Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 5 năm 2016 | 10:13

Toàn văn Tuyên bố Sochi

Để tạo khuôn khổ và cơ sở vững chắc cho việc tăng cường hợp tác ASEAN-Nga trong thời gian tới, Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác Đối thoại ASEAN-Nga đã thông qua Tuyên bố Sochi. KTNT trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố Sochi.

Các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Liên bang Nga V.Putin. Ảnh: BTC

CHÚNG TÔI, những người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ các nước Thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên bang Nga, tụ họp tại Sochi, Liên bang Nga, ngày 19-20/5/2016 để kỷ niệm 20 năm thiết lập Quan hệ Đối thoại ASEAN-Liên bang Nga;

GHI NHẬN với đánh giá cao các thành tựu đạt được trong 20 năm thiết lập Quan hệ Đối thoại ASEAN-Nga và hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, bao gồm chính trị, an ninh, kinh tế-thương mại, văn hoá, giao lưu nhân dân và hợp tác phát triển, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ cũng như hoà bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

TUÂN THỦ các nguyên tắc, mục tiêu, giá trị và quy định chung được nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố Cấp cao Đông Á về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi (Nguyên tắc Bali) cũng như ghi nhận sự liên kết chặt chẽ giữa hợp tác ASEAN-Nga với các nguyên tắc, quy phạm và tiến trình ASEAN, trong đó có vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

NHẮC LẠI cam kết trong Tuyên bố chung của những người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ ASEAN và người đứng đầu Nhà nước Liên bang Nga về Quan hệ Đối tác Toàn diện và Tiến bộ được ký ngày 13/12/2005 tại Kuala Lumpur, Malaysia và Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nga lần thứ 2 tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 30/10/2010.

NHẬN THỨC được tầm quan trọng của việc triển khai Hiệp định liên Chính phủ ASEAN-Nga về Hợp tác kinh tế và phát triển năm 2005, Hiệp định liên Chính phủ ASEAN-Nga về Hợp tác văn hoá năm 2010 và Chương trình Hành động toàn diện thúc đẩy hợp tác ASEAN-Nga năm 2005-2015.

GHI NHẬN những chuyển biến về tình hình thế giới và xu hướng đa cực ngày càng gia tăng.

GHI NHẬN việc cần định hình một cấu trúc an ninh khu vực mở, minh bạch, toàn diện và dựa trên luật lệ phù hợp với luật pháp quốc tế, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng;

HOAN NGHÊNH việc thành lập Cộng đồng ASEAN năm 2015 và nỗ lực của Nga trong khuôn khổ Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU);

TÁI KHẲNG ĐỊNH cam kết xây dựng quan hệ ASEAN-Nga mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn và cùng chung lợi ích hướng tới hoà bình, ổn định và thịnh vượng khu vực.

THỪA NHẬN tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, bao gồm thông qua các bước đi thực tế, trao đổi các biện pháp triển khai tốt nhất và hợp tác chặt chẽ hơn, nhất là tại các diễn đàn quốc tế;

XEM XÉT tất cả các khía cạnh phát triển trong quan hệ đối thoại ASEAN-Nga, chúng tôi nhất trí cam kết như sau:

TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ ĐỐI THOẠI

1. Tăng cường hơn nữa Quan hệ Đối thoại dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và thịnh vượng chung nhằm thúc đẩy hoà bình, ổn định, an ninh, thịnh vượng, tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững và tiến bộ xã hội ở Khu vực châu Á-Thái Bình Dương với mục tiêu hướng tới quan hệ đối tác chiến lược;

2. Thúc đẩy sự tham gia và hợp tác cấp cao trong khuôn khổ Quan hệ Đối thoại ASEAN-Nga và các cơ chế do ASEAN lãnh đạo như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+);

HỢP TÁC CHÍNH TRỊ - AN NINH

3. Tái khẳng định cam kết tuân thủ các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế được nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), bao gồm việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, cũng như tôn trọng các tiến trình, nguyên tắc và quy định của ASEAN;

