Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 4 năm 2020 | 14:1

Tinh thần “Thần tốc hơn nữa, táo bạo hơn nữa” tái hiện trong chống đại dịch Covid-19

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa” của 45 năm về trước, đưa đến thắng lợi hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mệnh lệnh đó vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 hôm nay.

 

1.jpg
Chiếc xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975.

 

Cuộc chiến 45 năm trước

Sau hai chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4-24/3/1975) và Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (từ ngày 21-29/3/1975) thắng lợi, nhận thấy tình thế đang ở vào thế có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Ngày 7/4/1975, Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ký bức điện - được coi là “Mệnh lệnh lịch sử” gửi các cánh quân tham gia giải phóng miền Nam với nội dung:  Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.

Đây là một trong những mệnh lệnh quan trọng, quyết định cho sự thành bại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, và cũng là mệnh lệnh để các cánh quân tiến thẳng vào sào huyệt của kẻ thù. Bức điện lịch sử này đã góp phần quan trọng tạo nên bước ngoặt cho chiến dịch quân sự lớn nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo lời của Đại tướng, vấn đề quyết định là phải kịp thời nắm lấy thời cơ, tranh thủ vào trung tuần tháng 4 thì bắt đầu cuộc tấn công quy mô lớn vào Sài Gòn. Làm được như vậy thì thuận lợi nhất, bảo đảm thắng lợi giòn giã nhất. Bất ngờ hiện nay không còn ở phương hướng nữa. Địch biết nhất định ta sẽ đánh vào Sài Gòn, nhưng chúng cho rằng, ta cần thời gian chuẩn bị một vài tháng. Vì vậy, thời gian chính là yếu tố gây bất ngờ cho địch.

Với sự lãnh đạo tài tình của Đảng, sự mưu trí dũng cảm của bộ đội, lúc 10 giờ 30 phút, ngày 30/4, chiếc xe tăng đầu tiên mang số hiệu 390 đã húc đổ cổng chính và tiến thẳng vào sân dinh Độc Lập, cắm cờ giải phóng trên nóc dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên Đài Phát thanh Sài Gòn, hạ lệnh cho quân ngụy ngừng bắn. Đúng 11 giờ 45 phút, ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn, kế hoạch giải phóng miền Nam đã hoàn thành và thắng lợi trọn vẹn.

Và cuộc chiến hôm nay

Trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 hôm nay, một lần nữa mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa” lại được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại trong một cuộc họp trực tuyến của Chính phủ vào ngày 29/3/2020 với sự tham gia 5 thành phố trực thuộc là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19.

 

2.jpg
Những chiến sỹ áo trắng tại Bệnh viện Bạch Mai trong ngày dỡ bỏ lệnh cách ly.

 

Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát tại Thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), Việt Nam có nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao do nằm sát Trung Quốc.  Vì vậy, từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức thành lập ngay Ban chỉ đạo phòng chống dịch, để từ đó có những quyết sách xử lý ngay khi phát hiện bệnh nhân nhiễm bệnh và có phương án cách ly và điều trị kịp thời. Khi phát hiện người bệnh dương tính với Covid-19, ngay lập tức khu vực đó được chính quyền sở tại tổ chức cách ly, phun thuốc khử khuẩn, khám và có biện pháp điều trị.

Mặc dù trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, các trang thiết bị dùng trong y tế còn hạn chế, máy móc thiết bị còn lạc hậu nhưng với tinh thần tận dụng thời gian tốt nhất có thể, chúng ta đã tổ chức khám và điều trị ngay cho các đối tượng nhiễm và nghi nhiễm bệnh, có biện pháp ngăn chặn dịch bệnh ngay từ những nơi có nguy cơ mang mầm bệnh cao nhất từ bên ngoài vào Việt Nam.Tổ chức cách ly tập trung, kiểm tra, giám sát tình hình sức khỏe trong một thời gian đối với người tiếp xúc với nguồn bệnh, để từ đó phát hiện và điều trị ngay đối với những người này, không để lây lan bên ngoài xã hội.

Với tinh thần thần tốc, báo bạo trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19, hạn chế hội họp, tụ tập đông người, dừng các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết tạm thời đóng cửa, hạn chế di chuyển của người dân từ các tỉnh thành có dịch đến các địa phương khác.

Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 thực hiện cách ly toàn xã hội bắt đầu 0h ngày 1-15/4 trên phạm vi toàn quốc, chiều ngày 15/4, Thủ tướng gia hạn cách ly toàn xã hội đối với 28 tỉnh thành phố có nguy cơ cao và nguy cơ đến ngày 22/4.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thời gian từ ngày 1-15/4 là thời gian vàng để quyết định sự thành bại của chúng ta trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, chúng ta cần phải “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa” trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 này.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc, ngành y tế vào cuộc, các lực lượng quân đội vào cuộc, toàn dân cũng vào cuộc để chống lại dịch bệnh này. Không chỉ có hô khẩu hiệu mà toàn xã hội đều chung tay, góp sức vào cuộc chiến, các cơ quan đoàn thể, chính quyền, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, thậm chí còn có cả những cụ già mang từng cân gạo, bó rau đến cho các đơn vị bộ đội đang làm nhiệm vụ chăm sóc người cách ly để ủng hộ.

Chúng ta đã có những thắng lợi ban đầu trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở ổ dịch tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Trúc Bạch, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)…, sau thời gian cách ly không phát hiện thêm trường hợp nào dương tính với Covid-19, những ổ dịch này đã được dập tắt hoàn toàn. Chỉ còn Hạ Lôi (Mê Linh - Hà Nội) và một số địa phương đang bắt đầu cuộc chiến, nhưng những người dân ở đây đều tự nguyện chấp hành, để mong sao dịch bệnh qua nhanh.

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại mệnh lệnh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm xưa: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa”, đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Sự thần tốc, táo bạo năm xưa được thể hiện rõ trong 5 biện pháp chặn dịch, dập dịch: phát hiện từ xa, khoanh vùng nhanh, cách ly ngay, dập dịch triệt để và chữa trị kịp thời.

Chiến thắng sẽ thuộc về nhân dân Việt Nam, vinh quang này thuộc về Dân tộc ta nếu cả đất nước cùng đồng tâm hiệp lực, nghiêm chỉnh chấp hành mọi sự chỉ đạo của Chính phủ trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đến hôm nay, sau khi kết thúc 15 ngày cách ly theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, số ca nhiễm bệnh đã dừng lại ở 268 ca mà không có thêm bệnh nhân nào dương tính với Covid-19 nữa.

Một lần nữa yếu tố tận dụng thời gian để chặn dịch, dập dịch theo tinh thần thần tốc, táo bạo đã giúp chúng ta thành công.

Hy vọng, ngày 30/4/2020 sẽ là chiến thắng kép, khi chúng ta kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam cũng sẽ là ngày khống chế được dịch bệnh Covid-19..

 

 

Ngọc thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top