Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 20 tháng 6 năm 2018 | 17:18

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng

Báo Kinh tế nông thôn trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam ngày 20/6/2018.

tt1.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc gặp mặt - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Thưa các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,

Thưa các nhà báo lão thành,

Thưa các đồng chí lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí và các nhà báo, phóng viên, biên tập viên,

Thưa quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí,

Cách đây 93 năm, tờ báo Thanh niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên vào ngày21/6/1925, đánh dấu sự ra đời của nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Báo chí cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, không ngừng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.

Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự buổi gặp mặt các nhà báo nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Đây là dịp để chúng ta tiếp tục tôn vinh, tri ân và tự hào về truyền thống vẻ vang của đội ngũ người làm báo. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi thân ái xin gửi tới quý vị đại biểu, đại diện các cơ quan báo chí và tất cả những người làm báo trong cả nước lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất.

Thưa các đồng chí,

Báo chí cách mạng là công cụ sắc bén góp phần quan trọng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, báo chí nước nhà đã thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đưa tin đầy đủ, kịp thời về tình hình trong nước và quốc tế; phản ánh mọi mặt đời sống xã hội; phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình hiệu quả, cách làm hay; biểu dương gương người tốt, việc tốt; phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, tiêu cực; góp phần tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; bảo vệ chủ quyền quốc gia, tuyên truyền đối ngoại; đấu tranh và phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống. Qua đó cùng tạo sự đồng thuận để xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Đồng hành cùng với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Báo chí cách mạng Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và không ngừng vươn lên, ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; là cầu nối hiệu quả giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Bản lĩnh chính trị và tính chuyên nghiệp của đội ngũ người làm báo ngày càng được nâng cao.     Phát triển đa dạng, phong phú các loại hình báo chí truyền thống và hiện đại, gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử và truyền thông đa phương tiện… Và hôm nay, chúng ta tự hào về đội ngũ trên 36 nghìn người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí, gần 850 cơ quan báo chí, hơn 18 nghìn nhà báo được cấp thẻ và hơn 22 nghìn hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Báo chí cách mạng thực sự là lực lượng hùng hậu trên mặt trận thông tin truyền thông, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Nhiều nhà báo đã trở thành những tấm gương sáng, nỗ lực quên mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dịp này, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy của báo chí cách mạng; tri ân những nhà báo đã anh dũng hy sinh trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, chúng ta tự hào về những nhà báo gạo cội như Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ, Phan Quang… với những bài báo khai phá, mở đường cho đổi mới tư duy, góp phần giải quyết kịp thời những bức xúc xã hội, tháo gỡ những điểm nghẽn cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Ngày nay, nhiều nhà báo tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, không quản hiểm nguy, khó khăn, gian khổ, dũng cảm thâm nhập thực tế, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng, các vấn đề bức xúc, thiên tai, bão lũ…; làm phóng sự điều tra về các vụ án hình sự, tham nhũng, tiêu cực phức tạp. Chúng ta rất cảm động trước những tấm gương nhà báo đã hy sinh, bị hành hung, gây thương tích trong khi làm nhiệm vụ báo chí thời bình, trong đó gần đây có nhà báo Đinh Hữu Dư hy sinh khi tác nghiệp đưa tin bão lũ tại Yên Bái. Nhiều nhà báo đã có nhiều bài viết hay, có ý nghĩa thiết thực trên các mặt đời sống xã hội, đạt giải cao trong các giải báo chí toàn quốc về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng Đảng; thông tin đối ngoại…

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng sự nỗ lực và những thành tích của các cơ quan thông tấn báo chí và đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.

Chúng ta vui mừng trước sự phát triển lớn mạnh của báo chí nước nhà, nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có những hạn chế, yếu kém cần nghiêm túc đánh giá và sớm khắc phục. Sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin mở ra những phương thức truyền thông hiện đại, tổ chức sản xuất thông tin mới. Báo in đối mặt với sự sụt giảm mạnh về doanh thu, độc giả. Báo điện tử phải cạnh tranh quyết liệt với mạng xã hội... Công tác quản lý báo chí còn những bất cập. Nhiều người làm báo, một số cơ quan báo chí còn chưa chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ đưa tin; chưa chú trọng nhiệm vụ chính trị, chưa bám sát tôn chỉ, mục đích của báo chí, nhất là trong thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội;  có trường hợp còn chạy theo yếu tố thương mại, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, đưa tin một chiều, giật gân, câu khách, gây bức xúc xã hội. Chưa có nhiều những bài báo có chất lượng cao, có tác động lớn, góp phần thúc đẩy, khơi dậy niềm tự hào, các nhân tố tích cực trong đời sống xã hội. Cá biệt có những nhà báo, cơ quan báo chí còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp làm báo, vi phạm pháp luật; thậm chí có nhà báo đã bị xử lý hình sự. Những người làm báo chân chính chúng ta rất bất bình trước những hiện tượng “đăng rồi gỡ”, một số nhà báo không thực hiện trách nhiệm đưa tin trên báo chính thống mà viết bài thiếu tính xây dựng, thể hiện quan điểm tiêu cực trên mạng xã hội.

Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta cùng chia sẻ với các cơ quan báo chí, với đội ngũ nhà báo cả nước về những khó khăn, thử thách và mong muốn các đồng chí tiếp tục làm tốt và phải làm tốt hơn nhiệm vụ công tác thông tin, tuyên truyền đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao phó. Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ luôn lắng nghe những khó khăn của báo chí để có chỉ đạo phù hợp, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động đúng pháp luật, hiệu quả.

Thưa các đồng chí,

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn mới của quá trình phát triển với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Khoa học công nghệ phát triển nhanh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông, đặt ra những yêu cầu mới đối với lĩnh vực báo chí. Tình hình quốc tế và khu vực có những diễn biến phức tạp và khó lường. Trong nước, nền kinh tế nước ta tiếp tục xu hướng phát triển thuận lợi nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức.

Bối cảnh quốc tế và trong nước trên đây đòi hỏi báo chí cách mạng và đội ngũ nhà báo, người làm báo phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của báo chí trong việc đưa tin, định hướng dư luận, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Tại buổi gặp mặt hôm nay, tôi mong muốn và đề nghị các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan báo chí, truyền thông và toàn thể đội ngũ nhà báo, người làm báo nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt sứ mệnh được giao, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tựu đạt được, tập trung khắc phục nhanh những hạn chế, tồn tại trong hoạt động báo chí, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm là thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Đề nghị các đồng chí lưu ý, tập trung tuyên truyền đến nhân dân các vấn đề thời sự, bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điều ngày không có nghĩa là không được nói những ý kiến khác mà góp ý, phản biện phải trên tinh thần xây dựng, có trách nhiệm, đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng lúc, đúng chỗ và tuân thủ pháp luật. Kiên quyết không để tình trạng báo chí giật tít, giật gân, kích động. Trong từng hoạt động báo chí cụ thể như phỏng vấn, đưa tin, ghi hình đều phải định hướng tốt, phục vụ tốt yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Báo chí cần chú trọng tuyên truyền về mặt tốt, mặt tích cực, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, sự phấn khởi, lạc quan trong xã hội, tạo động lực tinh thần thúc đẩycông cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.

Thứ hai, báo chí phải thông tin nhanh nhạy, chính xác, khách quan, trung thực, vừa là kênh phổ biến, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, thực hiện tinh thần trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân; phản ánh kịp thời, trung thực những nguyện vọng, ý kiến, truyền tải thông tin thiết thực đến toàn thể nhân dân. Để xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp với phương châm 10 chữ “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”, tôi đề nghị Báo chí luôn đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thông tin tuyên truyền, củng cố niềm tin và sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Báo chí cùng tham gia giám sát các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước thực hiện phương châm “10 chữ” nêu trên của Chính phủ.

Đồng thời, báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống lại các thế lực thù địch; tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; chủ động bác bỏ những nội dung bôi nhọ, bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, làm mất đoàn kết trong Đảng và trong xã hội.

Thứ ba, các cơ quan chủ quản và lãnh đạo các cơ quan báo chí phải phải nâng cao vai trò quản lý, thường xuyên quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà báo, người làm báo có phẩm chất chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, có trách nhiệm xã hội và ý thức công dân. Mỗi nhà báo phải thể hiện đúng phẩm chất như Bác Hồ đã dạy: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”.

Qua những sự việc vừa xảy ra, chúng ta phải quản lý tốt hơn đội ngũ phóng viên, người làm báo; xử lý nghiêm các trường hợp có bài viết kích động, không theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước - không để tình trạng “một con sâu làm rầu nồi canh”.

Trước xu hướng thông tin trên mạng ngày càng nhiều, có cả những thông tin tốt và thông tin xấu, độc, từng cơ quan báo chí và mỗi nhà báo đề cao trách nhiệm, chọn lọc thông tin, kiểm định tính xác thực; làm tốt chức năng định hướng dư luận xã hội, hướng người dân vào những giá trị chân, thiện, mỹ, xây dựng môi trường thông tin lành mạnh. Các cơ quan quản lý báo chí, cùng với việc khen thưởng thành tích tốt, cần xử lý nghiêm trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật.