4. Tiếp tục ủng hộ hội nhập khu vực sâu rộng hơn, bao gồm thông qua việc triển khai văn kiện ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các diễn đàn như EAS, ARF và ADMM+ cũng như hoan nghênh vai trò của Nga trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương;

5. Tăng cường nỗ lực của các nước thành viên Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (Hiệp ước Bangkok) và các nước có vũ khí hạt nhân nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng liên quan việc ký kết và phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp ước;

6. Tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, các nguy cơ về an ninh thông tin cũng như chống sản xuất và buôn lậu ma túy, dựa trên các khuôn khổ khu vực và quốc tế, chủ yếu thông qua Liên Hợp Quốc;

7. Tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn để chống mọi hình thức, biểu hiện của chủ nghĩa khủng bố cũng như bạo lực cực đoan và chủ nghĩa cấp tiến dựa trên các nghị quyết tương ứng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chiến lược chống khủng bố toàn cầu của Liên Hợp Quốc. Theo đó, thúc đẩy phong trào chống chủ nghĩa cực đoan như được nêu trong Phong trào Ôn hòa Toàn cầu;

8. Thúc đẩy hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức, bao gồm buôn bán người, di cư bất hợp pháp, cướp biển, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế và tội phạm mạng. ASEAN hoan nghênh việc Liên bang Nga sẵn sàng tiếp tục các khóa đào tạo nâng cao năng lực liên quan;

9. Bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở. Thúc đẩy tự kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm các nội dung được nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và các tiêu chuẩn và thông lệ phù hợp của Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO);

10. Ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), trên cơ sở đồng thuận;

11. Tăng cường vai trò của Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) là diễn đàn đối thoại của các Nhà Lãnh đạo về các vấn đề chiến lược, chính trị và kinh tế có cùng lợi ích và quan tâm chung, bao gồm việc tiếp tục tham vấn đa phương trong EAS về cấu trúc an ninh khu vực;

12. Thúc đẩy một cách phù hợp mức độ hợp tác tại các diễn đàn khu vực và toàn cầu, trong đó có Liên Hợp Quốc (UN), Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Á-Âu (ASEM) và G20;

HỢP TÁC KINH TẾ

13. Tiếp tục đối thoại về cách thức tăng cường hợp tác để hỗ trợ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Kế hoạch tổng thể về AEC năm 2025;

14. Thăm dò khả năng hợp tác cùng có lợi giữa ASEAN, EAEU và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO);

15. Khuyến khích tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện, cũng như việc thiết lập một hệ thống quản lý kinh tế quốc tế tiêu biểu hơn nhằm ứng phó tích cực với các thách thức kinh tế và tài chính toàn cầu;

16. Khuyến khích việc cải cách hệ thống tài chính quốc tế, có tính đến lợi ích và sự gia tăng ảnh hưởng của các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi;

17. Hỗ trợ phát triển các quy định thương mại đa phương nhằm bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng cũng như sự thịnh vượng và phúc lợi cho tất cả;

18. Thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực thông qua tham vấn thường xuyên trong khuôn khổ các cơ chế hiện có nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư, bao gồm thúc đẩy một thị trường mở và không phân biệt đối xử trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có tính đến lợi ích của mỗi và mọi nền kinh tế;

19. Nỗ lực gia tăng kim ngạch thương mại giữa các nước thành viên ASEAN và Nga;

20. Nga đề xuất triển khai một nghiên cứu chung về khả năng xây dựng khu vực thương mại tự do toàn diện ASEAN-EAEU. ASEAN sẽ xem xét sáng kiến này;

21. Khuyến khích hợp tác giao thông vận tải trong các lĩnh vực như mạng lưới cơ sở hạ tầng hàng hải, đường bộ và vận tải đường sắt và hàng không dân dụng, bao gồm thông qua xây dựng năng lực và chia sẻ các biện pháp thực hiện tốt;

