Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 21 tháng 4 năm 2018 | 10:58

Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam-Myanmar

Báo Kinh tế nông thôn xin giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Myanmar nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi trong lễ đón. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Toàn văn Tuyên bố như sau:

1. Nhận lời mời của Ngài Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước nước Cộng hòa Liên bang Myanmar, đã thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên từ ngày 19-20/4.

2. Trong chuyến thăm, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi đã dự lễ đón, hội đàm và chiêu đãi do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì; chào và hội kiến với các Lãnh đạo Cấp cao của Việt Nam; đặt vòng hoa tại Tượng đài các anh hùng liệt sĩ và thăm Nhà sàn Bác Hồ. Cố vấn Nhà nước cũng đã tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Myanmar và đại diện các doanh nghiệp của Việt Nam đang hoạt động tại Myanmar.

3. Lãnh đạo hai nước ghi nhận quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác gắn bó giữa Việt Nam và Myanmar được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Aung San gây dựng và được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Hai bên khẳng định mong muốn chung về một khu vực hòa bình, thịnh vượng và phát triển. Các Lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ tích cực của Chính phủ và nhân dân Myanmar trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong những nỗ lực phát triển đất nước hiện nay. Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi bày tỏ khâm phục tinh thần và lòng dũng cảm của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước; chúc mừng Việt Nam thực hiện thành công chiến lược đổi mới, cải cách và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.

4. Các nhà Lãnh đạo cùng điểm lại các bước phát triển trong quan hệ và hợp tác song phương kể từ chuyến thăm Myanmar rất thành công của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tháng 8/2017. Phía Việt Nam nhấn mạnh coi trọng quan hệ với Myanmar cũng như với Chính phủ do Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đứng đầu; khẳng định tiếp tục ủng hộ nỗ lực vì hòa bình, hòa hợp dân tộc ở Myanmar. Việt Nam tin tưởng chắc chắn rằng Hội nghị Panglong Thế kỷ 21 là bước tiến lớn và, thông qua đối thoại và đàm phán, Chính phủ Myanmar sẽ tiếp tục thành công trong quá trình xây dựng nước Cộng hòa liên bang dân chủ ổn định và phát triển. Phía Myanmar bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã kiên trì ủng hộ và chia sẻ kinh nghiệm với Myanmar hòa hợp, hòa giải dân tộc và phát triển đất nước.

5. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi bày tỏ hài lòng về những tiến triển tích cực trong quan hệ hợp tác hai nước thời gian qua, đặc biệt là việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Hợp tác Toàn diện vào tháng 8/2017. Hai bên khẳng định đẩy mạnh hiệu quả hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm thương mại và đầu tư, văn hóa, xã hội và giáo dục. Những nỗ lực trên sẽ gia tăng tin cậy và làm sâu sắc thêm hợp tác giữa hai nước, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

6. Nhằm triển khai hiệu quả Tuyên bố chung về Đối tác Hợp tác Toàn diện, Lãnh đạo hai nước bày tỏ quyết tâm thúc đẩy hợp tác về chính trị, thương mại và đầu tư, an ninh-quốc phòng, nông-lâm-ngư nghiệp, kết nối, năng lượng, viễn thông, du lịch, tư pháp, giáo dục, giao lưu nhân dân và hợp tác trong các vấn đề khu vực.

7. Hai bên nhấn mạnh việc trao đổi đoàn các cấp và trên tất cả các kênh, bao gồm kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân sẽ góp phần tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ trên kênh Đảng là một trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương và mong muốn sớm ký Chương trình hành động giai đoạn 2018-2023 để triển khai quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện thiết lập tháng 8/2017.

8. Hai bên ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước: Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt gần 830 triệu USD, tăng 51% so với 2016. Việt Nam vươn lên thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar với 17 dự án, tổng vốn đăng ký đạt gần 2,1 tỷ USD. Hai nền kinh tế có tính bổ trợ cao và mang lại lợi ích cho cả hai bên, trên các lĩnh vực thương mại nông nghiệp, đầu tư, chế biến thủy sản, du lịch và dịch vụ, nhất là trong bối cảnh Chính phủ Myanmar đang tiến hành cải cách sâu rộng. Hai bên khẳng định cam kết tăng cường hợp tác và tìm kiếm những phương thức mới nhằm sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 1 tỷ USD. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách thương mại, đầu tư và tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các nhà đầu tư Myanmar và Việt Nam. Lãnh đạo hai bên ghi nhận cần nghiên cứu thiết lập cơ chế hợp tác mới cũng như ký kết thỏa thuận nhằm thuận lợi hóa và thúc đẩy đầu tư giữa hai nước.