Thứ tư, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, đòi hỏi đội ngũ nhà báo, người làm báo phải nhanh chóng tiếp cận với công nghệ truyền thông mới, phương pháp làm báo mới. Báo chí dưới mọi hình thức đều phải nhanh nhạy, cập nhật công nghệ mới, mở rộng các hình thức, kênh tiếp cận công chúng, vừa kịp thời nắm bắt tình hình, vừa đưa tin và định hướng dư luận. Khi có vấn đề phức tạp, gây bức xúc dư luận, đề nghị các đồng chí phải thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng để thống nhất định hướng xử lý và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho người dân. Đặc biệt là những cơ quan báo chí, truyền thông lớn như Báo Nhân dân, VTV, VOV, TTXVN v.v… phải đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ này, phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động báo chí, thông tin, tuyên truyền.

Các đồng chí lưu ý, hiện nay trên mạng xã hội có nhiều thông tin trái chiều với luận điệu sai trái, bị các đối tượng phản động lợi dụng. Tôi đề nghị báo chí phải chủ động đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, để toàn xã hội, cả đội ngũ nhà báo, phóng viên, cán bộ, công chức, người dân vào cuộc, nhận thức đúng, hiểu đúng và tích cực đưa tin phản bác. Các thông tin sai trái trên mạng xã hội cần được phản biện, phản bác công khai, kịp thời, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chúng ta cần phát huy vai trò của Báo chí cách mạng Việt Nam, với lực lượng hùng hậu cả về con người, phương tiện và nhất là bản lĩnh cách mạng của 850 cơ quan báo chí, hơn 18 nghìn nhà báo được cấp thẻ và hơn 22 nghìn hội viên Hội Nhà báo Việt Nam để đấu tranh với mọi luận điệu sai trái trên mạng xã hội.

Đồng thời, tôi đề nghị các đồng chí vừa phải bảo đảm chất lượng thông tin, vừa quan tâm đổi mới, xây dựng mô hình tòa soạn, cơ quan báo chí với phương thức hoạt động và các cơ chế, chính sách, quy định quản lý phù hợp. Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, bảo đảm thu nhập, đời sống của nhà báo, người làm báo, người lao động trong các cơ quan báo chí. Quan tâm tới vấn đề kinh tế báo chí, thu nhập của người làm báo nhưng không để mặt trái cơ chế thị trường tác động làm cho báo chí bị thương mại hóa, làm sai tôn chỉ mục đích, đi chệch định hướng mà chính các cơ quan báo chí chúng ta đã lên án.

Thứ năm, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật và đẩy mạnh triển khai thực hiện quy hoạch báo chí theo Đề án đã được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng thông qua, vừa bảo đảm quản lý tốt, vừa tạo điều kiện cho báo chí phát triển Vừa qua, các cơ quan báo chí của Đảng, của Bộ Thông tin và Truyền thông đã được sắp xếp xong; việc sắp xếp các cơ quan báo chí của các Bộ đang chờ sửa đổi Nghị định về chức năng, nhiệm vụ của các Bộ. Sắp tới, Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ họp để chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Quy hoạch báo chí được phê duyệt.

Chúng ta phải chung tay chia sẻ khó khăn với các cơ quan báo chí, cộng đồng nhà báo, người làm báo, phải tạo mọi thuận lợi để báo chí làm tốt hơn nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin cậy, giao phó.

Nhân dịp này, tôi yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt quy chế người phát ngôn; phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí, truyền thông các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin cho báo chí về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương; tình hình quốc tế, khu vực và những vấn đề nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm. Chúng ta phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, trong đó đặc biệt chú trọng sự phối hợp, hỗ trợ của các cấp, các ngành để phát huy vai trò tiên phong, xung kích của báo chí cách mạng, của đội ngũ nhà báo, người làm báo, nhất là đối với những vấn đề xã hội bức xúc, nhạy cảm, dư luận quan tâm.

Đồng thời, tôi yêu cầu Bộ Công an, các địa phương, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các hành vi cản trở, đe dọa, xâm phạm trên mọi hình thức đối với nhà báo trong thực thi nhiệm vụ. Nhà báo, người làm báo chân chính phải được bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thưa các đồng chí,

Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi mong muốn và tin tưởng rằng, Báo chí cách mạng, toàn thể đội ngũ nhà báo, người làm báo Việt Nam luôn xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng tiên phong, kiên trung trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, của dân tộc; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của chính nghĩa, sức mạnh của thời đại; chung sức đồng lòng vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Xây dựng hình ảnh nhà báo của chúng ta như cố nhà báo Hữu Thọ đã nói “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.

Tôi xin chúc các đồng chí, quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!./.

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top