22. Thăm dò hợp tác trong các lĩnh vực thương mại điện tử với mục tiêu tăng thương mại và đầu tư hai chiều;

23. Tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh năng lượng, bao gồm sử dụng hiệu quả năng lượng, cũng như khả năng tiếp cận, khả năng chi trả và tính bền vững của năng lượng, bao gồm thông qua cùng nhau phát triển công nghệ năng lượng tái tạo và năng lượng sạch;

24. Thăm dò hợp tác trong các lĩnh vực dầu khí, điện lực, sử dụng hiệu quả năng lượng, năng lượng hạt nhân dân sự, và năng lượng tái tạo nhằm tăng cường an ninh năng lượng;

25. Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và khu vực, cũng như mở rộng thương mại và đầu tư vào các sản phẩm thực phẩm lành mạnh và thân thiện với môi trường;

26. Thúc đẩy các hình thức đánh cá có trách nhiệm và xử lý tình trạng đánh cá trái phép, không khai báo và không theo quy định;

27. Góp phần phát triển bền vững nền kinh tế biển dựa trên các nguyên tắc cân bằng giữa sự ổn định sinh thái và sức khoẻ của người dân, cũng như giữa việc quản lý có trách nhiệm và sử dụng hiệu quả nguồn nước;

28. Khuyến khích mở rộng liên hệ giữa các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, các quỹ khoa học, các công ty và hiệp hội khoa học và công nghệ để phát minh và thúc đẩy các sản phẩm sáng tạo và các công nghệ mới, trao đổi kiến thức thông qua các hoạt động dự án, nghiên cứu, hội nghị và hội thảo chung;

29. Thúc đẩy hợp tác khoa học và công nghệ nhằm tạo điều kiện phát triển một nền kinh tế đổi mới trong các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ vũ trụ, và dược phẩm;

30. Thăm dò hợp tác thông qua việc chuyển giao công nghệ, phát triển và nghiên cứu công nghệ chung, cũng như xây dựng năng lực trong công nghệ vũ trụ và khả năng ứng dụng;

31. Khuyến khích quan hệ đối tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân, bao gồm thông qua Quan hệ đối tác công-tư (PPP), và thúc đẩy quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, phát triển các doanh nghiệp vừa, nhỏ, và siêu nhỏ, và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân giữa ASEAN và Nga;

32. Đẩy mạnh liên hệ giữa những doanh nghiệp khởi nghiệp với các hiệp hội doanh nghiệp của các quốc gia thành viên ASEAN và Nga, bao gồm thông qua Hội đồng Kinh doanh Nga - ASEAN cũng như thông qua trao đổi các hoạt động kinh doanh;

33. Thúc đẩy các điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh chung và thuận lợi hoá thương mại;

34. Thăm dò việc tăng cường các nỗ lực nhằm thúc đẩy phúc lợi tài chính và nhận thức của người dân về các sản phẩm và dịch vụ tài chính phức hợp trong một môi trường kỹ thuật số phát triển nhanh chóng;

35. Thăm dò khả năng hợp tác nhằm tăng cường các sáng kiến hỗ trợ tài chính phát triển cơ sở hạ tầng tại ASEAN và Nga;

HỢP TÁC VĂN HOÁ-XÃ HỘI

36. Hoan nghênh và triển khai Năm Văn hóa ASEAN-Nga 2016, đặt mục tiêu mở rộng và đẩy mạnh giao lưu văn hóa giữa các nước Thành viên ASEAN và Liên bang Nga, và khuyến khích các nỗ lực và sáng kiến đem lại động lực trong lĩnh vực này;

37. Tăng cường hợp tác giáo dục nhằm đẩy mạnh hơn nữa kết nối nhân dân, hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị. Mở rộng các chương trình đào tạo chuyên nghiệp và trao đổi học thuật, đặc biệt giữa các nhà khoa học trẻ, cũng như thúc đẩy các chương trình đào tạo nghề. Theo đó, một Nhóm công tác chung về Giáo dục đang được thành lập nhằm giám sát và tăng cường hợp tác giáo dục;

