triển” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

* Cũng tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã bàn về nội dung dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường, nâng cao hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn mới; công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, máy móc phục vụ phòng chống dịch; điều chỉnh giá xét nghiệm COVID-19; vấn đề đặt máy, thuê máy phục vụ phòng chống COVID-19; giá hiệp thương mặt hàng sinh phẩm chẩn đoán COVID-19; xây dựng giá kế hoạch để các đơn vị, địa phương mua sinh phẩm; giá trang thiết bị;…

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top