9. Hai bên đánh giá cao những bước phát triển gần đây trong hợp tác quốc phòng và an ninh đồng thời khẳng định tiếp tục triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được trong khuôn khổ song phương và đa phương. Hai bên nhất trí tăng cường lĩnh vực hợp tác này, trong đó có trao đổi đoàn quân sự các cấp, tổ chức Đối thoại Chính sách Quốc phòng cấp Thứ trưởng trong năm 2018; đồng thời mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác như đào tạo, quân y, tìm kiếm cứu nạn, giao lưu thể thao. Việt Nam hoan nghênh phía Myanmar cử đoàn thăm hữu nghị, tham quan và nghiên cứu thực tế cũng như sẵn sàng đón các học viên Myanmar tham gia các khóa điều trị bỏng và sản xuất chân tay giả tại Việt Nam.

10. Hai bên hoan nghênh và cam kết triển khai đầy đủ các Bản ghi nhớ mới được ký kết gồm Bản Ghi nhớ về Hợp tác Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin và Bản Ghi nhớ về Hợp tác Thông tin. Hai bên nhất trí thúc đẩy đàm phán để sớm ký Thỏa thuận Phòng chống tội phạm và các thỏa thuận/hiệp định trong lĩnh vực an ninh. Hai bên tái khẳng định cam kết không cho phép bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào sử dụng lãnh thổ nước này để thực hiện các hoạt động chống phá nước kia.

11. Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác nhằm tăng cường gắn kết hơn nữa về tài chính, đồng thời hoàn thiện các lĩnh vực hợp tác tài chính khác như dịch vụ tài chính. Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác song phương trong các ngành viễn thông, năng lượng, đặc biệt trên lĩnh vực dầu khí, chia sẻ cơ sở hạ tầng.

12. Hai bên tái khẳng định nông-lâm-ngư nghiệp là lĩnh vực hợp tác quan trọng, với nhiều thế mạnh và tiềm năng có thể hỗ trợ nhau cùng phát triển. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí sớm ký các thỏa thuận về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi và mở rộng hợp tác nhằm cải thiện chất lượng và nâng cao giá trị nông sản, bao gồm ngô, gạo, đậu, đỗ. Hai bên nhấn mạnh cam kết đẩy nhanh thủ tục để sớm ký Bản Ghi nhớ về Hợp tác Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

13. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác vận tải đa phương thức bao gồm cả đường bộ, đường biển và hàng không giữa hai nước và trong tiểu vùng. Sau thành công của Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ sáu (GMS-6) tháng 3/2018 tại Hà Nội, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để đạt được những mục tiêu đề ra tại GMS-6.

14. Lãnh đạo hai nước đã trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác du lịch, tư pháp, giáo dục và giao lưu nhân dân. Hai bên khuyến khích thực hiện hiệu quả các chương trình trao đổi học sinh, sinh viên các cấp; tái khẳng định ủng hộ vai trò và các hoạt động của Hội Hữu nghị Việt Nam-Myanmar và Hội Hữu nghị Myanmar-Việt Nam nhằm tăng cường giao lưu giữa nhân dân hai nước, góp phần tích cực vào việc đưa quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện giữa hai nước đi vào chiều sâu.

15. Lãnh đạo hai bên đánh giá cao hợp tác chặt chẽ giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, Phong trào Không liên kết, Liên Hợp Quốc. Nhằm đưa mối quan hệ hợp tác tốt đẹp đó lên một tầm cao mới trên tinh thần quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện, hai bên nhất trí tiếp tục ủng hộ việc hiện thực hóa các mục tiêu trong Cộng đồng ASEAN thông qua hợp tác khu vực trong khuôn khổ ACMECS, CLMV, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh nguồn nước, kết nối và phát triển nguồn nhân lực.

16. Hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các cơ chế hợp tác khu vực trong Tiểu vùng sông Mekong, bao gồm hợp tác Mekong - Nhật Bản, Mekong - Hàn Quốc, Mekong - Sông Hằng, Sáng kiến hạ nguồn sông Mekong cũng như hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng. Việt Nam khuyến khích Myanmar sớm trở thành thành viên chính thức Ủy hội sông Mekong (MRC).

17. Lãnh đạo hai nước cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN có vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực. 

18. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Hai bên cam kết ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm đạt được COC có hiệu lực tại Biển Đông.

19. Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi bảy tỏ cảm kích trước sự đón tiếp chu đáo, trọng thị và thân tình mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành cho cá nhân bà cũng như thành viên của Đoàn và mong sớm được đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Myanmar vào thời điểm thích hợp.

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top