38. Thúc đẩy nâng cao nhận thức và đánh giá về truyền thống, lịch sử, di sản và sự đa dạng văn hóa của mỗi nước thông qua các hoạt động trao đổi văn hóa, triển lãm nghệ thuật, liên hoan phim và các sự kiện văn hóa khác. Tăng cường đối thoại liên văn hóa và liên văn minh, cũng như các cuộc tham vấn hợp tác văn hóa ASEAN-Nga;

39. Đẩy mạnh hợp tác về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, y tế, quản lý nguồn nước, và cải thiện việc tiếp cận nước sạch và không khí sạch;

40. Hoan nghênh việc thông qua Hiệp định Paris trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu;

41. Đẩy mạnh hợp tác về quản lý thiên tai bằng thông qua việc tăng cường năng lực của các trung tâm quản lý khủng hoảng quốc gia và khu vực, giám sát tình trạng khẩn cấp và các hệ thống dự báo, nâng cao đào tạo chuyên nghiệp cho nhân viên ứng phó khẩn cấp quốc gia và cung cấp hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp;

42. Thăm dò hợp tác nhằm khuyến khích nâng cao chất lượng cuộc sống và cơ hội tiếp cận công bằng cho tất cả mọi người, thúc đẩy và bảo vệ các quyền của phụ nữ, trẻ em, thanh niên, người già, người tàn tật và lao động di cư;

43. Sử dụng hiệu quả Trung tâm ASEAN tại Đại học Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động thúc đẩy phát triển kết nối nhân dân, bao gồm trao đổi học thuật, thanh niên và văn hóa giữa ASEAN và Liên bang Nga;

HỢP TÁC THU HẸP KHOẢNG CÁCH PHÁT TRIỂN VÀ KẾT NỐI

44. Hoan nghênh sự hỗ trợ hơn nữa từ phía Nga đối với nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN, nhất là Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI), thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững theo Chương trình Công tác giai đoạn III triển khai IAI cùng các tài liệu liêu quan;

45. Thăm dò các phương hướng hợp tác trong lĩnh vực kết nối ASEAN theo phương châm của Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) và các tài liệu triển khai văn kiện này. Thúc đẩy tăng cường kết nối giữa ASEAN và Nga, nhất là các kênh giao thông hiệu quả hơn và mối giao lưu chặt chẽ hơn giữa người dân.

TRIỂN KHAI

46. Giao các Cơ quan liên quan của các nước thành viên ASEAN và Liên bang Nga nỗ lực thực hiện các biện pháp cần thiết để triển khai các hoạt động của Tuyên bố. Việc triển khai Tuyên bố sẽ được kiểm điểm thường niên thông qua các khuôn khổ hợp tác hiện có;

47. Hoan nghênh việc thông qua Kế hoạch hành động toàn diện nhằm thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Liên bang Nga giai đoạn 2016-2020, và giao các Bộ trưởng giám sát việc thực hiện trên từng lĩnh vực phụ trách thông qua các cơ chế hợp tác tương ứng giữa ASEAN và Nga;

48. Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Nhóm các Nhân vật nổi tiếng ASEAN-Nga trong việc chuẩn bị Báo cáo “ASEAN-Nga: Định hướng tương lai Quan hệ Đối tác Chiến lược đa chiều” và giao các Bộ trưởng liên quan nghiên cứu, tham khảo các khuyến nghị phù hợp với việc triển khai các điều khoản trong Tuyên bố;

49. Triển khai các biện pháp thích hợp nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả Quỹ Đối tác đối thoại ASEAN-Nga (ARDPFF) trong việc triển khai Tuyên bố. Theo đó, ASEAN hoan nghênh cam kết của Nga đóng góp hàng năm cho Quỹ ARDPFF;

Thông qua tại Sochi, Liên bang Nga vào ngày 20 tháng 5 năm 2016.

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top